Thu được hạt đã khó, làm cho nảy mầm còn khó hơn, chỉ khoảng 15% nảy mầm mà rồi giỏi lắm cũng chỉ sống được chừng một nửa.
Vin vào sự quen biết với nhà báo Phạm Phú Thép, vả lại cũng biết nhà anh ở gần núi Chóp Chài thuộc Chiến khu Trung Thuần (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), tôi nhờ mua mấy củ sâm Bố Chính tự nhiên làm quà.
Chỉ muốn bảo tồn
Thép hồi âm: "Để em hỏi ý kiến Nguyễn Phương xem. Cậu ấy không đồng ý thì chịu". Tôi ngạc nhiên. Phương là ai mà khó thế? Thép cười, cái cậu tên Phương ấy không to về chức vụ nhưng giờ muốn có sâm Bố Chính thì chỉ hỏi Phương là chắc ăn nhất, vì cậu ấy đang có cả một vườn sâm.
Phương là dân ngay Chiến khu Trung Thuần này và mê sâm Bố Chính đến kỳ lạ. Thép nói nếu cần tiền, Phương chỉ cần bán số sâm đang có chắc sẽ kiếm khá đấy nhưng khi đó, giống sâm Bố Chính tự nhiên e rằng sẽ tuyệt chủng. Dĩ nhiên, sâm thì cũng như muôn loài thảo dược khác, người ta có thể được nhân giống theo nhiều cách nhưng đấy là chuyện khác, nó không phải chuyện của tự nhiên.
"Cậu ấy chỉ muốn bảo tồn để phát triển, nhân giống tự nhiên lên, dù rất khó khăn. Ai mua đắt mấy cũng không bán" - anh Thép khẳng định. Rất háo hức, tôi phóng xe lên Trung Thuần, mảnh đất địa linh nhân kiệt để tìm Nguyễn Phương.
|
Một chuyến lên rừng tìm sâm để bảo tồn. Ảnh: LÊ THANH THU |
Trung Thuần nằm ở vùng bán sơn địa, thuộc địa phận 2 xã Quảng Lưu và Quảng Thạch của huyện Quảng Trạch, cách thị xã Ba Đồn chừng 5 km về phía Tây.
Đó là một thung lũng diện tích chừng 150 km², có nhiều xóm nhỏ nối kết liên hoàn, bốn bề là rừng rậm, giữa là đỉnh Chóp Chài cao gần 1.000 m so mặt biển. Tại đây, các nhà khảo cổ học từng phát hiện nhiều hiện vật như trống đồng Phù Lưu, trống đồng Đông Sơn loại I, lưỡi câu đồng, rìu đồng và dấu tích phế đô Lâm Ấp. Trung Thuần trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh là căn cứ lớn, một trong những phòng tuyến chiến lược quan trọng của quân Trịnh ở Bắc sông Gianh. Trong phong trào Cần Vương ở Quảng Bình, đây là căn cứ của nghĩa quân Lê Trực. Thời kỳ Tiền khởi nghĩa cũng như 9 năm kháng chiến, Trung Thuần là hậu cứ của lực lượng kháng chiến huyện Quảng Trạch và của lực lượng vũ trang phía Bắc tỉnh Quảng Bình.
Như nuôi con mọn
Hôm tôi đến, Nguyễn Phương đang ở nhà. Được anh Thép điện báo trước nên cả hai vợ chồng ra tận cửa đón tôi, rất hồ hởi. Tôi hơi bất ngờ khi thấy mắt trái của Phương sưng húp, chưa kịp hỏi thì cô vợ đã nhanh nhảu: "Đấy! Bác coi. Dân rú rừng mà đi tìm sâm say sưa đến mức ong nó chích cho". Phương cười, có phần bẽn lẽn.
Trong câu chuyện của Phương, tôi biết anh chàng vốn là dân tài xế, rồi hứng khởi thế nào lại về quê cùng mấy người bạn tâm huyết quyết phục hồi cây sâm Bố Chính. Phương kể ngày Phương còn nhỏ, vẫn thấy loại cây này mọc khắp núi. Rồi chiến tranh liên miên, dân tình đói khát, bệnh tật hoành hành, không biết tự lúc nào mà cây sâm thành thứ cứu đói. Dân đổ xô khai thác tận diệt, cây sâm dần biến mất.
"Thời em theo bạn bè vào núi chăn bò vẫn gặp cây sâm nhiều lắm anh ạ. Bọn trẻ chúng em chẳng hiểu gì, chỉ biết nó như một thứ thực phẩm tăng lực. Cứ thấy cây này là bọn em tróc củ lên, phủi hết đất, chà vào áo quần cho sạch, bỏ vô mồm nhai rau ráu như khoai lang sống. Bây giờ, có đốt đuốc cũng khó mà tìm ra một cây" - Phương tâm sự rồi dẫn chúng tôi thăm vườn sâm. Hóa ra Phương và các bạn đã lập hẳn một cái Trung tâm Thực nghiệm - Bảo tồn và Phát triển sâm Bố Chính tự nhiên. Nó như một trang trại của nhà nông với hơn 5 ha đất dưới chân núi được khoanh lại để đón những cây sâm hiếm hoi trên đỉnh Chóp Chài "hạ sơn".
Phương nói loài cây này cũng như người rừng, sinh tự nhiên, sống hoang dã dưới tán rừng, bạ đâu sống đó thì được nhưng đưa vào hàng lối như trồng rau thì rất dễ chết. Nhiều người muốn trồng, nhân giống mà rồi phải bỏ cuộc là bởi vậy.
Đấy chính là cái khó và từ đấy mà tôi trả lời được câu hỏi vì sao các bạn trẻ này lại phải ăn nghỉ, bám lại rừng Chóp Chài. Cái cách mà họ làm là lùng tìm được cây nào trong tự nhiên thì bứng về và trồng trở lại vào nơi bảo tồn, rồi chờ cây ra hoa, có quả thì thu hạt để gieo ươm thế hệ F1. Nói đơn giản thế nhưng để tìm ra được một cây sâm có khi mất hàng tháng trời lùng sục trên núi, rồi trồng mà muốn cây sống được thì anh em ở đây phải thay nhau chăm như nuôi con mọn.
|
Chăm chút từng cây sâm |
Vợ Phương thủ thỉ: "Hôm nào không thượng sơn tìm sâm thì chồng em cũng ở đây chăm từng cọng lá bác ạ. Vợ con e không quý bằng sâm mô".
Phương chỉ cho tôi từng khóm sâm, ước tính đã có khoảng 1.000 cây trong vùng đất của trung tâm. Buổi sáng, hoa sâm nở đỏ tía cả một vùng. Phương bóc một quả sâm, bật ra mấy hạt nho nhỏ rồi bảo hoa nở bốn mùa nhưng hạt rất ít. Hạt tự rơi, gặp thuận lợi thì tự nảy mầm nên thường là côn trùng xơi sạch. Thu được hạt đã khó, làm cho nó nảy mầm càng khó hơn, khoảng 15% nảy mầm mà giỏi lắm cũng chỉ sống được chừng một nửa, gay go lắm. "Các nhà khoa học nói nếu tác động sẽ khả quan hơn nhưng em sợ mất đi cái tự nhiên" - Phương lý giải.
Tôi nhìn Phương, nhìn những khóm sâm, nhìn lên đỉnh Chóp Chài rồi tự hứa nhất định sẽ cùng Phương và các bạn trẻ "thượng sơn" một chuyến.
Kinh tế là thứ yếu
Vui chuyện, Phạm Phú Thép kể danh nhân Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) tự là Thuận Chi, hiệu là Tĩnh Trai, sinh ở làng khác nhưng gia đình dời đến làng Trung Thuần này. Năm 1831, ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương, được bổ làm tri huyện tận Bắc Giang. Ông Nguyễn Hàm Ninh nổi tiếng là người hay chữ, mộ phần đang nằm ở vùng Trung Thuần này.
Dân Trung Thuần truyền nhau Nguyễn Hàm Ninh từng mang những củ sâm từ đỉnh Chóp Chài vào cung đình Huế làm quà cho bạn thân là thi sĩ Tùng Thiện Vương (con trai vua Minh Mạng) và sau đó dâng vua. Sâm từ Chóp Chài nhờ thế mà có cơ hội để trở thành vị thuốc chính trong Minh Mạng thang "Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử" và trong món ăn hằng ngày của các đời vua Nguyễn. Vua Tự Đức còn ban chỉ dụ rằng sâm Bố Chính ở vùng núi Chóp Chài, với thổ nhưỡng đặc biệt, là rất quý, cần gìn giữ như báu vật.
Nhớ hôm ngồi với lương y Trần Lý Minh ở thị xã Ba Đồn, ông này cho tôi biết danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng bàn luận rất kỹ về vị thuốc từ sâm Bố Chính. Cụ tổ của ông Trần Lý Minh lý giải do loài sâm này được phát hiện ở châu Bố Chính nên mới có tên gọi là sâm Bố Chính và chính cụ thường lấy để thay cho sâm Cao Ly vốn đắt đỏ.
Lại nói chuyện Phương và các bạn, dạo cách đây mấy năm, khi quyết định bảo tồn loài cây này, họ đã tìm gặp bằng được PGS-TS Đỗ Thị Hà, Phó trưởng Khoa Thực vật học của Viện Dược liệu và TS Đỗ Văn Hải ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Cả 2 nhà khoa học này vì cảm mến sự nhiệt tình của các bạn trẻ mà hỗ trợ tối đa cho họ thực hiện quy trình giám định mẫu. Kết quả thật vui mừng khi hàm lượng saponin (gọi là chất sâm) là 2,65% trong các mẫu, xấp xỉ với nhiều dòng sâm quý trên thị trường. Chỉ thế thôi là nhóm của Phương đã quá mừng để dồn tâm sức cho ý tưởng bảo tồn.
|
Vườn sâm trồng thành công tại Trung tâm Thực nghiệm - Bảo tồn và Phát triển sâm Bố Chính tự nhiên |
"Mục đích kinh tế nếu có là rất quý nhưng là thứ yếu. Tiêu chí làm sống lại những cây sâm Bố Chính tự nhiên đang dần tuyệt chủng mới là mục đích chính của họ, nếu không làm được điều đó thì họ xem như sẽ có lỗi với tiền nhân và hậu thế. Các bạn ấy trẻ mà nhận thức như thế là rất quý" - Phạm Phú Thép nhận xét.
Nhưng tất cả chỉ mới là bước đầu. Chặng đường phía trước hẳn còn lắm gian nan nhưng tôi đã nhìn thấy khát vọng của một nhóm các bạn trẻ ở vùng "địa linh nhân kiệt" của miền quê gió Lào cát trắng.
Được chính quyền và người dân hỗ trợ Điều mà nhóm của Nguyễn Phương phấn khởi nhất chính là công việc của họ đang được cả chính quyền và nhân dân hỗ trợ. Dân trong vùng ai nhìn thấy cây sâm Bố Chính ở đâu là thông tin cho họ ngay. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện Quảng Trạch thì đang hỗ trợ dự án theo chương trình nông thôn mới của tỉnh. Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch đã quy hoạch khoảng 15 ha rừng tán lá che trong phạm vi sâm Bố Chính tự nhiên mọc thành khu vực rừng bảo tồn. |
Đỗ Thành Đồng(NLĐO)