Đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai. Tuy nhiên, đến nay, có rất ít người lao động (NLĐ) nhận được tiền hỗ trợ.
Khi chúng tôi đến nhiều khu nhà trọ tại TP.HCM, nhất là tại những địa phương có nhiều khu chế xuất - khu công nghệ, đến nay, dẫu thời điểm dịch Covid-19 tạm lắng, NLĐ vẫn đang chật vật vực dậy đời sống của mình. Thậm chí, thực tế, có không ít trường hợp NLĐ vì nợ tiền trọ mà trốn đi nơi khác. Chính vì vậy, số tiền tuy nhỏ, nhưng NLĐ mong chờ ngày được chạm tay gói an sinh đó.
Gói hỗ trợ tiền thuê nhà dự kiến kinh phí khoảng 6.600 tỉ đồng và có khoảng 3,4 triệu NLĐ cả nước thụ hưởng chính sách. Tại TP.HCM, theo thống kê từ các quận, huyện và TP.Thủ Đức, có hơn 1,1 triệu NLĐ thuộc diện nhận hỗ trợ với dự toán kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội TP.HCM mới chỉ nhận xác nhận hồ sơ cho 1.439 doanh nghiệp và 15.001 NLĐ, tức chỉ chiếm hơn 0,01%/số lượng 1,1 triệu NLĐ dự kiến.
Một khu trọ nghèo tại Q.8, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Duy |
Ngày 19.5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung yêu cầu các tỉnh, thành quyết liệt triển khai việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ và đảm bảo hoàn thành việc chi trả trong tháng 8.2022.
Khi đặt vấn đề có tình trạng triển khai chính sách “ì ạch” hay không với cơ quan chức năng, các lý do có thể kể ra vẫn là doanh nghiệp đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ, NLĐ nộp hồ sơ lắt nhắt, hay chuyện than khó nhất khi có yêu cầu cần chữ ký xác nhận của chủ nhà trọ.
Không chỉ riêng gói hỗ trợ này, chúng tôi từng đề cập gửi gắm của NLĐ với các chính sách an sinh trước đó. Bởi lẽ, tính nhân văn của một chính sách không chỉ dừng lại ở việc ban hành đúng thời điểm, bao quát đối tượng thụ hưởng, triển khai minh bạch... mà còn phải kể đến ý nghĩa của nó, nếu số tiền này, đến tay NLĐ nhanh chóng và giúp họ giải quyết được nhu cầu mưu sinh trước mắt. Không thể cứ để NLĐ chờ đợi mãi.
Theo Lê Trọng (TNO)