Sẽ đầu tư 7 tỷ USD tuyến đường sắt TP.HCM-Cần Thơ trước năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Giao thông vận tải sẽ phấn đấu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ để trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025.
Tuyến đường sắt tốc độ cao tại Lào. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tuyến đường sắt tốc độ cao tại Lào. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự án tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ đang được Bộ Giao thông Vận tải lập nghiên cứu báo cáo và tính toán đến nguồn lực để có thể triển khai trước năm 2030.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo quy hoạch, tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ có điểm đầu tại ga An Bình (phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ).

Dự án này có chiều dài khoảng 174km đi qua 6 tỉnh/thành phố (gồm Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ) với 13 ga toàn tuyến. Đường sắt áp dụng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm. Tàu khách có tốc độ tối đa là 200 km/h, tàu hàng 120 km/h. Công nghệ được lựa chọn cho tuyến đường sắt này là đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra cam kết lộ trình nghiên cứu, đầu tư Dự án tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ trước năm 2030.

Với vai trò quan trọng của tuyến đường trong việc kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ; thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là chủ đầu tư, đã bố trí vốn để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hiện đang tập trung phối hợp với các địa phương rà soát vị trí ga, hướng tuyến.

Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá đây là dự án có quy mô lớn (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD), công nghệ-kỹ thuật phức tạp nên cần phải nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng, đánh giá một cách khách quan, khoa học; đặc biệt là cân đối bố trí nguồn lực.

“Bộ Giao thông vận tải sẽ phấn đấu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025 nhằm làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai,” lãnh đạo cơ quan này khẳng định.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn rà soát, làm rõ số liệu dự báo nhu cầu vận tải bảo đảm tính khoa học, thống nhất với số liệu trên hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ; tính toán phân bổ với các phương thức vận tải khác để xác định sự cần thiết, thời điểm, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ, phương án khai thác và đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội, tài chính của dự án. Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn phân tích ưu, nhược điểm cho việc lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tốc độ thiết kế và cần đồng bộ với việc đầu tư, khai thác đảm bảo kết nối thuận tiện; rà soát các chi phí trong tổng mức đầu tư, phương án tài chính dự án; cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện dự án.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.