Sang Trung Quốc bán bào thai: Mẹ tử vong, gia đình mất Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tết đang cận kề, khi bạn bè cùng trang lứa hớn hở vì được bố mẹ mua quà, mua thịt thì những người con của chị Moong Thị L. lại lẳng lặng tự chăm sóc nhau ăn xôi chấm muối.
Nợ trăm triệu, tiền đâu ăn Tết?
Ngôi nhà của anh Lương Văn Hồng (SN 1983), trú tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nằm lưng chừng giữa 
“Chị Moong Thị L. (SN 1989, vợ anh Hồng) chết cách đây 4 tháng rồi, lúc đang đi sang Trung Quốc ấy. Hồng phải vay cả trăm triệu sang đưa thi thể về, giờ phải đi làm để trả nợ. Còn mấy đứa trẻ chắc đi đâu đấy thôi”, một người dân cho hay.
 
Ngôi nhà của vợ chồng anh Hồng.
Vợ chồng anh Hồng có 5 người con (4 gái và 1 trai). Cuộc sống của gia đình cũng như những người dân Khơ-mú khác ở trong bản, đều vô cùng nghèo khổ khi thu nhập chủ yếu từ nương rẫy. Đầu năm 2018, chị L. mang thai người con thứ 6, từ đó mọi gánh nặng cơm gạo dồn vào vai anh Hồng.
Trong một lần đi rẫy về, chỉ nhìn thấy những người con nheo nhóc chạy ra quấn chân, thì anh Hồng mới biết vợ mình đã rời khỏi nhà cách đó mấy ngày trước. Chạy đi tìm khắp nơi, thậm chí nhờ cả chính quyền địa phương giúp đỡ, anh vẫn không biết vợ mình ở đâu.
Cho đến cuối tháng 9/2018, anh rụng rời nhận được thông tin của bộ Ngoại giao Việt Nam chuyển về, báo vụ tai nạn giao thông tại xã Dương Cao, huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), đã khiến 5 công dân Việt Nam thương vong. Tất cả những người này đều là phụ nữ trú huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang mang thai. Trong đó, chị Moong Thị L. là người tử vong.
 
4 người phụ nữ trở về sau vụ tai nạn.
Để đưa thi thể vợ trở về quê nhà, anh Hồng phải bán vội con bò cùng vài bì lúa, rồi vay mượn thêm để làm lộ phí sang Trung Quốc. Thế nhưng, phải gần 1 tháng sau, nhờ rất nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân hảo tâm giúp đỡ thì anh mới đưa được tro cốt của vợ về Việt Nam.
Phải chờ rất lâu, những người con của vợ chồng anh Hồng mới trở về nhà. Người con gái đầu Lương Thị Dậu nay đã bước sang tuổi 14 lập tức vào bếp lấy một chõ xôi, một bát cà thái mỏng với nước muối đổ vào để các em chấm ăn. Riêng đứa em út được Dậu ưu ái cho thêm nửa con cá mắm.
“Ngày trước mẹ ở nhà thi thoảng có bữa cơm với thịt lợn, mẹ mất rồi đến bữa chỉ có cơm dằm với cà. Mẹ mất hơn 2 tháng rồi mà em út của cháu cứ nghĩ mẹ đi rẫy với bố”, Dậu nói. Nhắc đến Tết, người chị cả này ngơ ngác, có xen lẫn chút buồn. Trẻ con trong bản nhiều đứa đã khoe chiếc áo mới, có bạn đã kể việc bố mẹ mua thịt về gác bếp, chỉ riêng nhà Dậu đến thời điểm hiện nay vẫn không có gì.
 
Moong Thị Oanh là kẻ đưa phụ nữ sang Trung Quốc.
Chưa có chế tài xử lý
Liên quan đến vụ việc, Trung tá Lô Văn Thao, Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, qua điều tra đơn vị đã xác định được kẻ dụ dỗ và dẫn chị Moong Thị L. đi bán con. Danh tính đối tượng là Moong Thị Oanh (SN 1987), trú tại bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn.
Được biết, Oanh sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nhưng kết hôn và sống nhiều năm ở Trung Quốc. Năm 2018, Oanh đưa 4 người phụ nữ đều cùng huyện Kỳ Sơn, trong đó có chị L. vượt biên sang Trung Quốc, số phụ nữ này đều đang mang thai từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 8, để bán con khi vừa sinh ra với giá từ 40 - 80 triệu đồng/cháu.
Ngày 20/9/2018, nhóm người trên đang ngồi trên chiếc xe ba gác do người chồng Trung Quốc của Oanh cầm lái, thì xảy ra va chạm giao thông. Ngày 26/1, cục Cảnh sát hình sự bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An và Tổ chức Bảo vệ trẻ em Rồng Xanh đã đưa Oanh và các nạn nhân về nước. Được biết, riêng người chồng Trung Quốc của Oanh hiện vẫn bị cơ quan chức năng Trung Quốc tạm giữ để tiếp tục điều tra.
“Chúng tôi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài. Hiện, bị can đang mang bầu sắp sinh nên được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú”, Trung tá Thao cho biết thêm.
 
Huyện Kỳ Sơn có 25 trường hợp sang Trung Quốc sinh con rồi bán.
Qua rà soát ở địa bàn huyện Kỳ Sơn đến tháng 11/2018, có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai sang Trung Quốc đẻ. Trong số đó, lực lượng công an đã xác minh, làm rõ 6 trường hợp sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là vụ án đầu tiên được cơ quan chức năng khởi tố.
Theo Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu, đây là một thủ đoạn mới của những kẻ buôn người, vừa rộ lên từ khoảng đầu năm 2018 đến nay. Chủ yếu tập trung ở đồng bào người Khơ Mú tại huyện Kỳ Sơn. Mặc dù Công an địa phương đã nắm được sự việc, song quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn vì vướng chế tài, hành lang pháp lý.
“Bộ luật Hình sự không quy định về tội phạm buôn bán bào thai cho nên cái hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc ký từ năm 1998 đến nay vẫn chưa được sửa đổi. Đây là bất cập rất lớn đối với lực lượng công an, chúng tôi đang tìm cách ngăn chặn nhưng hiện nay vẫn chưa có hiệu quả”, Đại tá Cầu nói.
Theo đó, có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai. Tranh cãi ở chỗ, bị hại trong các vụ án này chính là những bào thai, chưa sinh nở nên gần như trong các vụ án này là không có bị hại. Trường hợp sinh ra mẹ tròn con vuông thì không sao, nhưng nếu mất trong bụng mẹ, hoặc chết khi vừa sinh ra thì rất khó để xác định bị hại.
 
Các đoàn thể luôn vận động, tuyên truyền nạn buôn bán người cho chị em miền núi.
Trao đổi với lãnh đạo địa phương, bản thân chính quyền nơi đây cũng đang rất lúng túng trong việc tìm ra giải pháp để ngăn chặn. Cho đến nay, giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân vẫn được xem là chủ đạo. Thế nhưng, giải pháp này lại không thể phát huy hiệu quả nhanh được. 
Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cho biết có những trường hợp vượt biên bán bào thai tới lần thứ 2. “Tất cả những trường hợp trên chúng tôi đã cử cán bộ xuống tận nhà giải thích, tuyên truyền. Sau đó tiếp tục mời lên trụ sở vận động, khuyên răn đừng nên bán con. Lúc này họ hứa không tái phạm nữa, tự nguyện ký cam kết. Thế nhưng không phải ai cũng tuân thủ cam kết này”, ông Lượng thở dài.

Bà Phan Thị Hà An, Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật, Hội LHPN tỉnh Nghệ An, cho biết: “Về vấn đề buôn bán bào thai diễn ra tại huyện biên giới Kỳ Sơn, trong thời gian qua, phía hội cũng đã cập nhật và đã có những đề xuất tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo, đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cũng như cho vay vốn đối với phụ nữ thuộc các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tăng cường công tác phổ cập giáo dục để nâng cao dân trí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bởi ở đó tỷ lệ mù chữ hiện đang rất cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh nâng cao hiệu quả phối hợp với các ban ngành trong công tác tuyên truyền liên quan đến hoạt động buôn bán người, buôn bán bào thai với nhiều hình thức”.

Anh Ngọc (Người Đưa Tin)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.