Sau bão

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vậy là chiều tối qua, bão số 3 (YAGI) có cường độ mạnh nhất 30 năm trở lại đây đã đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh Bắc bộ nước ta.

Thiệt hại ngay sau bão chưa thể thống kê đầy đủ, nhưng đã có người chết và bị thương vì cây đổ, nhà sập; đã có nhiều tàu thuyền neo đậu bị bão giật tung cuốn trôi, nhấn chìm; nhiều nhà cửa, công trình, cây cối đổ gục, bay mái; đường sá, cầu cống hư hại…

Kéo dài suốt một tuần kể từ ngày 1/9, và mỗi lúc một trở nên cuồng bạo, siêu bão YAGI (con dê) đã lần lượt hoành hành nhiều vùng rộng lớn tại phía đông Philippines, đảo Hải Nam của Trung Quốc, rồi giờ đến Việt Nam. Một trận cuồng phong khá kỳ dị, khi mắt bão ít nhất đã 3 lần nhắm lại nhưng rồi lại mở ra trừng trừng...

Nhớ một câu của Murakami trong Kafka bên bờ biển, đại loại rằng “khi bước ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là con người như cũ nữa”. Có lẽ là vậy. Sau buổi chiều qua, tôi và bạn đã trở thành “người khác”. Như với mỗi người dân nơi bão vừa đi qua, đó sẽ là trải nghiệm kinh hoàng nhất về bão tố kể từ lúc mở mắt chào đời.

Tôi và bạn sẽ “khác” thế nào? Sẽ thêm trải đời. Sẽ thêm kinh nghiệm và sự bình tĩnh trước thảm họa. Sẽ nghĩ nhiều hơn về mọi cơn bão trong đời sống, với những hình thái và tên gọi khác nhau, vẫn luôn hiện diện âm thầm và cuồng nộ trên mặt đất này.

Những cơn bão toàn cầu của khủng hoảng và âu lo do chính con người khơi mào, mời gọi và làm tăng thêm cấp độ. Từ những cơn bão nhiệt đới càng lúc càng dày đặc và kinh hoàng dậy lên từ khắp các đại dương, đến những cơn bão trong mỗi cơ thể người, từ hệ miễn dịch tới hệ thần kinh. Những cơn bão mang tên hủy hoại tự nhiên, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, khủng hoảng nhân đạo, bạo phát tiêu dùng cho tới lạm dụng trí tuệ nhân tạo…

Aristotle, nhà triết học cổ đại gần 2.000 năm trước, cho rằng một cơn bão cơ bản được hình thành từ hai loại “hơi thở”: thở ra khí ẩm (nước bốc hơi) và thở ra khí khô (lửa/nhiệt độ). Thật đơn giản và đầy ý nghĩa. Những cơn bão đang dâng lên trên khắp địa cầu ngày nay chính là hơi thở của con người và mọi loại tiện nghi ngày một chồng chất. Chúng ta đang ngày ngày “thở” ra bão tố.

Chúng ta có thể dự đoán và phòng chống được mọi cơn bão trên thế gian? Rất khó. Không ai biết cơn bão đầu tiên mà loài người đối mặt thế nào, nhưng rồi sẽ biết cơn bão cuối cùng của hành tinh này, đó là mọi công trình, nhà cửa có thể vẫn nguyên vẹn, chỉ có con người là tự sụp đổ.

Bão luôn gắn với sinh mệnh mỗi con người, dưới muôn vàn hình thái và tên gọi khác nhau. Cơn bão là chính bạn. Là những thứ gì đó bên trong bạn. Cần được phá vỡ, cần phải hủy bỏ để trở lại là chính mình, với vẻ đẹp nguyên thủy nhất…

Theo TRÍ QUÂN (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.