"Sư phụ thai nhi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trang viên không chỉ chôn cất thai nhi từ những cuộc tình lầm lỡ mà có cả nhiều trường hợp không may khác. Những mộ phần dù vô danh vẫn được đánh số, ghi rõ ngày giờ chôn cất cẩn thận.
 

Sư thầy Thích Pháp Minh hiện tu tập tại chùa Quán Thế Âm ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Sư thầy cùng các cộng sự hơn 3 năm qua đã lập nên Trang viên Hoa Hướng Dương để chăm lo cho vong linh các thai nhi xấu số. Trước việc làm thiện tâm này, người dân nơi đây đã yêu mến đặt cho sư thầy biệt danh "Sư phụ thai nhi".

Mái nhà chung cho các thai nhi xấu số

Xuất gia khi mới 7 tuổi, sư thầy Thích Pháp Minh từng chứng kiến không ít trường hợp Phật tử đến gửi con tại chùa. Những thai nhi bé bỏng khi thì được tẫn liệm đàng hoàng trong quan quách, lúc thì gói vội trong túi ni-lông. Có thai nhi đã thành hình, có thai nhi mới như giọt máu…

 

Trang viên Hoa Hướng Dương hiện là nơi chôn cất gần 1.000 thai nhi vắn số
Trang viên Hoa Hướng Dương hiện là nơi chôn cất gần 1.000 thai nhi vắn số.


Vì thương xót những thai nhi này, đầu năm 2019, sư thầy Thích Pháp Minh phát nguyện cùng tình nguyện viên lập nên Trang viên Hoa Hướng Dương, với ước mong xây được mái nhà chung cho các cháu.

Một ngày tháng 3-2022, tôi theo chân sư thầy Thích Pháp Minh đến Trang viên Hoa Hướng Dương. Trên triền núi gần như dựng đứng, những ngôi mộ khang trang nằm san sát, hầu hết đều để vô danh.

Trang viên hiện nay có đến gần 1.000 mộ phần. Các thai nhi tập trung chôn cất ở đây đa phần được tìm thấy dọc bờ biển hoặc khu vực trước chùa Linh Ứng, đèo Hải Vân…, cũng có trường hợp từ các phòng khám, bệnh viện ở Đà Nẵng.

“Sư phụ thai nhi” Thích Pháp Minh và gần 1.000 mộ phần ở trang viên
“Sư phụ thai nhi” Thích Pháp Minh và gần 1.000 mộ phần ở trang viên


Mỗi ngày, nhóm của "sư phụ thai nhi" quy tập 3-4 phần mộ. Trang viên Hoa Hướng Dương còn là nơi gặp gỡ của nhiều nhóm thiện nguyện trên địa bàn TP Đà Nẵng như: Mẹ Trang, Ba mẹ thai nhi, Tân Lập…, cùng lo việc an táng các sinh linh.

Đến cạnh một mộ phần vừa lập vẫn còn dấu vữa mới, sư thầy Thích Pháp Minh cho hay đây là một trong những hài nhi xấu số. "Đêm 16-2, hài nhi được gửi theo xe khách từ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ra Đà Nẵng. Cháu bé đã hơn 7 tháng rưỡi, chỉ còn 1 tháng nữa là được sinh ra nhưng cha mẹ nhẫn tâm giết hại. Đau xót, tôi nhận cháu bé này làm con, lấy họ mình đặt tên là Trần Bảo Như Ý" - sư thầy Thích Pháp Minh buồn bã.

Cùng tham gia nhóm với sư thầy Thích Pháp Minh, anh Nguyễn Khánh Dương (ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bồi hồi nhớ lại những ngày đầu Trang viên Hoa Hướng Dương mới thành lập. Khi ấy, trang viên này là một vạt đồi vừa được Ban Quản lý Nghĩa trang Hòa Sơn cấp phép. Ban đầu, anh Dương chỉ dám đi theo, hỗ trợ sư thầy Thích Pháp Minh tẫn liệm các cháu. Đến khi quen dần, anh dạn tay rồi tự mình chôn cất những sinh linh bé nhỏ.

Anh Dương nhớ mãi một đêm hè năm 2021, nhóm nhận được tin báo có một bao ni-lông vứt gần miệng cống trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng với nhiều dấu hiệu bất thường. Anh cùng sư thầy Thích Pháp Minh lập tức lên đường. Đến nơi, mở bao ra, họ bàng hoàng khi thấy một thai nhi đã bắt đầu phân hủy. Nhóm quyết định khâm liệm ngay trong đêm rồi đưa cháu đến trang viên.

"Lúc ấy đã hơn 20 giờ. Trang viên tối om. Mưa xối xả như trút nước. Huyệt đào lên cứ bị nước mưa mang theo đất đá vùi lấp. Hơn 30 phút trôi qua, mọi người gần như tuyệt vọng... May mà một lát sau, trời hết mưa, nước rút dần. Cháu bé được đưa xuống huyệt đạo. Lúc nén hương tàn cũng là khi trời gần sáng, cả nhóm mệt rã rời nhưng ai cũng ấm lòng vì cháu bé có nơi yên nghỉ đàng hoàng" - anh Dương kể.

Chốn về sám hối

Hiện nay, Trang viên Hoa Hướng Dương đã được lắp nhiều đèn pin năng lượng mặt trời, chấm dứt cảnh tối tăm lạnh lẽo mỗi khi đêm xuống. Trang viên còn được lắp thêm nhiều tiểu cảnh như xích đu, cầu trượt… mà theo sư thầy Thích Pháp Minh là để "mấy đứa nhỏ vui chơi".

Trên các mộ phần, sư thầy Thích Pháp Minh đặt nhiều đồ chơi trẻ em và sữa, bánh… Phía khu đất trên cao, sư thầy lập bàn thờ lớn, tạc tượng Phật để nhang khói. Pho tượng Phật sừng sững bao quát cả trang viên. Dưới chân tượng Phật tạc hình các cháu nhỏ đang nô đùa.


 

Trang viên Hoa Hướng Dương còn là nơi để nhiều người sám hối lỗi lầm
Trang viên Hoa Hướng Dương còn là nơi để nhiều người sám hối lỗi lầm


Sư thầy Thích Pháp Minh cho biết cuối năm 2020, ông phát hiện một tiểu sành ai đó đặt dưới chân tượng Phật. Bên dưới tiểu sành là một lá thư viết vội, nét chữ run run, mực lem nhòe trên giấy. Trong thư, người viết bộc bạch: "Vì bất cẩn nên con đã sẩy thai. Con ở quê xa nên không về quê để chôn cất cẩn thận được. Con bằng lòng đến đây để nhờ sư thầy cưu mang bào thai trong bụng của con, chôn chất nơi chùa và độ trì cho bào thai nhanh siêu thoát. Con mong sinh linh bé nhỏ này sẽ được nhà chùa che chở, bảo bọc... Sau này con sẽ quay lại để cảm tạ các sư thầy đã cưu mang sinh linh bé nhỏ của con".

 

 Bức thư của một người mẹ gửi cho thai nhi an táng tại Trang viên Hoa Hướng Dương
Bức thư của một người mẹ gửi cho thai nhi an táng tại Trang viên Hoa Hướng Dương



Cuối thư, người mẹ viết những dòng cho vong linh đứa con mãi không chào đời: "Mẹ xin lỗi con. Mẹ nhất định sẽ quay lại đón con. Con của mẹ!". Bức thư đã được sư thầy Thích Pháp Minh gói kỹ càng, bọc trong túi ni-lông chôn cùng tiểu quách dưới mồ.

Trang viên Hoa Hướng Dương không chỉ là nơi yên nghỉ của các thai nhi vốn là hậu quả của những cuộc tình lầm lỡ. Nhiều trường hợp là công nhân - lao động xa nhà, vì điều kiện kinh tế không thể về quê sinh nở rồi chẳng may con họ gặp nạn. Bởi vậy, những mộ phần ở trang viên dù là vô danh nhưng đều được đánh số, ghi rõ ngày giờ chôn cất cẩn thận.

"Sau lần lầm lỡ, nhiều cha mẹ sẽ hối hận muốn quay về thăm con. Thầy mong mọi người đều xem đây không chỉ là trang viên mà còn là chốn về sám hối" - sư thầy Thích Pháp Minh bày tỏ.

Hỗ trợ mẹ bầu

Cùng với Trang viên Hoa Hướng Dương, nhóm Mái ấm Tình thương Thiện Tâm đã thể hiện sự tâm huyết ngay từ những ngày đầu sư thầy Thích Pháp Minh và cộng sự làm việc thiện.

Mới đây, lúc gần 1 giờ ngày 6-3, đoạn đường tránh Quốc lộ 1 qua địa phận TP Đà Nẵng vắng lặng, lác đác ánh đèn xe khách Bắc - Nam. Bên lề đường, ôtô của nhóm "Sư phụ thai nhi" đang chờ sẵn. Đây là trường hợp hỗ trợ mẹ bầu đầu tiên trong năm 2022.

Lát sau, một xe khách trờ tới. Cửa xe mở ra, thai phụ L.T.H (quê Lạng Sơn) lúi húi tay xách nách mang bước xuống. Mang bầu 5 tháng, bụng đã gần vượt mặt, chị T. mệt mỏi hất mái tóc thưa, cố gắng che gương mặt vàng vọt, ánh mắt xanh xao của người nhiều đêm thức trắng. Ngại ngùng liếc nhìn mọi người xung quanh, chị xoay sang sư thầy Thích Pháp Minh nói nhỏ: "Thầy trả tiền xe giúp con".

Mọi người lên xe về khu nhà trọ cho mẹ bầu - nơi nhóm "Sư phụ thai nhi" đã chuẩn bị từ trước. Căn phòng trọ trên đường Lê Văn Hiến, TP Đà Nẵng rộng hơn 10 m2 là nơi thai phụ H. tạm trú một thời gian để chờ sinh nở. Nơi này được chuẩn bị tươm tất điện, nước, wifi, chăn ga, gối đệm... Chỉ vài tháng nữa, một sinh linh bé bỏng sẽ ra đời.

Những ngày ở Đà Nẵng, chị H. được sư thầy Thích Pháp Minh xin cho làm phục vụ quán cơm gần nhà. Tiền công từ việc bưng bê, rửa chén, chị H. giữ để lo cho con sau này. Chi phí sinh hoạt, tiền ăn gần 100.000 đồng/ngày và viện phí sinh nở đều được nhóm "Sư phụ thai nhi" chu cấp.

"Sau khi sinh, nếu mẹ H. muốn gửi con, thầy sẽ nhận nuôi, cho vào chùa ăn học đàng hoàng. Cùng với H., 10 trường hợp mẹ bầu khác đã được chúng tôi hỗ trợ. Tất cả đều mẹ tròn con vuông" - sư thầy Thích Pháp Minh cho hay.

Rời Trang viên Hoa Hướng Dương khi trời đã gần xế chiều, tôi gặp một cặp vợ chồng trẻ mang theo bánh, sữa, đồ chơi… lặng lẽ lên núi. Được chồng dìu lên từng bậc tam cấp, người vợ mang bụng bầu gần vượt mặt nặng nề đến thắp hương cho con.

Sư thầy Thích Pháp Minh cho biết mộ phần kia từng được di dời từ bãi đất hoang cách đường lớn không xa. Đã 2 năm qua, đúng ngày giỗ con, đôi vợ chồng này đều đến khấn vái, mong đứa bé siêu thoát.

"Năm nay, một sinh linh mới đã tựu hình. Những dại dột tuổi trẻ có lẽ đã được vợ chồng họ sửa sai. Mấy đứa nhỏ chắc đang vui" - sư thầy nói, rồi chỉ tay về phía hàng chong chóng đang xoay tít trong gió.


 

"Ở Trang viên Hoa Hướng Dương, các con được đưa về từ nhiều nơi như bãi rác, bệnh viện… Có trường hợp được chính cha mẹ đưa đến. Các con đều có duyên với thầy nhưng đều có chung số phận là không được sinh ra” - sư thầy Thích Pháp Minh chua xót.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Đà Nẵng, tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai bằng viên uống hằng ngày năm 2021 trên địa bàn tăng 25% so với năm 2020. Năm 2022, chi cục phấn đấu tăng tỉ lệ phụ nữ sử dụng thuốc uống tránh thai qua kênh tiếp thị xã hội tăng 10%-15% so với năm 2021. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với Công đoàn Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng tư vấn cho công nhân tiếp cận kênh này. Mục tiêu là từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc uống tránh thai, bảo đảm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn.

Theo HẢI ĐỊNH (NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.