(GLO)- Hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế là xu thế tất yếu trên thế giới. Đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề đặt ra không chỉ hội nhập đơn thuần mà là làm thế nào để hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả, đảm bảo được lợi ích dân tộc, nâng cao được sự cạnh tranh của nền kinh tế. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân Lịch-Trưởng cơ quan đại diện Cục Xúc tiến Thương mại khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Ảnh: Lê Lan |
* P.V: Xin ông cho biết về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay?
- Ông Bùi Xuân Lịch: Việt Nam có một chặng đường rất dài để hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) và bây giờ đã đến quá trình hội nhập sâu và mang tính chất sâu rộng đi vào vấn đề thực chất mà không còn hình thức như trước đây nữa và chúng ta đã lựa chọn và sánh vai được với các quốc gia khác để đưa ra hình thức đàm phán mang tính tay đôi. Việc HNKTQT này tạo cho Việt Nam thế đứng trên thương trường thế giới. Vì thế, tất cả các lĩnh vực khác đều hướng tới là làm sao để đưa HNKTQT đạt hiệu quả cao nhất, sâu nhất, rộng nhất và đi vào thực chất hơn là mang tính hình thức.
* P.V: Vậy khi đã hội nhập kinh tế quốc tế thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ có những lợi ích gì?
- Ông Bùi Xuân Lịch: Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ mang lại lợi ích cho vấn đề tiêu dùng mà còn đem lại nhiều lợi ích lớn cho người dân, nhà sản xuất, cho nông dân, cũng như cho các loại hình kinh tế khác của Việt Nam… Chúng ta không chỉ được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật cao, hàng hóa giá rẻ mà chúng ta còn mở rộng được thị trường hàng hóa Việt Nam, tiếp cận với tiêu chuẩn hàng hóa thế giới. Chúng ta không những được sử dụng mà chúng ta còn được tiếp nhận những khoa học kỹ thuật trên thế giới. Chỉ có HNKTQT thì chúng ta mới có được lợi ích ấy. Và chỉ khi người dân, người lao động, nhà sản xuất, nhà kinh doanh có lợi nhuận thì chúng ta mới xác định được người tiêu dùng, mới nâng cao được trình độ về tiêu dùng cho người dân. Chúng ta biết rằng những công nghệ tiên tiến trên thế giới như công nghệ hạt nhân… và chỉ HNKT thế giới chúng ta mới tiếp cận được những vấn đề mang tính toàn cầu như vậy.
* P.V: Để phát triển trong nền kinh tế hội nhập quốc tế thì doanh nghiệp cần làm gì, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Gia Lai?
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Lê Lan |
- Ông Bùi Xuân Lịch: HNKTQT mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên những hạn chế mà nó mang lại cũng khá nhiều. HNKTQT tạo ra môi trường cạnh tranh khá khốc liệt. Trước đây chúng ta ít thấy rõ nét những doanh nghiệp phá sản, khi HNKTQT thì sự phá sản của các doanh nghiệp rất nhiều. Thế nhưng, sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng lên rất nhiều lần so với sự phá sản ấy. Vậy các doanh nghiệp phải làm gì khi hội nhập? Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam xác định là doanh nghiệp nhỏ, sự cạnh tranh kém, sự tiếp cận với thị trường hiện đại còn đang ở mức khiêm tốn, các yếu tố hạ tầng cơ sở, vốn liếng của chúng ta so với thế giới còn khá khiêm tốn... Tuy nhiên, nói khó khăn đó không phải rằng doanh nghiệp Việt Nam không thể tồn tại được. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Gia Lai nói riêng ở bất kỳ một quốc gia nào họ cũng có những lợi thế riêng biệt, khi HNKTQT chúng ta có những mặt hàng hàng đầu thế giới như cà phê, cao su, gạo, thủy sản.. Đó là lợi thế so sánh mà Việt Nam có hơn những quốc gia khác. Đương nhiên khó khăn mang lại thì vô cùng nhiều.
Tuy nhiên sự tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam so với một số nước trên thế giới là tương đối đồng đều. Tức là sự tiếp cận, bảo tồn và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam là khá tương đồng phần còn lại trên thế giới. Bởi vì họ biết cách khai thác tối đa lợi thế, hạn chế những điểm yếu của doanh nghiệp mình, quốc gia mình để phát triển. Doanh nghiệp khi tham gia thị trường thế giới thì phải nắm bắt được phương thức kinh doanh, luật pháp quốc tế, những lợi ích từ các hiệp định thương mại song phương giữa các Chính phủ, đặc biệt là của Việt Nam với các nước mang lại cho họ. Họ phải nắm tay nhau cùng nhau hỗ trợ, vượt qua những thách thức thì mới tồn tại được. Ở đây tôi muốn nói là tính cộng đồng của doanh nghiệp phải được nâng lên.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Lê Lan (thực hiện)