Sức sống mới bên cung đường Trường Sơn Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đường Trường Sơn Đông qua địa bàn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) được đưa vào sử dụng hơn 8 năm. Giao thông thông suốt không chỉ là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mà còn mở ra cơ hội giao lưu văn hóa giữa các địa phương. Nhờ đó, các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dọc theo tuyến đường này đang bừng lên sức sống mới.

“Cú hích” phát triển kinh tế-xã hội

Những ngày cuối tháng 8, theo tuyến đường Trường Sơn Đông thênh thang, chúng tôi có dịp trở lại các xã: Ia Rsươm, Uar, Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Hdreh và Krông Năng của huyện Krông Pa. Đường sá phẳng lì, những ngôi nhà sàn, nhà bê tông nối tiếp nhau dọc theo tuyến đường, các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ diễn ra khá sôi nổi. Diện mạo nông thôn nơi này đang đổi thay từng ngày.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nay Yan-Trưởng thôn Choanh (xã Uar) phấn khởi cho biết: Từ khi có đường Trường Sơn Đông đi qua, việc giao thương, đi lại giữa các địa phương thuận lợi hơn nên bà con cũng dễ dàng tiếp cận, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khi có ai đau ốm nặng, người dân lấy xe máy chở đến Trạm Y tế xã hoặc Trung tâm Y tế huyện để khám, điều trị kịp thời.

Nhờ có đường Trường Sơn Đông đi qua mà các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã Uar (huyện Krông Pa) diễn ra khá tấp nập, sôi nổi. Ảnh: H.P

Nhờ có đường Trường Sơn Đông đi qua mà các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã Uar (huyện Krông Pa) diễn ra khá tấp nập, sôi nổi. Ảnh: H.P

Ông Nguyễn Đức Nguyên-Chủ tịch UBND xã Uar-cho biết: Nhờ con đường Trường Sơn Đông đi qua xã nên các con đường xương cá tỏa về các thôn buôn cũng được mở rộng. Đến nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa; đường trục thôn và đường liên thôn được bê tông hóa, đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng được bê tông hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Nhờ thông thương nên kinh tế phát triển, diện mạo các buôn làng đồng bào DTTS đổi thay rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng/năm. Cuối năm 2021, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Cũng theo ông Nguyên, tuyến đường Trường Sơn Đông đã trở thành “cú hích” quan trọng đối với xã Uar nói riêng và các xã có trục đường đi qua nói chung. Bởi tuyến đường này đã tạo điều kiện để các địa phương phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhờ có đường, người dân mới có cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao.

Nhờ có đường Trường Sơn Đông, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Choanh (xã Uar, huyện Krông Pa) đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, xây được nhà cửa khang trang. Ảnh: Ngọc Sang

Nhờ có đường Trường Sơn Đông, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Choanh (xã Uar, huyện Krông Pa) đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, xây được nhà cửa khang trang. Ảnh: Ngọc Sang

Còn ông Ksor Rơ-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Drăng thì cho hay: Những năm qua, việc đầu tư các tuyến đường liên thôn, liên xã kết nối với đường Trường Sơn Đông đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, đi lại. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 22,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm, xã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới.

Xa rồi những ngày gian khó

Ngồi trong ngôi nhà mới xây khang trang, ông Kpă Lôr (buôn Ia Sóa, xã Krông Năng) kể cho chúng tôi nghe về một thời gian khó khi chưa có con đường Trường Sơn Đông. “Trước đây, người dân không biết trồng cây gì để phát triển kinh tế gia đình. Bà con chỉ nghĩ làm sao có cái ăn, cái mặc, không bị đói là tốt lắm rồi. Đường sá không có nên trồng cây gì cũng không có người vào mua. Sau này, Nhà nước đầu tư làm đường cấp phối nhưng cũng khó khăn lắm, mùa mưa nước ở các ngầm dâng cao, không thể đi được”-ông Lôr nhớ lại.

Trầm ngâm một lúc, ông Lôr kể tiếp: “Đó là ngày xưa thôi, chứ bây giờ, đời sống của bà con trong xã đã khác lắm rồi. Gia đình tôi hiện có 3 ha mì, 1 ha lúa nước, nuôi 10 con bò. Có con đường Trường Sơn Đông chạy qua, tôi bán được số nông sản làm ra với giá cao hơn trước, thu nhập hàng năm trên 120 triệu đồng. Nhờ đó, tôi xây dựng được nhà cửa khang trang, cho con cháu ăn học nên người”.

Người dân buôn Ngôm (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) thu hoạch lúa. Ảnh: H.P

Người dân buôn Ngôm (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) thu hoạch lúa. Ảnh: H.P

Để tạo thuận lợi cho người dân buôn Ia Sóa đi vào khu sản xuất tập trung, năm 2022, huyện Krông Pa đã đầu tư hơn 1,48 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương làm đường giao thông nội đồng với chiều dài hơn 1 km. Năm 2023, huyện tiếp tục bố trí kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng đầu tư làm thêm một tuyến đường khác vào khu sản xuất tập trung của người dân buôn Ia Sóa. Ông Nay Leo phấn khởi nói: “Trước đây, khi chưa có đường bê tông, người dân vận chuyển phân bón ra đồng rất khó khăn, nông sản thu hoạch phải chở từng bao về nhà bằng xe máy. Có đường mới, người dân dùng xe ô tô, công nông để chở phân bón, nông sản nên nhanh hơn”.

Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: Tuyến đường Trường Sơn Đông qua huyện Krông Pa có chiều dài 35,5 km, đi qua 6 xã: Ia Rsươm, Uar, Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Hdreh và Krông Năng. Tuyến đường này đã góp phần làm cho cuộc sống của hàng ngàn hộ đồng bào DTTS nơi đây đổi thay từng ngày. Bên cạnh đó, từ đường Trường Sơn Đông, những con đường nhánh được mở ra, chạy đến các buôn làng đồng bào DTTS, góp phần xóa thế cô lập ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa. Trong năm 2022 và 2023, trên cơ sở các nguồn lực, huyện đã đầu tư hơn 39 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi góp phần giúp các xã phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.

Ông Kpă Thuân-Chủ tịch UBND xã Krông Năng-cho hay: Xã có 4 buôn nằm dọc theo đường Trường Sơn Đông. Trước đây, cuộc sống của người dân trong xã hầu như biệt lập vì đường giao thông đi lại rất khó khăn. Kể từ khi đường Trường Sơn Đông hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân trong xã đã mở rộng giao lưu hàng hóa với trung tâm huyện và một số xã, huyện lân cận của tỉnh Đak Lak, Phú Yên. Ngoài ra, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia gần 7 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xã. Cùng với đó, hỗ trợ người dân làm nhà ở, phát triển sản xuất, triển khai các mô hình khuyến nông chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Đến nay, xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án cầu, đường tại TP.HCM đang chạy đua về đích mừng năm mới. Đi kèm với đó là sự thở phào nhẹ nhõm, vui mừng phấn khởi của rất nhiều người dân TP nói chung và người dân khu vực đó nói riêng.