Sửa nghị định để "cứu" nhà ở xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bộ Xây dựng đánh giá Nghị định 100 còn nhiều bất cập nên đã có hiện tượng chủ đầu tư nộp tiền thay thế hoặc chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10 ha để tránh việc phải dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội.

Qua 5 năm ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH) đã có được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật liên quan, phù hợp tình hình thực tiễn.

Thiếu trầm trọng nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ năm 2016 đến nay, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân lao động được thực hiện theo Luật Nhà ở và các văn bản dưới luật.


 

Cần quy định chặt chẽ việc dành quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, phát triển đô thị
Cần quy định chặt chẽ việc dành quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, phát triển đô thị


Đến nay đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH, bao gồm 507 dự án NƠXH độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375 ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983 ha. Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án với quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích hơn 5,1 triệu m2. Hiện tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10,8 triệu m2; còn lại 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.

Tuy vậy, Bộ Xây dựng nhìn nhận với tổng diện tích hơn 5,1 triệu m2 NƠXH đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).

Xét về số lượng, tính từ năm 2009 đến nay, cả nước có thêm khoảng 5.000 dự án nhà ở thương mại nhưng chỉ có 533 dự án dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH - chiếm khoảng 10%. Phần còn lại các dự án đều thực hiện phương án nộp tiền chuyển giao sử dụng quỹ đất 20% này để được "toàn quyền" khai thác thương mại trên dự án đã được cấp phép.

Hạn chế trên, theo Bộ Xây dựng là do Nghị định 100 có quy định trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha, chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%. Điều này đã khiến cho quỹ đất NƠXH 20% tại nhiều dự án không có.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết kết quả thực hiện chương trình quốc gia về nhà ở đến năm 2020 còn thấp là do một số tồn tại, hạn chế liên quan đến một số quy định của Luật Nhà ở, Nghị định hướng dẫn và do nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi hạn hẹp. Hầu hết 264 dự án NƠXH đang đầu tư xây dựng bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Do đó, cần sửa đổi bổ sung quy định cho phù hợp với thực tiễn hơn.

Ý kiến khác nhau

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 đã có 56 cơ quan, đơn vị góp ý. Liên quan đến quy định về quy mô dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất NƠXH, có ý kiến của 8 đơn vị, trong đó TP Hà Nội, TP Cần Thơ đề nghị dự án tại các đô thị loại đặc biệt và loại I có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên, dự án tại các đô thị loại II và III có quy mô sử dụng đất là 5 ha trở lên thì phải dành quỹ đất 20%.

Còn ý kiến của 33 đơn vị, trong đó có Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định, Hải Dương, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và một số doanh nghiệp bất động sản lớn làm NƠXH, đề nghị dự án tại các đô thị loại đặc biệt và loại I có quy mô sử dụng đất từ 3 ha trở lên, dự án tại các đô thị loại II và III có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên phải dành quỹ đất 20%.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng trên thực tế, không phải mọi dự án từ 10 ha trở lên đều phù hợp để xây dựng NƠXH trong dự án. Do vậy, cần giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở và tình hình thực tiễn của địa phương để quyết định dự án nhà ở thương mại nào có thể xây dựng NƠXH trong dự án; dự án nào thực hiện phương thức hoán đổi quỹ NƠXH ở vị trí khác; hoặc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng tiền nộp ngân sách nhà nước.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Bộ Xây dựng đề nghị xin ý kiến thành viên Chính phủ về nội dung trên theo 2 phương án. Phương án 1: Dự án tại các đô thị loại đặc biệt và loại I có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên, dự án tại các đô thị loại II và III có quy mô sử dụng đất là 5 ha trở lên phải dành quỹ đất 20%. Phương án 2: Dự án tại các đô thị loại đặc biệt và loại I có quy mô sử dụng đất từ 3 ha trở lên, dự án tại các đô thị loại II và III có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên phải dành quỹ đất 20%. Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị chọn phương án 2.


Sử dụng sai mục đích

Theo Bộ Xây dựng, có hiện tượng chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10 ha để tránh việc phải dành quỹ đất xây dựng NƠXH. Việc thu và quản lý, sử dụng nguồn tiền thu được từ hình thức nộp bằng tiền còn nhiều bất cập khi hầu hết các địa phương đều thống nhất nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương nhưng không sử dụng khoản tiền này để đầu tư phát triển NƠXH theo quy định.


Bài và ảnh: Văn Duẩn
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.