Khi đưa ra đề xuất hạn chế giờ làm thêm của sinh viên không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ, cơ quan soạn thảo là Bộ LĐ-TB-XH lý giải việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm quyền làm việc; đồng thời tăng cường quản lý, hỗ trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, phù hợp với quốc tế. Song, lý giải này chưa nhận được sự đồng thuận, còn rất nhiều ý kiến trái chiều.
Với mỗi sinh viên (SV), việc quan trọng nhất là học tập. Tuy nhiên, đi làm thêm cũng là cơ hội để kiếm tiền trang trải chi phí học hành, nhà ở, sinh hoạt… quan trọng hơn, có thể tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng cho bản thân. Hiện nay, chúng ta chưa có số liệu về tỷ lệ SV làm thêm trên quy mô cả nước, chỉ có một số đề tài nghiên cứu khảo sát vấn đề này ở quy mô nhỏ, cho thấy 70 - 80% SV đang hoặc từng đi làm thêm.
10 năm trước, SV khi ra trường thường bị các nhà tuyển dụng "chê" học hành sách vở, thiếu thực tiễn, thì những năm gần đây, việc đi làm thêm đã giúp SV trưởng thành, tự tin hơn rất nhiều, có thể bắt tay vào việc sau khi ra trường.
Nhìn rộng ra các nước, đặc biệt tại châu Âu, châu Mỹ-nơi thu hút một lượng lớn du học sinh quốc tế, đưa ra các chính sách giới hạn giờ làm thêm cho du học sinh trong khoảng từ 15 - 20 giờ/tuần. Ở châu Á, SV nước ngoài tại Nhật được làm thêm không quá 28 giờ, còn tại Hàn Quốc, SV được làm thêm từ 20-25 giờ/tuần, tùy theo trường.
Các chuyên gia về lao động việc làm đều cho rằng nếu dựa trên kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng chính sách sẽ hoàn toàn không hợp lý, bởi quy định này ở nhiều nước chỉ áp dụng đối với du học sinh, không áp dụng với lao động bản địa. Nếu đề xuất được thông qua, những SV có hoàn cảnh khó khăn sẽ càng khó khăn không đủ trang trải chi phí học tập.
Về phía doanh nghiệp, "siết" giờ làm thêm sẽ khiến cho nhiều chủ sử dụng lao động phát sinh nhiều vấn đề, cùng một vị trí phải tuyển nhiều người, không ổn định về mặt nhân sự. SV từ 18 tuổi trở lên là một công dân trưởng thành, họ đủ tuổi lao động, có quyền được làm việc, tự bố trí sắp xếp thời gian, tự quyết định tương lai của mình, không thể cấm cản.
Thay vì đưa ra đề xuất giới hạn giờ làm thêm của SV, cơ quan soạn thảo cần có các giải pháp về phúc lợi, hỗ trợ SV vay vốn, hỗ trợ nhà ở, tăng lương làm thêm giờ, học bổng… đó mới là giải pháp thiết thực cho SV.
Một chính sách khi đưa vào thực tiễn cần phải được đánh giá tác động, từ đó mới có thể đưa ra các quy định, tiêu chí áp dụng phù hợp. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần lắng nghe ý kiến, xây dựng các quy định sát với thực tiễn, tránh tình trạng "chính sách trên trời, rối bời khi thực hiện".