Sốc với giá bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cả dự án mới mở và những dự án đã giao nhà thời gian qua giá đều tăng phi mã, đặc biệt là ở Hà Nội.

Giá căn hộ tăng phi mã

Theo Bộ Xây dựng, trong quý 3/2024 giá căn hộ chung tại Hà Nội tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Trong đó, mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng 4 - 6% so với quý trước và tăng 22 - 25% theo năm. Nguyên nhân tăng giá bất động sản (BĐS) gần đây thì một phần lớn do tác động bởi một số yếu tố như việc biến động tăng đối với chi phí liên quan đất đai, đặc biệt tại một số địa phương, sản phẩm nhà ở giá bình dân không đủ nguồn cung cho nhu cầu thị trường.

Theo đó, đã kéo giá bán chung cư tăng lên, đặc biệt một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35 - 40% tùy từng vị trí so với quý trước. Trên thị trường phân khúc căn hộ chung cư bình dân có mức giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không có giao dịch và không có sản phẩm để bán.

Khảo sát của Thanh Niên cho thấy giá bán căn hộ chung cư tại khu vực trung tâm TP.Hà Nội đã cao ngất ngưởng như dự án Noble Crystal Tây Hồ có giá 270 triệu đồng/m2, dự án Hoang Thanh Tower 250 triệu đồng/m2, dự án Vinhomes Metropolis giá 240 triệu đồng/m2, dự án Heritage West Lake 240 triệu đồng/m2, dự án Hanoi Aqua Central 235 triệu đồng/m2, dự án Hanoi Signature 230 triệu đồng/m2, chung cư T-Place 210 triệu đồng/m2…

Giá bất động sản tại TP.HCM đang “neo” ở mức cao
Giá bất động sản tại TP.HCM đang “neo” ở mức cao

Chị Trần, một cư dân tại chung cư Sun Grand City Thụy Khuê Residence (Hà Nội), cho biết cách đây khoảng 4 năm chị mua căn hộ ở đây giá khoảng 73 triệu đồng/m2. Suốt mấy năm qua, mỗi năm đều tăng vọt đến chính chị cũng bất ngờ, không thể tin được. Do mức độ khan hiếm nên giá liên tục tăng, nhất là các dự án mới mở bán giá còn đắt hơn biệt thự như dự án The Grand Hanoi có giá bán lên đến 750 triệu đồng/m2.

Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư cũng đắt đỏ không kém. Như tại dự án One Central Saigon đối diện chợ Bến Thành (Q.1) từng có thời gian môi giới chào giá cao kỷ lục, khoảng từ 650 - 800 triệu đồng/m2 trong khi dự án Grand Marina Saigon (Q.1) cùng khu vực cũng có mức chào bán khoảng 400 triệu đồng/m2. Tại khu vực Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), phân khu Opera của dự án Metropole đang chào bán với giá 250 triệu đồng/m2. Ngay cạnh bên, dự án Tilia Empire City bán với giá 150 triệu đồng/m2 hay dự án Zeit Thủ Thiêm giá khoảng 185 triệu đồng/m2. Ở Q.7, dự án The Horizon Phú Mỹ Hưng có giá bán khoảng 125,4 triệu đồng/m2 và dự án The Aurora Phú Mỹ Hưng có giá từ 88 - 90 triệu đồng/m2.

Đó là những dự án cũ, một dự án mới trình làng của Tập đoàn Gamuda Land cũng lên đến 130 triệu đồng/m2. Nếu tính cả thuế phí, giá nhà lên ngưỡng 146 - 155 triệu đồng/m2, tăng khoảng 15 - 20% so với mức giá dự kiến chào bán trước đó.

Đối với biệt thự, nhà phố cũng có giá hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông. Như dự án An Phú An Khánh (TP.Thủ Đức) đang giao dịch khoảng 265,6 triệu đồng/m2, Mỹ Phú 3 (Q.7) đang bán mức 278,9 triệu đồng/m2, Villa Park (TP.Thủ Đức) chào bán 123,8 triệu đồng/m2.

Cuộc đua chưa có hồi kết

Bình luận với tư cách người tiêu dùng, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes, nói thẳng việc giá BĐS tăng trưởng mạnh trong một thời gian rất ngắn là điều bất bình thường. Nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư lớn độc quyền nguồn cung, dẫn dắt về giá. "Chi phí đầu tư tăng cao, nhu cầu mua lớn trong khi nguồn cung khan hiếm khiến các chủ đầu tư đặt kỳ vọng cao hơn về lợi nhuận", ông Chung giải thích.

Bà Hồ Thị Thu Mai, Giám đốc công ty vận hành sàn giao dịch Nhà ở ngay, khẳng định thị trường BĐS chỉ ghi nhận tăng trưởng nóng tại Hà Nội. Bởi giai đoạn từ năm 2020 - 2023, nhu cầu mua nhà của người dân lớn trong khi giai đoạn này, mỗi năm thị trường chỉ ghi nhận vài dự án căn hộ mở bán. Hiện nay chỉ tính riêng khu vực nội đô Hà Nội đã có 4 triệu người sinh sống. Chưa kể mỗi năm, có khoảng từ 150.000 - 200.000 người nhập cư tới Hà Nội và đều có nhu cầu mua nhà. Do cung không đủ đáp ứng khiến giá nhà cứ tăng lên. Các chủ đầu tư lại căn cứ mức giá đó và nhu cầu mua nhà để ở của người dân để xác định giá bán. Do đó, mức giá bán sơ cấp vì thế cũng tăng lên.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, cho rằng thời gian qua, câu chuyện về giá bán BĐS luôn là chủ đề nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. Không chỉ với căn hộ chung cư mà biệt thự, liền kề, đất đấu giá cũng lần lượt được gọi tên. Người dân choáng váng vì mỗi lúc giá bán BĐS lại bị đẩy lên cao. Đây là hệ quả của việc thiếu hụt trầm trọng nguồn cung nhà ở có giá bán bình dân trong suốt thời gian dài. Trong khi nhu cầu đối với phân khúc này cả để ở và đầu tư luôn "neo" ở mức cao. Cung không đáp ứng được cầu, khiến cầu bị nén lại. Theo thời gian, mức độ nén càng cao. Khi độ nén đạt đến một giới hạn nhất định nó sẽ bật ra và bất chấp nhiều lưu ý để đi tìm cung. Đây được cho là lý do quan trọng nhất khiến cuộc đua săn nhà, săn đất ngày càng trở nên khốc liệt. Cũng chính bởi vậy mà căn hộ chung cư, trước giờ vốn được coi là "tiêu sản", cũng lội ngược dòng tăng giá vùn vụt, không kể mới hay cũ. Chưa kể đến việc các dự án mới ra hàng, dự án nào cũng được định vị ở mức "cao cấp", khiến mặt bằng giá đã cao lại càng cao hơn.

Căn hộ thiết lập mặt bằng giá mới

Theo dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu thị trường và am hiểu khách hàng OneHousing, kết thúc quý 3/2024, thị trường căn hộ mở mới tại Hà Nội ghi nhận mức giá trung bình đạt gần 70 triệu đồng/m2. Còn TP.HCM do nguồn cung căn hộ mở mới chỉ có 125 căn, giảm 89% so với quý trước. Đây là con số căn hộ mở bán ghi nhận thấp nhất trong 5 năm qua. Điều này khiến giá căn hộ chung cư tăng mạnh, thiết lập mặt bằng mới, hơn 80 triệu đồng/m2.

Theo Đình Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa thống nhất không ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai năm 2024 đối với 4 loại giấy tờ do UBND TP. Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thành phố đề xuất.

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, phổ biến Thông tư số 58/2024/TT-BGTVT ngày 15-11-2024 của Bộ GT-VT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.