Sống trên đỉnh Mẫu Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đỉnh Mẫu Sơn ở xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn là một trong những nơi có con người sinh sống lạnh nhất Việt Nam, cao 1.180m. 95% người dân sống ở đây là đồng bào Dao. Thiên nhiên khắc nghiệt nên phần lớn bà con ở đây đều nghèo.

Ở đây mỗi năm đều có vài lần xuất hiện băng tuyết. Đã có lần nhiệt độ nơi đây xuống -50C. Những ngày cuối đông này, vừa đặt chân đến Mẫu Sơn đã cảm nhận cái lạnh cắt da cắt thịt.

 

Chị Hoàng Thị Hòa, thôn Bó Pằm, thu hoạch chanh rừng.
Chị Hoàng Thị Hòa, thôn Bó Pằm, thu hoạch chanh rừng.

Sống trong băng giá

Mẫu Sơn vừa có gió mùa tràn về. Sau ngày băng giá, nhiệt độ đo được từ trạm khí tượng là hơn 20C. Càng rét buốt hơn khi có thêm mưa phùn. Dọc con đường mòn quanh co trên núi là bản Khuổi Tẳng, bản Khuổi Cấp của bà con người Dao.

Chiều muộn, anh Triệu Trần Sình mặc chiếc áo ấm mỏng, đứng co ro ở đường liên thôn Khuổi Cấp chờ khách đến bán trâu. Anh Sình cho biết nhà có 4 con trâu, nhưng phải bán bớt 1 con do hết thức ăn và trời quá lạnh.

"Bán rẻ thôi, chứ con trâu nào yếu không thể chịu được lạnh. Thời tiết thế này đến người cũng ốm chứ nói gì đến trâu bò. Ra tết nắng ấm, gia đình mình sẽ mua lại một con nghé cái để nuôi" - anh Sình nói.

 

Băng giá trên đỉnh Mẫu Sơn ngày 9-1 vừa qua.
Băng giá trên đỉnh Mẫu Sơn ngày 9-1 vừa qua.
Anh Triệu Trần Sình mặc chiếc áo ấm mỏng đứng ở đường dẫn đến bản Khuổi Cấp chờ khách đến bán trâu.
Anh Triệu Trần Sình mặc chiếc áo ấm mỏng đứng ở đường dẫn đến bản Khuổi Cấp chờ khách đến bán trâu.
Ông Hoàng Phụ Sỉnh (48 tuổi, bản Khuổi Cấp) che chắn chuồng để trâu, bò tránh rét.
Ông Hoàng Phụ Sỉnh (48 tuổi, bản Khuổi Cấp) che chắn chuồng để trâu, bò tránh rét.

Cách đó không xa, ông Hoàng Phụ Sỉnh cũng đang tỉ mẩn che chắn cho 2 chuồng trâu, bò. Để chống lạnh cho trâu, ông Sỉnh làm chuồng xuống thấp, nấu cháo và trộn cả muối vào rơm cho trâu ăn.

"Cách đây hai tháng, mình có một con trâu bị chết rét bán chỉ được hơn 1 triệu, trong khi nuôi thêm vài tháng nữa bán được 15 triệu đồng" - ông Sỉnh nói.

Như hôm chúng tôi đến, nhà anh Triệu Trần Dào ở bản Khuổi Tẳng có một con nghé bị chết cứng ở lùm cây ven rừng. Trâu chết chỉ có nước xẻ thịt, bán đổ bán tháo.

Đặc sản chanh rừng

 

Anh Hoàng Dầu Hỉn, thôn Bó Pằm, bên căn nhà mới khang trang mới được làm từ tiền tích cóp sau những vụ chanh rừng.
Anh Hoàng Dầu Hỉn, thôn Bó Pằm, bên căn nhà mới khang trang mới được làm từ tiền tích cóp sau những vụ chanh rừng.

Thời tiết ở Mẫu Sơn thay đổi thất thường, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa và một vụ ngô, nhưng có năm khi lúa đang chuẩn bị trổ bông bị gió mùa thì mất trắng. Năm nào được mùa cũng chỉ đủ ăn.

Cả xã có 317 hộ, trên 95% là người Dao thì hơn một nửa thuộc diện nghèo và cận nghèo. Cuộc sống dựa vào những nương lúa, nương ngô.

Đời sống bây giờ so với trước đã khá hơn. Cách đây chừng chục năm, dân bản đi rừng phát hiện một loài chanh ở đỉnh núi đã lấy hạt về trồng và nay trở thành một món đặc sản của người dân vùng núi Mẫu Sơn.

Chanh chín có màu vàng ươm rất đẹp. Chanh rừng mỗi năm ra hoa từ tháng 6 âm lịch và cho trái thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10.

Giá chanh lúc đầu vụ lên đến 70.000 - 80.000 đồng/kg, chính vụ thấp nhất cũng 25.000 - 30.000 đồng.

Hướng mắt nhìn về căn nhà khang trang mới xây, mời khách vào uống chén chè đặc, anh Hoàng Dầu Hỉn - thôn Bó Pằm, người đầu tiên đem chanh rừng về trồng - nói nhờ trồng chanh mà làm được nhà.

Theo lãnh đạo UBND xã Mẫu Sơn, hiện diện tích cây chanh rừng trong xã ước khoảng 52ha. Tuy nhiên, do chỉ mới được trồng trong khoảng 10 năm trở lại đây và sản lượng chưa nhiều nên chỉ tiêu thụ ngay trong tỉnh, chưa ra ngoài được bao nhiêu.

"Người dân đang mở rộng diện tích trồng và hi vọng sẽ tạo nên thương hiệu chanh rừng Mẫu Sơn, để quả chanh được đi xa hơn. Mai này, khi dự án du lịch hình thành, khách tới Mẫu Sơn có thể mua chanh rừng về làm quà" - một cán bộ xã Mẫu Sơn nói.

Giấc mơ cá hồi, cá anh vũ

 

Bể nuôi cá hồi của gia đình anh Triệu Văn Trình.
Bể nuôi cá hồi của gia đình anh Triệu Văn Trình.

Người đau đáu thoát nghèo nhất ở dãy núi Mẫu Sơn có lẽ là Triệu Văn Trình - bí thư trẻ ở bản Khuổi Cấp. Nhận thấy địa phương có tiềm năng phát triển cá hồi, năm 2011 anh Trình tìm hiểu mô hình nuôi cá hồi ở Sa Pa.

Đến năm 2016, sau khi tích lũy được vốn, anh mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây bể nuôi cá. Năm 2017, trừ mọi chi phí, anh thu được 300 triệu đồng sau những năm trầy trật trước đó.

Nói về định hướng làm giàu, anh Trình cười tươi: "Mình là cán bộ thôn nên phải làm trước để bà con học tập theo. Mình mong muốn các cơ quan ban ngành tỉnh Lạng Sơn ủng hộ, giúp đỡ tìm đầu ra cho cá vì nuôi đã khó, nhưng bán được càng khó hơn".

Hiện nay, ngoài nuôi cá, anh Trình còn nuôi cả đàn ngựa trắng trị giá hơn 400 triệu đồng. Học tập mô hình của bí thư trẻ, ba gia đình trong bản đã mạnh dạn đầu tư xây bể nuôi cá hồi.

Ngoài công việc hành chính, ông Triệu Tiến Liêm - phó chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn - cũng học hỏi mô hình nuôi cá tầm, cá anh vũ. Cả 4 bể cá của ông đang nuôi thử nghiệm và cá phát triển rất tốt.

"Nguồn nước suối nơi đây có nhiệt độ rất thích hợp để nuôi cá xứ lạnh, nhưng cái khó nhất vẫn là đầu ra. Tìm được đầu ra, tôi sẽ hướng dẫn bà con làm theo, cuộc sống nghèo khó như hiện nay sẽ dần được cải thiện" - ông Liêm tâm sự.

 

Khu nghỉ dưỡng bị bỏ quên

Thỉnh thoảng mới có một đoàn khách đến với núi Mẫu Sơn và du lịch ở đây còn rất nghèo nàn.
Thỉnh thoảng mới có một đoàn khách đến với núi Mẫu Sơn và du lịch ở đây còn rất nghèo nàn.
Trong cái lạnh cắt da, chỉ vài nhóm khách từ TP Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Giang... lên săn băng tuyết để chụp ảnh lưu niệm rồi nhanh chóng kéo nhau vào quán ăn tránh lạnh. Thấp thoáng trong sương mờ, nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn vắng bóng người qua lại.

Mặc dù trương biển hiệu "Khu du lịch Mẫu Sơn", nhưng chỉ có 2-3 địa chỉ kinh doanh phòng nghỉ và ăn uống cho du khách cùng 2 quán cóc ngoài trời bán khoai, trứng nướng, nước chè và vài loại thảo dược địa phương.

Giá phòng nghỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/đêm. Giá ăn uống khá đắt đỏ và món ăn cũng không có nhiều thứ để du khách lựa chọn.

Đỉnh Mẫu Sơn trước đây từng được người Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Theo thời gian, những ngôi biệt thự đã trở thành hoang phế.

Năm 2016, dự án vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Mẫu Sơn có vốn đầu tư 3.025 tỉ đồng được lập ra, trong đó có tuyến cáp treo dài 5,7km lên đỉnh núi, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018, nhưng bị thu hồi chứng nhận đầu tư do thiếu sót về mặt thủ tục.

Nguyễn Triều-Quang Thế/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.