Sâm Việt giữa muôn vàn khó khăn: Học người Hàn để phát triển sâm Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàn Quốc không chính thức hoặc không quen gọi nhân sâm là 'quốc bảo' như sâm VN. Nhưng cách 'ứng xử' với loài thảo dược quý này của họ đáng để ta suy nghĩ để phát triển sâm Việt.

Nhân sâm Hàn Quốc có lịch sử 500 năm. Trong 500 năm ấy, Hàn Quốc đã xây dựng thành một "đế chế" nhân sâm để báu vật này vang danh khắp thế giới, mang về hàng tỉ USD mỗi năm. Các nhà nghiên cứu nhân sâm người Hàn và những người rất am hiểu về nhân sâm người Việt đã chia sẻ với chúng tôi một số điều cốt lõi nhất để nhân sâm tạo nên kỳ tích, từ đó vận dụng để phát triển sâm Việt.

NGHIÊN CỨU CHUYÊN SÂU VỀ NHÂN SÂM

GS-TS Park Jeong-hill (Đại học Quốc gia Seoul, nguyên Chủ tịch Hội nhân sâm Hàn Quốc) chia sẻ, sự thành công của nhân sâm là nhờ kinh nghiệm trồng nhân sâm được đúc kết trong 500 năm qua, cùng với việc không ngừng nghiên cứu các phương pháp trồng trọt khoa học. "Phương pháp trồng trọt chính là tiêu chuẩn để có thể trồng nhân sâm quy mô lớn. Đây là yếu tố quan trọng để sản xuất hàng loạt", GS Park nói.

Chương trình phát triển sâm VN luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, nhưng để biến sâm VN thành hàng hóa thật sự còn nhiều việc phải làm. Ảnh: MINH HUY

Chương trình phát triển sâm VN luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, nhưng để biến sâm VN thành hàng hóa thật sự còn nhiều việc phải làm. Ảnh: MINH HUY

Vẫn duy trì các mô hình trồng sâm bán hoang dã, nhưng để đạt sản lượng hằng năm hàng chục ngàn tấn, Hàn Quốc trồng sâm theo mô hình công nghiệp, không lệ thuộc vào rừng. Trong khi đó, hầu hết người VN đang "bám" rừng để trồng sâm, nên quy mô và sản lượng không thể lớn. "Hàn Quốc mỗi năm cung cấp khoảng 23.000 tấn nhân sâm với giá thành dao động khoảng 30 USD - 150 USD/kg (tùy loại). Trong khi sâm VN mỗi năm có khoảng vài tấn, giá bán khoảng 3.000 - 4.000 USD/kg. Sản lượng sâm VN quá thấp, giá quá cao thì khó trở thành hàng hóa thật sự", ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CVI Pharma, trăn trở.

Miệt mài nghiên cứu về dược tính chính là tạo những "tín chỉ" về giá trị của nhân sâm. Hàn Quốc có tạp chí khoa học riêng nghiên cứu sâm từ năm 1976 (Journal of Ginseng Research). Qua đó, mọi người trên thế giới có thể tiếp cận các báo cáo, nghiên cứu khoa học mới nhất về sâm Hàn. Nhưng tầm vóc lớn hơn là Viện Nghiên cứu quốc gia (RDA). Viện này chịu trách nhiệm chính về sự phát triển đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện năng suất và chất lượng, cải tiến quy trình nhân giống, trong đó có trách nhiệm chứng minh giá trị dược học của nhân sâm.

GS Park cho biết thế giới có hơn 15.000 bài báo khoa học về nhân sâm, nhưng chỉ có chưa tới 100 nghiên cứu về sâm Việt. "Nếu không có nghiên cứu khoa học, sâm Việt sẽ không thể trở thành một sản phẩm hàng đầu thế giới. Người ta chỉ dùng sâm Việt khi có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích sức khỏe", GS Park nói. Đồng quan điểm này, một tiến sĩ dày công nghiên cứu về sâm VN nhìn nhận: "Cho rằng sâm VN tốt hơn các loại sâm trên thế giới thì phải thuyết phục bằng nhiều nghiên cứu khoa học, chứ không chỉ với quá ít như hiện nay".

GS-TS Park Jeong-hill (phải) đến VN phối hợp với một số nhà khoa học nước ta trồng sâm VN. Ảnh: QUANG VIÊN

GS-TS Park Jeong-hill (phải) đến VN phối hợp với một số nhà khoa học nước ta trồng sâm VN. Ảnh: QUANG VIÊN

BÀI HỌC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NHÂN SÂM

Hiện sâm Hàn Quốc xuất khẩu sang hơn 90 nước, chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu. Bên cạnh đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu chính là "tuyệt chiêu" để sâm Hàn chiếm lĩnh thị trường. "Việc xây dựng thương hiệu sâm Hàn Quốc được Chính phủ và các hiệp hội, doanh nghiệp… quan tâm, triển khai bài bản, có hệ thống", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định.

Tạo lập thương hiệu "Sâm Chính phủ" mang tên Cheong Kwan Jang (CKJ) là nước cờ đầy khôn ngoan của người Hàn. Đầu những năm 1940, nhân sâm giả và kém chất lượng tràn lan khắp Hàn Quốc, ảnh hưởng uy tín ngành nhân sâm. Vì thế, Cục Độc quyền của chính quyền lúc ấy đã thành lập nhãn hiệu CKJ và cho đóng dấu trên bao bì sản phẩm sâm xuất khẩu nhằm phân biệt với hàng giả, kém chất lượng. "Việc này được xem như lời tuyên bố CKJ là sâm chính hiệu của đất nước Hàn Quốc, được nhà nước bảo hộ chất lượng và uy tín", một chuyên gia nghiên cứu sâm Hàn nói.

Từ trái sang: Ông Phan Văn Hiệu, GS-TS Park, TS Lê Thị Hồng Vân tại một hội chợ nhân sâm ở Hàn Quốc. Ảnh: PHAN VĂN HIỆU

Từ trái sang: Ông Phan Văn Hiệu, GS-TS Park, TS Lê Thị Hồng Vân tại một hội chợ nhân sâm ở Hàn Quốc. Ảnh: PHAN VĂN HIỆU

Kết hợp với các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, LG gắn trên sản phẩm nhân sâm là một "tuyệt chiêu" chinh phục người tiêu dùng khắp thế giới. "Đó là con đường ngắn nhất đưa sản phẩm sâm Hàn ra thị trường quốc tế. Hình ảnh quốc kỳ Hàn Quốc cũng thường được sử dụng trên một số sản phẩm nhân sâm như bày tỏ niềm tự hào, khẳng định một loại nhân sâm tốt", Bộ trưởng Lê Minh Hoan lý giải.

Chương trình phát triển sâm VN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Chính phủ ban hành, được giao Bộ NN-PTNT chủ trì. Chúng tôi đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về định hướng xây dựng thương hiệu cho sâm VN, ông cho biết: "Trên cơ sở kinh nghiệm của Hàn Quốc để xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, đưa sâm VN thành sản phẩm thương hiệu quốc gia, định hướng phát triển thành thương hiệu quốc tế, phấn đấu đưa VN trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới từ năm 2030 theo hướng phát triển của "Sâm Chính phủ" Hàn Quốc".

Công ty sâm Ngọc Linh Kon Tum thiết kế mô hình vườn sâm Ngọc Linh dưới tán lá rừng để quảng bá với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: CÔNG TY SÂM NGỌC LINH KON TUM

Công ty sâm Ngọc Linh Kon Tum thiết kế mô hình vườn sâm Ngọc Linh dưới tán lá rừng để quảng bá với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: CÔNG TY SÂM NGỌC LINH KON TUM

Một cửa hàng bày bán sản phẩm nhân sâm tại Hàn Quốc. Ảnh Bộ NN-PTNT

Một cửa hàng bày bán sản phẩm nhân sâm tại Hàn Quốc. Ảnh Bộ NN-PTNT

Định hướng mà "tổng tư lệnh" ngành nông nghiệp chia sẻ có những nội dung rất cụ thể, mà theo chúng tôi, Bộ NN-PTNT "biết học" người Hàn, kết hợp với tầm nhìn dựa vào thực tế phát triển sâm VN. Theo đó, sẽ xây dựng nhãn hiệu sâm VN, trong đó có chứa hình ảnh quốc kỳ VN, triết lý thương hiệu và các yếu tố cấu thành nên thương hiệu trong cạnh tranh. Nhãn hiệu được đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền và đăng ký bản quyền nhãn hiệu ở nước ngoài để được cấp bản quyền cho sâm VN trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là xây dựng thống quản lý, quy chế nhãn hiệu cho sâm VN…

Đăng ký và triển khai chứng nhận và giám định quốc tế về an toàn, chất lượng và phân loại sâm VN; truyền thông, quảng bá và phát triển sản phẩm sâm VN trong nước và thế giới, sử dụng hình ảnh của các thương hiệu nổi tiếng của VN. Ngoài ra, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm sâm VN trong nước và quốc tế, gắn hoạt động quảng bá vào các sự kiện lớn của quốc tế, các hoạt động ngành du lịch…

Khuyến khích các tập đoàn lớn như Vingroup, FPT, Viettel, Vietnam Airlines, Vietravel… thành lập các công ty để hợp tác với các doanh nghiệp sâm trong nước trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu sâm VN gắn với các tập đoàn đó. Về nghiên cứu, nhà nước hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu khoa học, công bố trên các tạp chí khoa học danh tiếng. Đồng thời, đầu tư mới hoặc nâng cấp các cơ sở nghiên cứu được giao nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu về sâm VN đạt trình độ khu vực và quốc tế; tăng cường và nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thương mại sản phẩm từ sâm VN đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Chương trình phát triển sâm VN đã được Chính phủ ban hành, định hướng phát triển sâm VN cũng được Bộ NN-PTNT đưa ra. Nhưng ai cũng biết, "mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi". Cây sâm quý của VN phải "xanh tươi", ai cũng có thể dùng được và đem về hiệu quả kinh tế lớn, đó mới là điều cần nhất... (còn tiếp)

Hàn Quốc có đạo luật về ngành công nghiệp nhân sâm. Đạo luật này nhằm bảo vệ và nuôi trồng nhân sâm như một sản phẩm nông nghiệp đặc biệt. Nó đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp nhân sâm, thông qua việc quy định các vấn đề cần thiết liên quan đến trồng trọt, sản xuất, kiểm tra … nhân sâm và các loại cây thuộc nhóm này.

Theo QUANG VIÊN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.