Sống ở nơi không... Covid

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là nơi đẹp nhất mà tôi từng biết. Nó hoàn hảo như một viên ngọc qua tay thiên nhiên chế tác. Bây giờ nó càng hoàn hảo hơn khi hầu như không liên quan gì đến... Covid. Làng Vân.

Vịnh đẹp làng Vân ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH
Vịnh đẹp làng Vân ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH

Nhà bốn mặt tiền

Thức dậy, nhìn đồng hồ chưa đến 5 giờ nhưng trời đã sáng trưng. Nhìn vào bờ, phong cảnh như một bức tranh thủy mặc. Nhìn quanh, biển nước mênh mông. “Trời, ngôi nhà này có đến bốn mặt tiền, mà mặt nào cũng là hồ nước!”. Tôi thốt lên dù xung quanh mình chẳng có ai, sực nhớ, đang “thời Covid”.
Đêm qua, một mình ngủ trên chiếc tàu neo ở vịnh làng Vân.
Vịnh có một bãi cát trắng hình cánh cung, thân cung là dãy núi Hải Vân thuộc địa bàn Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng.

Tý chuẩn bị đi thăm lờ mực ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH
Tý chuẩn bị đi thăm lờ mực ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH
Chèo thuyền thúng vào bờ, chưa thấy mặt nhưng đã thấy cái bụng của Tý. Tý tên thật là Nguyễn Hà, tầm 50 tuổi, sống ở đây hơn 20 năm, thuở ngôi làng này còn gọi là “Ốc đảo Hansen”, là làng tuyền người bệnh phong sinh sống hầu như biệt lập. Giải tỏa hơn mười năm, cư dân vào khu tái định cư trong phố, nhường chỗ cho một dự án du lịch. Những người ra đi đã dỡ nhà, chỉ còn bờ tường. Ngôi nhà của Tý ở là nhà ngày xưa, cũng đã giải tỏa nhưng anh dùng ở tạm để làm nghề.
Dự án du lịch trên vùng vịnh đẹp nhất còn lại của Đà Nẵng có vẻ như đã gặp chút chuyện khi TP quyết định đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Nếu cảng đi vào hoạt động, tàu lớn sẽ ra vào khu vực này liên tục, và vịnh không còn yên tĩnh như bây giờ.
Tý vừa lụi cụi sắp xếp ngư cụ, vừa nói chuyện. Dù người như võ sĩ sumo nhưng hai chân hơi nhỏ hơn bình thường. Sau này Tùng, một ngư dân khác mới cho hay, ai làm nghề trên biển lâu chân đều nhỏ thế. Bởi vậy, hồi còn làm thuyền trưởng, có cơ hội là Tùng tấp thuyền vào, bắt anh em lên bãi cát chạy bộ.
8 giờ sáng, Tý lên thuyền thúng gắn máy, ra khơi. Dặn tôi ở nhà chuẩn bị rau thơm, ớt xắt, nhóm củi bắc nước sôi. Tầm một giờ sau, lội ùa ra, thấy trên cái can nhựa cắt đôi những con mực to, trong suốt, vẫn còn bơi. Anh đưa cho tôi một con, thái ra nấu mì tôm. Mì tôm mực phải nói là món ngon thần thánh.
Của trời cho
Ngoài anh Tý, trên bờ còn có thêm mấy nhà, cũng ở tạm. Vợ chồng anh Hiệp kế bên cũng có một chiếc thuyền thúng gắn máy, nhưng không thả lờ đơm mực như anh Tý mà bủa lưới.
Anh Hiệp đi từ sớm, khoảng 9 giờ thì về. Gỡ cá, ghẹ, rồi chở vợ vào bờ để bán. Ở đây đi vào bờ Nam Ô bằng thuyền thúng gắn máy chừng 20 phút. Vào bờ đã có mối để bán nên vợ chồng anh quay ra khá nhanh.
Trưa, anh mang cho hai quả mít nho nhỏ nhưng thơm ngon. Anh bảo mít làng Vân nhiều lắm, giờ coi như vô chủ nên dân phượt lùng hái hết, anh chỉ giữ được quả của cây cạnh nhà.
Phía khác, có mấy nhà cũng đang ở tạm, họ nuôi trâu, nuôi bò. Đàn trâu vài chục con, đàn bò đến cả trăm nhưng của nhiều người thuê chăn. Trâu bò thả rong, cây cỏ nhiều nên béo mộng.
Ngoài vịnh có 4 bè nuôi cá bớp. Người nuôi ở canh ngay trên bè. Đến kỳ thu hoạch mới có thương lái ra mua.
Ở lâu mới thấy, mỗi lần anh Tý nhắc lờ cũng chỉ được vài ba ký mực. Trung bình chừng hai ký. Mỗi ký giao cho người thu mua được 250.000, vị chi mỗi ngày kiếm được khoảng 500.000. Hỏi vì sao không làm thêm nhiều lờ để thả, Tý bảo, của trời cho nên không tham. Nói xong thì cười tủm tỉm. Tý to lớn nhưng có nụ cười rất hiền, ánh mắt thông minh như muốn nói, chuyện gì ta cũng biết hết. Mà thật, đêm ngủ, Tý mở radio, sáng ra nói chuyện thời sự đông tây gì cũng rành rẽ.
Dân biển nhưng không biết uống rượu, ép lắm cũng bảo cho tí nước cơm. Nước cơm là loại rượu chà (cơm ủ men rồi chà ra). Một ly là mặt đỏ gay.
Đặt lưng là... ngáy
Nguyễn Tùng là một ngư dân khác. Nhà ở phố Phạm Đình Hổ, phía gần bãi biển Nguyễn Tất Thành, nhưng thỉnh thoảng ra chơi nhà Tý. Ra chơi vì nhớ biển.
Tùng tạng người như Tý, cũng là sumo. Anh vốn là một thuyền trưởng cự phách, đến bây giờ vẫn có nhiều chủ tàu ao ước. Ở miền Trung, tàu đánh cá nào cũng nghe danh của Tùng. Nói chuyện đánh cá, thì Tùng là một pho sách với rất nhiều câu chuyện ly kỳ. Có dịp, người viết bài này xin kể kỹ hơn. Ở đây chỉ nói một điều, anh vừa như la bàn, vừa như định vị, vừa như máy dò sóng cá. Con người có một khả năng siêu phàm về biển. Có lẽ, anh là trường hợp duy nhất được chủ tàu thuê làm thuyền trưởng từ lúc 13 tuổi.
Sau bão Chanchu, Tùng giải nghệ. Chủ tàu nào nài nỉ cũng không đi. Trước bão, anh đã khuyên mọi người đừng ra khơi nhưng chẳng mấy ai nghe. Giờ anh được thuê thu mua cá. Cũng là một câu chuyện đặc biệt lạ lùng.
Tùng cười nói rổn rảng. Chuyện gì cũng nhẹ như không. Vì có khả năng đặc biệt nên những người làm nghề, dù nhỏ như đi thuyền thúng hay tàu lớn đều hỏi. Ngồi bờ mà anh bảo ngày này đi không có là không có, có là có. Đi nơi nào có là có, nơi nào không có là không có. Phục sát dép.
Hôm mang ra cái loa kẹo kéo, té ra hai cha Tùng và Tý hát karaoke rất nhuyễn. Bài bolero nào cũng thuộc mà “không cần thể hiện mình biết chữ”.
Có điều hai ông này giống hệt nhau, đặt lưng xuống là... ngáy. Tý ngáy giật cục như sấm giông, Tùng ngáy rền như sấm đất. Nhìn họ thật vô tư lự.

Tùng (phải) và Tý, hai ngư dân “sumo” ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH
Tùng (phải) và Tý, hai ngư dân “sumo” ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH
Học làm nghề
Hôm ra, tôi đi đường bộ. Theo đường qua Hải Vân, gửi xe máy ở quán cà phê Cây Phượng ở lưng chừng đèo rồi tụt dốc, chừng 20 phút sau thì đến bờ biển. Dọc theo bãi cát, chừng 20 phút nữa thì đến nhà Tý ở chính giữa bãi làng Vân. Đó là một bãi cát trắng tinh, thoai thoải, đi ra trăm mét nước vẫn chỉ ngang rốn, lặng phắc. Nước ở đây trong veo, nhìn thấy cả từng hạt cát dưới đáy. Đã tắm biển làng Vân thì sau đó, biển nào cũng chê.
Định bụng ra cho biết rồi hôm sau về nhưng không cưỡng được, ở luôn. Tối về ngủ ở bãi cát (hoặc trên chiếc tàu đang neo), sáng dậy đi... làm nghề.
Thoạt đầu chỉ chăng lưới ở cuối nguồn của một khe nước. Chỗ giáp biển thì nó bung ra như một cái hồ. Sóng biển ào qua nên hồ là nước lợ. Mỗi lần kéo lưới lên cũng kiếm được vài ba ký cá đối và rô phi. Cá rô phi tự nhiên cũng ngon lắm.
Sau này thì thả lưới ở biển. Nhưng chỗ này coi như nguồn dự trữ. Không có thì mới về đây.
Nhờ ngư dân chỉ cho, rạn nào có ốc vú, rạn nào có cua đá, rạn nào có hàu... nên ưa ăn gì thì cứ ra đó mà lặn (tất nhiên phải biết lặn). Cứ như ao nhà mình vậy đó.
Hôm nào hứng lên thì đi câu. Nhưng đi câu phải có Tùng. Không biết anh ta nhìn thế nào mà bảo có là có, bảo không có là không có, ai cự ưa câu cũng không có luôn.
Thường thì đi câu mực. Khi màn đêm xuống thì mình buông câu. Mực câu được nhiều hơn cá. Làm sẵn một tô xì dầu mù tạt, câu được bỏ luôn con mực vào, nó dãy một lúc rồi nằm yên. Cầm lên nhai, giòn nghe rau ráu. Chưa có một thứ sashimi nào từng ăn lại ngon như thế.
Đợt dịch đầu tiên tôi cũng ra làng Vân, đợt này cũng thế. Ngày tắm biển dăm bảy lần. Xuống biển đánh cá, câu mực, lên rừng hái xoài, hái dừa, tìm lá nấu nước... Siêng thì chặt tre nứa làm sạp, làm bàn. Cái này tôi làm ngon nhờ 9 năm bộ đội.

Tý trước trái cây hái trên rừng làng Vân ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH
Tý trước trái cây hái trên rừng làng Vân ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH
Đợt trước, có một gia đình bao gồm cả trẻ nhỏ ở lều cạnh bên. Bọn trẻ ngồi nghịch cát, chạy đuổi còng... đến ba mẹ kêu cũng chẳng chịu lên.
Làm, ăn, tắm... cả ngày nên đặt lưng xuống là ngủ. Không biết đến lúc nào đó mình có ngáy như Tý và Tùng không, chỉ biết những ngày giãn cách xã hội, ai tù túng đâu không biết, mình lại thấy trôi qua rất nhanh, kiểu như là đã quên, coi như không có Covid trên đời.
Theo Nguyễn Thế Thịnh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.

Khi người già đi học công nghệ

Khi người già đi học công nghệ

Đều đặn mỗi tháng một lần, nhiều cụ ông, cụ bà từ 60 đến 90 tuổi lại mang tập bút đến lớp học về sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhằm bắt kịp được với thời đại 4.0 cũng như biết cách phòng tránh lừa đảo qua mạng.