Săn lùng các đội tàu sát thủ đại dương - Kỳ 1: Đội tàu ma Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ nhiều năm nay, các đội tàu cá công nghiệp càn quét từ Nam Mỹ đến Tây Phi và lan rộng ra các vùng biển thế giới. Trong đó đi đầu là 'tàu ma' Trung Quốc hoành hành khắp nơi…
Nhà phân tích dữ liệu Bjorn Bergman trên đường săn lùng các đội tàu ma Trung Quốc - Ảnh: Simon Ager
Nhà phân tích dữ liệu Bjorn Bergman trên đường săn lùng các đội tàu ma Trung Quốc - Ảnh: Simon Ager
Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính 1/3 sản lượng thủy sản trên thế giới đã bị đánh bắt trái phép.
Tháng 3-2019, tổ chức phi lợi nhuận Global Fishing Watch (GFW) đã tổ chức cuộc họp quan trọng tại Panama City (Panama) để thảo luận kế hoạch phối hợp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Khách mời gồm các quan chức đại diện cho Panama, Ecuador, Colombia và Costa Rica. Với khả năng nói tiếng Tây Ban Nha lưu loát, nhà phân tích dữ liệu Bjorn Bergman - giám đốc khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ của GFW - cố thuyết phục các nước chia sẻ dữ liệu thiết bị giám sát tàu thủy (VMS).
Một khi chúng ta có thể giám sát các đội tàu đen tối, tội ác trên đại dương sẽ được phơi bày. Chúng sẽ không còn nơi lẩn trốn.
BJORN BERGMAN
Những con tàu tắt AIS "đi thầm"
Thuở nhỏ, Bjorn Bergman cùng gia đình ở Peru. Sau nhiều năm sinh sống tại Mỹ và Thụy Điển rồi tốt nghiệp khoa sinh học tại Đại học Yale (Mỹ), anh giữ chân chuyên viên quan sát thủy sản trong phòng thí nghiệm ở Alaska.
Vài năm sau, anh tiếp tục lấy bằng thạc sĩ về sinh học tế bào nhưng chuyển sang làm cho tổ chức phi lợi nhuận SkyTruth ở Mỹ với vị trí nhà phân tích dữ liệu thủy sản. Năm 2014, dự án GFW được triển khai, Bergman cộng tác với GFW.
Năm 2016, GFW bắt đầu triển khai kế hoạch sử dụng vệ tinh theo dõi thiết bị tự động nhận dạng (AIS) của các tàu cá nhằm tăng cường minh bạch để quản lý đại dương bền vững hơn. Để đạt mục đích này, GFW sẵn sàng cung cấp miễn phí dữ liệu theo dõi hoạt động đánh bắt thương mại trên thế giới.
Thông thường tàu 300 tấn trở lên đều trang bị AIS để tránh va chạm. Vệ tinh bắt tín hiệu phát từ AIS, từ đó biết được lộ trình di chuyển tàu. Với hơn 60 triệu điểm dữ liệu AIS mỗi ngày, lần đầu tiên GFW đã lập được bản đồ mô hình đánh bắt thủy sản, cho thấy các tàu cá đang đánh bắt trên 55% diện tích đại dương.
Quan sát cấu hình của AIS, Bergman có thể biết tàu cá chạy hay dừng; nếu tàu đang đánh cá thì đó là tàu lưới kéo (lưới rộng ở miệng, hẹp ở đụt), tàu câu vàng (dùng dây có gắn hàng ngàn lưỡi câu) hay tàu lưới vây (vây cá bằng lưới dài).
Phương pháp phân tích AIS chỉ quan sát được 80% số tàu, 20% còn lại không phát AIS do một số nước như Canada không bắt buộc trang bị, tàu nhỏ (như 90% tàu cá Indonesia) hay đơn giản là tàu tắt AIS. Tàu tắt AIS được gọi là "đi thầm". Nhiều tàu cá "đi thầm" vài ngày để giữ bí mật ngư trường.
Ngược lại, nếu tàu "đi thầm" nhiều tuần hay nhiều tháng, chắc chắn đó là tàu đánh bắt bất hợp pháp. Bergman gọi đó là "các mục tiêu đen tối" vì chúng hoạt động như những con "tàu ma" giữa biển khơi.
Câu chuyện săn lùng các đội tàu ma Trung Quốc bắt đầu vào tháng 1-2016. Lúc bấy giờ, Bergman phát hiện sáu tàu cá Trung Quốc khả nghi đánh bắt ở phía nam Ấn Độ Dương. Khu vực đó vốn không phải là ngư trường, đặc biệt mô hình di chuyển của các tàu rất lạ.
Bergman nhớ lại: "Tôi quan sát kỹ và nhận thấy chuỗi tín hiệu AIS cứ dài ra rồi cuộn ngược lại". Anh hỏi các cơ quan đăng kiểm nghề cá địa phương nhưng không ai biết đội tàu này. Anh bèn viết bài mô tả nghi vấn đăng trên blog.
Tàu Brigitte Bardot của tổ chức Sea Shepherd (phải) tìm kiếm tàu đánh bắt bất hợp pháp trên Thái Bình Dương - Ảnh: Simon Ager
Tàu Brigitte Bardot của tổ chức Sea Shepherd (phải) tìm kiếm tàu đánh bắt bất hợp pháp trên Thái Bình Dương - Ảnh: Simon Ager
Đội tàu ma từ Trung Quốc
Thuyền trưởng Sid Chakravarty làm việc cho tổ chức phi chính phủ Sea Shepherd ở Perth (Úc) đọc được blog của Bergman liền quyết định lên đường tìm sự thật. Những gì ông phát hiện đủ gây sốc. Đội tàu Trung Quốc nghi vấn đã sử dụng lưới kéo bị cấm để đánh bắt cá ngừ, cá mập, rùa và cá heo.
Lưới được gắn AIS để khỏi mất nên tạo ra cấu hình AIS mà Bergman nhìn thấy trên rađa. Sid Chakravarty quay video làm bằng chứng. Đội tàu cá Trung Quốc tắt AIS bỏ đi.
Một tháng sau, một tàu trong nhóm này bật lại AIS. Bergman phát hiện vị trí liền bắn tin. Tàu của tổ chức Sea Shepherd đã săn đuổi mục tiêu trên chặng đường dài 8.000km đến tận cảng Chu Hải (Trung Quốc).
Với vai trò "thám tử đại dương", Bjorn Bergman tự hào có thể chộp được hầu hết các vụ đánh bắt trái phép, trừ một đội tàu câu mực Trung Quốc.
Anh khoanh vùng theo dõi đội tàu này khi đội tàu đánh bắt dọc lãnh hải Peru, rồi bất ngờ chuyển hướng sang Nam Thái Bình Dương vào năm 2017. Nhiều tàu tắt AIS "đi thầm" nên không rõ quy mô đội tàu đến đâu.
Cuối cùng nhờ thiết bị đo bức xạ ảnh hồng ngoại nhìn thấy được (công nghệ VIIRS bắt tín hiệu ánh sáng từ tàu cá rồi so sánh với AIS hoặc VMS để định vị tàu), Bergman đã xác định đội tàu ma Trung Quốc lên đến khoảng 300 chiếc.
Đến lúc này, Bergman nhận thấy phát hiện tàu ma trên màn hình chưa đủ, mà cần phải trực tiếp đi săn. Tháng 9-2018, anh xuống tàu Brigitte Bardot của tổ chức Sea Shepherd. Cùng đi với anh là chuyên viên Eloy Aroni, người Peru, chuyên theo dõi tàu cá bằng công nghệ VIIRS.
Trong tay Bergman có ba công cụ truy tìm tàu ma gồm AIS, VIIRS và SAR (ảnh rađa khẩu độ tổng hợp có chức năng phát hiện vật thể lớn có vỏ kim loại như tàu cá cỡ trung bình đã tắt AIS và không hiển thị ánh sáng nhìn thấy từ không gian), chưa kể công nghệ hình ảnh quang học (ảnh chụp vệ tinh độ nét cao).
Tàu Brigitte Bardot đến quần đảo Marquesas thuộc khu vực Polynesia, một trong những nơi xa xôi nhất ở Nam Thái Bình Dương. Một buổi chiều nọ, con tàu đầu tiên trong đội tàu câu mực Trung Quốc hiển thị tín hiệu BZZ5K trên màn hình rađa. Bergman nhận ra đó là tàu Hua Ying 819.
Tối đến, thuyền trưởng tàu Brigitte Bardot điều tàu tuần tra áp sát mục tiêu. Đội tàu ma bật đèn sáng rực trong đêm chẳng khác gì thành phố trên biển. Đây quả đúng là đội tàu câu mực Trung Quốc mà Bergman từng phát hiện trên bản đồ VIIRS.
Do tín hiệu vệ tinh quá yếu và tàu không còn nhiên liệu, Bergman và các đồng nghiệp phải quay vào bờ. Với thành công định vị được đội tàu ma Trung Quốc, tháng 10-2018 tàu Run Da 608 của Trung Quốc đã bị Peru chặn bắt với tang vật 19 tấn mực.
Cuộc săn lùng tàu ma của Bjorn Bergman vẫn tiếp diễn cùng với 30 chuyên gia của GFW chuyên giám sát hàng hải trên toàn cầu.
Tháng 5-2020, anh đã công bố nghiên cứu mới nhất chứng minh nhiều tàu cá Trung Quốc phát tín hiệu AIS giả, vị trí thật cách điểm bật tín hiệu AIS đến hàng ngàn kilômet...
**************
Global Fishing Watch (GFW) là dự án hợp tác của ba đối tác ở Mỹ gồm tổ chức quốc tế bảo tồn đại dương Oceana, SkyTruth (chuyên sử dụng công nghệ vệ tinh để bảo vệ môi trường) và Google.
Năm 2017, Indonesia là quốc gia đầu tiên cung cấp dữ liệu VMS cho GFW, từ đó GFW có thể theo dõi 5.000 tàu cá nhỏ không sử dụng AIS của nước này. Kế đến là Peru vào tháng 10-2018.
Panama cung cấp dữ liệu tàu cá và tàu vận tải vào tháng 10-2019, sau đó đến Chile vào tháng 3-2020.
Các đội tàu khai thác thủy sản trái phép càn quét các ngư trường Nam Mỹ, đặc biệt ở Argentina, Ecuador và Peru. Argentina phải cầu viện Interpol phát lệnh truy tìm. Tổng thống Ecuador chỉ thị điều động máy bay và tàu chiến ngăn chặn.
Kỳ tới: Càn quét Nam Mỹ
HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.