(GLO)- Đau đáu về nghề làm sen giấy của làng Thanh Tiên trước nguy cơ bị thất truyền, họa sĩ Thân Văn Huy xã Phú Mậu (Phú Vang, TT-Huế) đã quyết tâm theo đuổi và bằng sự tài hoa của mình ông đã phục dựng thành công những cánh sen đủ màu sắc. Không những vậy ông còn lưu truyền cho thế hệ sau này nghề làm hoa giấy đã có hàng trăm năm.
Chữ “tâm” với làng nghề
Xa cha mẹ từ nhỏ, họa sĩ Thân Văn Huy sống trong tình thương của bà, người đã bươn chải nuôi anh khôn lớn. Dù khó khăn, thiếu thốn đủ điều, anh vẫn quyết tâm trở thành họa sĩ. Năm 1968, anh thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế, tốt nghiệp năm 1972 rồi học tiếp ba năm về sơn dầu. Ra trường, Thân Văn Huy lặng lẽ làm công việc của một nhà giáo trường làng trong 10 năm rồi chuyển sang nghề thiết kế mẫu đồ gỗ cũng suốt mười năm. Sau đó, ông đã chuyển hẳn sang làm nghệ thuật và định cư luôn ở thành phố Huế.
Kỷ lục gia luôn đau đáu với nghề làm hoa sen giấy Thanh Tiên. Ảnh: Quang Sang |
Festival Huế 2006, họa sĩ trở về làng Thanh Tiên, thực hiện một cuộc triển lãm “tổng hợp” vừa để giới thiệu tranh, vừa để giúp du khách hiểu thêm về ngôi làng hàng trăm năm tuổi. Trong không gian làng quê đẫm mùi rơm rạ, du khách vừa xem những bức tranh sơn dầu, vừa thưởng thức tranh dân gian làng Sình, vừa xem tác phẩm sắp đặt Hoa giấy Thanh Tiên do Thân Văn Huy thực hiện. Phải đến Festival Huế 2008 anh cùng hai nghệ nhân trong làng phục dựng lại nghề làm hoa sen giấy đã thất truyền hơn 50 năm nay. Cả thảy 150 bông sen bằng giấy được làm trong gần một tháng đã tham gia vào lễ khai mạc Festival Huế 2008, sau đó được sắp đặt sen giấy trong hồ, ao để du khách thưởng ngoạn.
Bằng giọng Huế đặc sệt, người nghệ nhân tuổi 65 đã kể về cuộc hành trình tìm về với nghề sen giấy. Trong trí nhớ tuổi thơ của ông, những nghệ nhân ở làng hoa giấy Thanh Tiên lừng danh chỉ làm được đúng một lần hoa sen giấy, cách đây hơn 50 năm. Rồi sau đó, hoa không tiêu thụ được, nghề cũng biến mất. Ông Huy kể: “Tôi và em trai Thân Đình Hoài (làm nghề giáo viên) đã phải bỏ ra nhiều năm, lặn lội tìm đến những nghệ nhân hoa giấy già nhất trong làng để hỏi về kỹ thuật”. Nhưng nghề đã mai một, mỗi nghệ nhân chỉ nhớ được một ít. Nhiều đêm suy nghĩ, xâu chuỗi lại, hai anh em ông Huy bắt tay vào làm, đó là năm 2006.
Hoa sen giấy từng là một trong những loại hoa được người dân làng Thanh Tiên rất yêu chuộng. Họ thường sử dụng nó trong những ngày rằm, lễ để thờ cúng hay được trưng bày trong các gian phòng, góc nhà. Nó đã từng là một phần trong kiến trúc nhà rường của người dân Thanh Tiên- Phú Mậu. Nhưng nghề làm hoa sen giấy đã bị thất truyền hàng mấy chục năm nay. Ông Huy tâm sự: “Tôi muốn đưa hoa sen giấy vào lễ hội Festival để khôi phục nghề truyền thống này”. Ông còn cho biết những năm vừa qua ông đã đem hoa sen giấy của mình đến tặng các chùa và làm quà cho một số khách phương xa. Họ đều rất thích hoa sen giấy và mong muốn ông có thể gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau nghề truyền thống này.
Kỷ lục gia
Những năm gần đây, đặc biệt là trong mỗi kỳ Festival Huế, căn nhà rường của họa sĩ Thân Văn Huy ở cuối thôn Thanh Tiên, xã Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) nườm nượp khách gần xa tìm về chiêm ngưỡng triển lãm sắp đặt sen “Sắc màu Thanh Tiên”. Festival Huế 2012 là lần thứ ba họa sĩ Thân Văn Huy giới thiệu những bông sen giấy xứ kinh kỳ nhằm quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống và quan trọng hơn là giới thiệu đề cử quốc hoa sen hồng với bạn bè năm châu.
Hoa sen giấy được họa sĩ Thân Văn Huy phục dựng. Ảnh: Quang Sang |
Bằng những nổ lực của một con người hết lòng với làng nghề truyền thống, năm 2010, họa sĩ Thân Văn Huy được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là người đầu tiên phục dựng thành công hoa sen giấy. Sau bước ghi nhận này, họa sĩ Huy tiếp tục cải tiến kỹ thuật, mở nhiều lớp dạy nghề làm sen giấy cho trẻ em với hy vọng thế hệ trẻ gìn giữ được làng nghề mới sống lại sau hơn nửa thế kỷ “chết” vì cơ chế thị trường.
Họa sĩ Thân Văn Huy phân tích: “Hoa sen giấy là một loại hoa giấy rất khó làm, đòi hỏi tính tỉ mẫn và đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Giấy làm hoa sen thường là giấy dó hay giấy vẽ, hiện nay thay bằng giấy thủ công khổ A4. Giấy được gấp lại theo những đường gấp nhỏ sau đó dùng keo dính lại thành chùm như cánh sen. Cuống sen được làm từ những thân mây khô”. Làm xong hoa sen chưa phải là hết việc, công đoạn cuối cùng là nhuộm màu cho cánh sen cũng yêu cầu sự kiên trì, nhẫn nại của người thợ.
Trước đây các nghệ nhân thường nhuộm theo kiểu truyền thống, hoa khi đã làm xong toàn bộ được nhuộm màu hồng. Nhưng với cách áp dụng nghệ thuật nhuộm của hội họa, họa sĩ Huy đã làm cho những cánh sen có sắc màu độc đáo, từ hồng đậm, nhạt dần và phớt trắng. Nó tạo nên màu sắc đặc trưng cho những cánh sen và làm cho hoa sen giấy giống y như thật.
Kỷ lục gia chia sẽ: “Làm được một đóa hoa sen mất rất nhiều thời gian từ khâu xếp giấy tạo nếp nhăn cho từng cánh hoa đến khâu nhuộm màu. Do đó, một người thợ trung bình một ngày chỉ có thể làm được mười mấy đóa hoa. Vì tốn nhiều công sức nên hoa giấy bán với giá thành khá cao, nhưng vậy thì mọi người không mua. Bởi vì vậy, người dân bỏ nghề này là chuyện không thể tránh khỏi”.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đánh giá, ở Huế có rất nhiều nghệ nhân làng nghề truyền thống, riêng họa sĩ Thân Văn Huy, người xác lập kỷ lục phục dựng thành công hoa sen giấy, không đơn thuần là làm sống lại làng nghề đã mất mà còn góp phần đưa Thanh Tiên trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Huế. Về chính sách dài hơi bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở Huế nói chung và hoa sen giấy nói riêng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chương trình hỗ trợ về vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm…
Quang Sang