Sami Gia Lai làm nông nghiệp sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ việc thí điểm trồng 1.000 m2 dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, đến nay, Công ty TNHH một thành viên Sami Gia Lai đã mở rộng diện tích lên 5.000 m2 với các chủng loại dưa lưới và dưa lê khác nhau.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Sinh học thực nghiệm tại Trường Đại học Tây Nguyên, anh Nguyễn Đình Thanh đã đi làm ở một số công ty nông-lâm nghiệp. Trong thời gian này, anh đã tích lũy được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm, từ đó nuôi ý tưởng làm nông nghiệp sạch ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Năm 2019, trong một lần tham quan vườn dưa lưới của người quen ở miền Nam, thấy được hiệu quả loại cây này, anh Thanh đã quyết định tận dụng quỹ đất sẵn có của gia đình để đầu tư xây dựng nhà màng trồng dưa lưới trên diện tích 1.000 m2 và thành lập Công ty TNHH một thành viên Sami Gia Lai.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Đình Thanh cho biết: Ngay từ lúc bắt đầu triển khai anh đã chọn việc xây dựng nhà màng và ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để trồng giống dưa lưới Nhật Bản. Vụ đầu tiên, dưa đạt năng suất 3 tấn/sào, giá bán thời điểm đó là 50 ngàn đồng/kg. Làm trong nhà màng không bị phụ thuộc vào thời tiết. Tuy nhiên, năng suất cây trồng vẫn có sự thay đổi giữa các mùa.
“Trồng dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật cao, phải nắm chắc kỹ thuật. Giống cây này rất nhạy cảm, có khi mình bón phân không đúng liều lượng thì cây không ra hoa, đậu quả hoặc nếu có thì quả cũng không ngọt. Mỗi cây mình chỉ để lại 1 quả, nếu quả đó có vấn đề thì coi như hỏng, thất thu liền”-anh Thanh chia sẻ.
Anh Nguyễn Đình Thanh đã mở rộng vườn dưa ứng dụng công nghệ cao lên 5.000 m2 với các loại dưa lưới, dưa lê
Anh Nguyễn Đình Thanh đã mở rộng vườn dưa ứng dụng công nghệ cao lên 5.000 m2 với các loại dưa lưới, dưa lê. Ảnh: Vũ Thảo
Dưa lưới sau 65-70 ngày xuống giống sẽ cho thu hoạch. Tuy thời gian ngắn nhưng công việc lại liên tục và đòi hỏi kỹ thuật cao. Anh Thanh cho hay, khi cây bắt đầu leo thì phải quấn vào dây, cây cao tới một mức quy định thì ngắt ngọn. Đến giai đoạn thụ phấn đậu trái phải cắt tỉa bớt trái non, chỉ để lại 1 trái trên 1 dây. Khi cắt xong cần kiểm tra sâu bệnh, dinh dưỡng. Nhờ sử dụng phân bón vi sinh cùng thuốc thảo mộc để phòng trừ dịch hại cho cây nên chất lượng quả đạt tốt hơn.
Từ thành công với 1.000 m2 dưa lưới giống Nhật Bản, anh Thanh tiếp tục trồng thêm các giống dưa khác. Hiện Sami Farm có nhiều chủng loại khác nhau trên diện tích 5.000 m2 như: dưa lưới Nhật Bản loại lưới thưa và lưới nhuyễn; dưa lê Hàn Quốc; dưa Hoàng Kim; dưa Bạch Kim… Đồng thời, anh dự định tiếp tục mở rộng thêm 2.000 m2 để trồng thử nghiệm các giống dưa lê. 
Dưa là nhóm cây trồng tiềm năng, cho giá trị kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (tổ 12, thị trấn Chư Sê) cho hay: “Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm dưa lưới, dưa lê. Tuy nhiên, khi dùng quả dưa của Sami Farm thì tôi đánh giá có sự khác biệt rất rõ về chất lượng. Quả dưa tuy nhỏ nhưng ăn rất ngon, ngọt và đặc biệt là có mùi thơm đọng lại khi ăn xong”.
Giống dưa bạch kim được anh Nguyễn Đình Thanh thử nghiệm thành công và nhân rộng. Ảnh: Vũ Thảo
Giống dưa bạch kim được anh Nguyễn Đình Thanh thử nghiệm thành công và nhân rộng. Ảnh: Vũ Thảo
Hiện nay, đầu ra của Sami Farm chủ yếu là ở các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Theo chia sẻ của anh Thanh, mặc dù thị trường rộng nhưng vấn đề đầu ra đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhiều tỉnh cắt giảm lượng hàng, giá cả giảm thấp. Nếu mình trồng dưa chất lượng cao thì giá cũng có ảnh hưởng nhưng ít hơn trồng theo kiểu đại trà, chạy đua về năng suất.
Công ty chú trọng tạo ra sản phẩm đạt chất lượng về độ ngon, giòn, ngọt, chứ không tập trung vào trọng lượng để đạt được năng suất cao. Qua thực tế trồng cho thấy, bình quân 1.000 m2 sẽ thu được 2,5-3 tấn quả mỗi vụ. Với giá bán trung bình 20-25 ngàn đồng/kg, vườn dưa này đã mang về một khoản lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
Về hướng phát triển sắp tới, anh Thanh cho biết sẽ chuẩn bị các điều kiện để đăng ký chứng nhận VietGAP giúp sản phẩm có thể đi vào các siêu thị lớn. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang liên kết với 3 vườn dưa ở Đak Lak để bao tiêu sản phẩm; đồng thời, chuẩn bị chuyển giao kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 20 vườn dưa khác ở Bình Dương với diện tích 5 ha.
Đánh giá về mô hình trồng dưa trong nhà màng, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Qua thử nghiệm cho thấy loại cây trồng này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, năng suất đạt khoảng 3 tấn/sào/vụ, chất lượng quả được người tiêu dùng đánh giá cao. Một năm có thể sản xuất quay vòng 3 vụ dưa, tổng sản lượng đạt khoảng 9 tấn/sào/năm. Bước đầu, mô hình này đã đem lại hiệu quả rất cao so với một số loại cây trồng khác.
“Huyện khuyến khích các hộ dân và doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, về lâu dài cũng động viên các hộ liên kết với nhau để hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này”-ông Hợp thông tin thêm.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.