Săn chuột... trên cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Qua sông Hàm Luông đến xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), hỏi bất cứ người dân chung quanh nơi đây, ai cũng biết ông Tư Lượm hay ông Tư chuột vì ông nổi tiếng với nghề săn chuột dừa và săn chuột... trên cây.
Ông Tư Lượm đổ chuột đã bẫy được vào lồng.
Ông Tư Lượm đổ chuột đã bẫy được vào lồng.
Bắt chuột... trên trời
Trời đã quá trưa, ông Tư (tên thật là Nguyễn Văn Quang), đang chuẩn bị đồ nghề để bắt đầu đi bắt chuột. Tuổi đã cao, nước da bánh mật với thân hình rắn rỏi, ông thoăn thoắt dùng kìm chỉnh lại những chiếc bẫy. Ông kể, đến đầu năm 2020 là tròn 15 năm ông đi săn chuột dừa, một công việc gắn bó với ông rất tình cờ. Trước đây, ông nuôi trăn để bán cho thương lái. Thức ăn mà trăn thích nhất là chuột, gà. Gia đình ông trồng 130 gốc dừa xiêm sau nhà. Vào mùa sinh sản, chuột sinh sôi nảy nở và cắn hỏng nhiều buồng dừa của gia đình. Vì thế, ông quyết định đặt bẫy chuột, vừa giữ dừa vừa có nguồn thức ăn cho trăn.
Có nhiều cách bắt chuột, cách thông thường là dùng bẫy lồng. Bẫy đặt dưới gốc dừa, cài thêm cơm dừa làm mồi. Chuột thấy mồi ngon, mò xuống là dính. Tuy nhiên, cách săn này không hấp dẫn bằng việc đuổi bắt chuột dừa. Người dân địa phương thường đi bắt chuột theo nhóm khoảng từ ba đến bốn người. Khi phát hiện cây dừa có chuột, người ta dùng sào chọc túi bụi vào đọt dừa, chuột hoảng sợ chạy ra các đầu lá dừa và sẽ bị rơi xuống mương. Người đi săn chỉ cần chạy theo một đoạn, khi thấy bong bóng nổi lên ở đâu là ở đó chuột đang ngoi lên để thở. Cầm gậy vụt xuống là có thể đánh được chuột. Nếu không bị rơi xuống mương thì chuột sẽ rơi xuống đất. Người đi săn sẽ dùng súng cao-su để bắn hoặc những con chó nhà sẽ mang chuột về cho chủ.
Ông Tư chọn cho mình một cách đi săn khác, đó là đặt bẫy trên những cây dừa cao với mồi đã được cài sẵn. Hai ngày một lần, ông rời nhà mang theo khoảng hơn 40 cái bẫy, đặt từ 13 giờ đến khoảng 17 giờ. Sáng hôm sau, ông dậy sớm đi kiểm tra, gom bẫy. Hành trang của ông khi rời nhà, ngoài những cái bẫy là chiếc xe đạp cũ và bốn đến năm đoạn sào để có thể nối vào nhau khi gặp những gốc dừa cao, chiếc bút dạ đỏ và đôi ủng ông lội xuống bùn khi vào những nơi còn ngập nước. Ðiều khiến chúng tôi rất tò mò là ông khoác lên mình chiếc áo khá cũ với nhiều dòng chữ được viết nắn nót trên đó.
Thông thường ông đi đặt bẫy chỉ cách nhà khoảng 3km trở lại. Ông buộc đống bẫy vào phía sau xe và vác trên vai bộ sào đã được buộc cẩn thận khi đạp xe trên đường. Dừa ở Bến Tre được trồng từ 20 đến 30 năm cho nên cây thấp cũng cao 5m, cây cao có thể đến 11m, thậm chí 16m. Lần lượt từng chiếc bẫy được ông Tư móc vào sào và đưa lên nhẹ nhàng rồi cài cẩn thận trên các cây dừa. Mỗi khi đặt xong một chiếc bẫy, ông lại lấy chiếc bút dạ đỏ vạch một dấu vào cây để đánh dấu cây mình đã đặt bẫy. Khi được hỏi với một cây dừa cao như vậy không trèo lên, sao ông biết có chuột để đặt bẫy, ông Tư cười móm mém: Trái dừa sau khi bị chuột cắn sẽ rụng xuống đất, theo thói quen hôm sau chuột sẽ leo sang cây kế tiếp để phá, tôi sẽ đặt bẫy ở cây đó để đón lõng chúng luôn.
Cứ như vậy sau gần một giờ, chúng tôi sang vườn dừa thứ hai. Trước khi đặt, ông Tư lại lấy cây bút dạ ghi cẩn thận thông tin vào chiếc áo mình đang mặc. Ông giải thích rằng, ghi như vậy để nhớ mình đang đặt bao nhiêu bẫy và ở vườn nhà nào. Ðó cũng là lý do vì sao trên áo ông đang mặc chi chít dòng chữ.
Chuẩn bị đặt bẫy chuột.
Chuẩn bị đặt bẫy chuột.
Thoáng cái đã gần 17 giờ, chúng tôi lại cùng ông đi bộ về nhà sau khi đã đặt hết hơn 40 chiếc bẫy. Ông kể, sau khi thấy ông bắt và diệt được rất nhiều chuột, nhiều người hàng xóm đã sang nhờ ông bắt chuột giùm ở vườn nhà của họ. Biết ông không có tiền để mua bẫy, giá mỗi chiếc bẫy chừng 15 nghìn đồng, họ đầu tư bẫy cho ông; có gia đình sẵn sàng trả ông từ 5 đến 10 nghìn đồng/con chuột khi bắt được. Ngoài ra, ông được toàn quyền sử dụng sản phẩm mà mình đã thu sau khi đặt bẫy. Ai cũng mong ông giúp thật nhanh, để chuột không còn phá hoại các gốc dừa sắp đến ngày thu hoạch của họ.
Chuột khi bắt được sẽ được ông Tư nhốt vào lồng chung và đợi có khách, nhà hàng đặt mua thì bán. Ngày trước, ông bán mỗi con chuột giá năm nghìn đồng, bây giờ ông cũng chỉ bán 10 nghìn đồng/ con. Mỗi ki-lô-gam khoảng bảy con chuột có giá 80 nghìn đồng. Trung bình mỗi bẫy thu về một con chuột nhưng cũng có khi lại được hai đến ba con. Mỗi ngày, sau khi thu bẫy, ít thì ông bắt bảy con, nhiều là hơn 20 con. Ông Tư cho biết, dù chỉ là công việc bắt chuột nhưng ông luôn giữ chữ tín với khách. Thông thường khách sẽ đặt mua và liên hệ với ông trước, sau đó ông mới đi bắt chuột về để giao. Nếu hôm nào thu gom chưa đủ, ông lại đi đặt bẫy tiếp đến khi đủ số lượng mới thôi.
"Ðặc sản" xứ Dừa
Công việc săn chuột dừa đem lại cho ông Tư khoảng hai triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên với ông, thế là đủ cho nhu cầu chi tiêu hằng ngày. Ông cười móm mém: Ðầu năm 2019, tôi cũng có đau ốm, con cái chỉ mong bố nghỉ ngơi vì công việc vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Tôi nghỉ, nhưng chỉ được một tuần lại thấy bứt rứt chân tay. Dường như công việc này khiến tôi khỏe khoắn hơn, chưa kể việc đạp xe mỗi ngày cũng là cách tập thể dục.
Ông Tư kể lại một kỷ niệm đặc biệt khiến ngón tay cái bên trái của ông bị thiếu một đốt. Chuột dừa không giống chuột đồng. Chúng có bộ răng rất sắc, nhọn. Trong một lần bắt chuột ra khỏi lồng, ông bị chúng cắn. Nghĩ là bình thường nhưng vài ngày sau, ngón tay sưng to và tê buốt. Lúc đó ông mới đi bệnh viện khám thì đã quá muộn. Vết cắn bị nhiễm trùng, ăn sâu vào khớp chính, vì vậy ông phải tháo mất một đốt ngón tay mới chữa lành được vết thương. Kể từ đó, ông trang bị thêm cho mình đôi găng tay dày để tránh bị chuột cắn.
Cùng với đuông dừa, chuột dừa là hai mối nguy hại lớn nhất cho người trồng dừa ở Bến Tre, bất chấp việc dừa là loài cây có sức sống mạnh mẽ, có thể tồn tại trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Vào mùa sinh sản, con đuông thường chọn những cây dừa to khỏe để khoét ngọn vào sinh trứng. Trứng nở ra ấu trùng, sau đó phát triển và tàn phá dừa để sinh tồn. Ðến khi cây dừa héo úa, đọt thối cũng là lúc đuông rất nhiều, đến mức áp tai vào thân dừa sẽ nghe tiếng rầm rì ở trong. Bổ thân dừa ra, mỗi con nằm một lỗ. Một cây dừa to khỏe có 50 đến 100 con đuông. Người dân chọn đúng thời điểm để chặt dừa và bắt những con đuông mập ú, béo tròn. Mỗi con đuông to bằng ngón tay cái có thể chế biến thành món ăn.
Còn chuột dừa thường tìm đến các bẹ dừa để làm tổ, suốt ngày gặm nhấm dừa để sống. Cơm dừa là món khoái khẩu của chúng. Trái dừa non hay già đều bị chuột "thử răng", đục lỗ. Những trái dừa sau khi bị chuột tiến công sẽ bị rơi và rụng xuống đất, đấy cũng là dấu hiệu để những người "thợ săn" chuột dừa như ông Tư phát hiện ra ổ chuột.
Khi chế biến, nếu không có kinh nghiệm, thịt chuột sẽ rất tanh, hôi. Chính vì thế, khách đến mua thường ngồi chờ ông bà Tư sơ chế rồi mới mang về chế biến món ăn. Thịt chuột dừa chỉ ngon khi chế biến lúc còn tươi, nếu để tủ lạnh qua ngày, sẽ không ngon nữa.
Giống như đuông dừa, chuột dừa được xem là "đặc sản" độc và lạ bởi không phải lúc nào cũng có sẵn, không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức. Chính vì thế, hầu hết khách du lịch ưa khám phá, mỗi khi đặt chân đến Bến Tre đều háo hức muốn được trải nghiệm những món ăn này, dù chỉ một lần.
Theo HOÀNG TRUNG, TUẤN DŨNG VÀ MẠNH HÀO (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.