Đất nước đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là kết quả sự nỗ lực to lớn của cả nước dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sát sao của Đảng, sự quản lý, điều hành tích cực của Nhà nước, là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
Trong không khí mừng đất nước, mừng Xuân mới Giáp Ngọ và kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, phóng viên có cuộc phỏng vấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư, sang xuân Giáp Ngọ này, Đảng ta tròn 84 tuổi. Vậy Đảng cần phải tiếp tục nâng cao tầm trí tuệ, bản lĩnh như thế nào để hoàn thành sứ mệnh lịch sử và trọng trách là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tăng cường gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình như Hiến pháp 1992 sửa đổi đã quy định?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thực ra những nội dung mà Hiến pháp lần này nêu lên là sự cụ thể hóa, thể chế hóa hay nói cách khác là luật pháp hóa những nội dung mà trong Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết của Đảng đã nói về mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân.
Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của Nhân dân. Nói cách khác là vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Sức mạnh của Đảng là mối liên hệ máu thịt với Nhân dân, cũng như sức mạnh của Nhân dân là bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng vì Nhân dân mà không có sự lãnh đạo, không có sự tổ chức lại thì cũng không thể mạnh được. Hai mặt này quan hệ rất biện chứng với nhau. Phải làm sao mà Đảng ngày càng gắn bó mật thiết hơn nữa với Nhân dân.
Chính vì thế, mà Đảng phải chịu sự giám sát của Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với Nhân dân. Chỉ có làm như vậy, tức là làm được những điều như Cương lĩnh, Điều lệ, Hiến pháp đã nói thì Đảng ta mới thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là người lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Nhân dân, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn dân tộc, là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Muốn thế không có cách nào khác, Đảng phải tự chỉnh đốn mình, tự xây dựng cho mình ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Trước mắt phải thực hiện thật tốt nội dung Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra, trực tiếp là phải thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng đảng.
Trong đó đã nêu những nội dung, những phương hướng, những giải pháp rất cụ thể để làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, chống cho được suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, thói quan liêu, xa dân, hách dịch với dân. Tất cả những cái đó làm hư hỏng, thoái hóa bản chất cách mạng, bản chất giai cấp của Đảng ta.
Phóng viên: Như Tổng Bí thư vừa nói một trong những nhiệm vụ thường xuyên là phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Vừa qua, một số vụ tham nhũng đã được đưa ra xét xử nghiêm minh. Vậy trong năm 2014, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được đẩy mạnh như thế nào góp phần vào việc xây dựng Đảng, thưa Tổng Bí thư?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đúng là trong năm 2013, với sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia rất tích cực của cơ quan chức năng thì công tác phòng, chống tham nhũng cũng đạt được một số kết quả mới, có thêm một bước tiến mới, được dư luận nhân dân đồng tình, kể cả trong việc phòng, trong việc chống.
Tuy nhiên, nhiều lần tôi đã nói nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, phức tạp, khó khăn lắm, thực sự là một cuộc đấu tranh. Nó khó khăn phức tạp vì xảy ra ngay trong nội bộ của chúng ta, nó đã thành lợi ích nhóm, lợi ích ràng buộc với nhau.
Sắp tới, theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, đặc biệt theo kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải làm một số việc rất cụ thể.
Một là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để làm mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa, răn đe, đồng thời xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, vụ án nghiêm trọng.
Thứ hai là phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thấm nhuần sâu sắc nguy cơ về tham nhũng với một đảng cầm quyền. Nếu không làm cái này thì dẫn tới, tôi nhiều lần nói nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Thứ ba, phát huy kinh nghiệm đã có của năm 2013, tiếp tục xử lý một số những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm. Nhất là những vụ việc, vụ án đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo.
Thứ tư, tiếp tục thành lập một số đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác thanh tra, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan thực hiện nhiệm vụ này. Kể cả ở Trung ương và địa phương.
Kinh nghiệm năm 2013 đây là việc tốt. thành lập 7 đoàn kiểm tra có tác dụng tốt, vừa đôn đốc, nhắc nhở, tăng cường phối hợp, vừa răn đe, đồng thời phát hiện vụ việc tiêu cực đưa vào chỉ đạo.
Thứ năm, quan tâm hơn nữa tới công tác phòng, chống tham nhũng ở các địa phương. Giao trách nhiệm cho cấp ủy đảng, đồng chí bí thư cấp ủy phải trực tiếp lo công việc phòng, chống tham nhũng.
Thứ sáu, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan phòng, chống tham nhũng ở nước ngoài, nhất là trong công tác hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ điều tra.
Tôi tin với những kinh nghiệm vừa qua và với tinh thần quyết tâm mới chắc là năm 2014 sẽ có bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư, năm 2014, chúng ta tiến hành 2 công việc rất quan trọng là chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và triển khai tổng kết 30 năm đổi mới. Xin Tổng Bí thư cho biết nội dung trọng tâm và yêu cầu đặt ra với những công việc này là như thế nào?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Vừa rồi, Hội nghị Trung ương 8 đã quyết định thành lập một số Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XII, dự kiến sẽ họp vào quý I năm 2016. Như vậy, thời gian còn rất ngắn, còn 2 năm nữa. Cho nên, công việc chuẩn bị cho Đại hội là rất khẩn trương.
Trọng tâm vẫn là công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội và công tác nhân sự cho Đại hội. Hai nội dung này rất là quan trọng của một Đại hội toàn quốc cũng như Đại hội đảng bộ các cấp.
Văn kiện thì cứ 5 năm một lần có sự bổ sung, phát triển đường lối. Hiện nay, có một số Tiểu ban, Tiểu ban báo cáo chính trị, Tiểu ban kinh tế xã hội đang triển khai rồi.
Về công tác nhân sự tiếp tục thực hiện quy hoạch cán bộ, tiến hành luân chuyển cán bộ, chuẩn bị đào tạo cán bộ cho nhiệm kỳ trước mắt và nhiệm kỳ tiếp theo. Trực tiếp là nhiệm kỳ 2016-2021.
Chúng ta tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, tính mốc từ năm 1986 đến Đại hội XII của Đảng năm 2016 tròn 30 năm. Vừa qua theo quyết định của Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới đã được thành lập và đang được triển khai tích cực.
Các Tiểu ban đang làm việc vì thời gian không còn nhiều. Nội dung tổng kết phải toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng đảng và hệ thống chính trị.
Trọng tâm tập trung vào những vấn đề mới khó, đang vướng mắc cần phải tiếp tục tháo gỡ. Ví dụ như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa thị trường với vai trò quản lý, điều hành của nhà nước; vấn đề kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế; vấn đề tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội. Hay là vấn đề kinh tế nhà nước, kinh tế nhiều thành phần trong điều kiện đang ở thời kỳ quá độ thế này như thế nào? Hay là nhận định tình hình bối cảnh quốc tế trong 5-10 năm tới.
Còn về thời gian chúng ta đã qua 30 năm rồi. Nhưng mà đã có 20 năm tổng kết lần trước thì kế thừa 20 năm đó. Còn tập trung vào 10 năm từ năm 2006 đến nay. Giai đoạn từ năm 2006 đến nay có nhiều vấn đề mới đặt ra. Nhất là khi chúng ta quyết định chuyển sang hội nhập ngày càng sâu hơn vào quốc tế.
Ở đây phương pháp tổng kết rất quan trọng. Làm sao vừa kế thừa cái cũ vừa phát triển cái mới. Kết hợp tổng kết dài hạn với xử lý những công việc trước mắt thế nào cho hài hòa. Tôi tin là lần này sẽ có bước tiến mới về nhận thức lý luận và tổng kết thực tiễn của chúng ta. Việc tổng kết 30 năm đổi mới có liên quan rất chặt chẽ với việc xây dựng văn kiện cho Đại hội toàn quốc lần thứ XII.
Phóng viên: Nhân dịp năm mới, Tổng Bí thư có điều gì nhắn gửi tới đồng chí, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhân dịp đón Xuân Giáp Ngọ 2014, tôi xin thân ái gửi lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp nhất tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.
Tôi cũng mong và chúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước sang năm mới đoàn kết một lòng, tin tưởng vững chắc hơn vào Đảng, vào tương lai phát triển của đất nước để cùng nhau bước vào năm mới với một khí thế, ý chí, quyết tâm mới xây dựng đất nước ta vươn lên tầm cao mới, từng bước, từng bước thực hiện thành công Cương lĩnh của Đảng, đường lối của Đảng ta từ nay tới năm 2020 và xa hơn nữa.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư.
Theo VOV