Nhớ hồi tháng 8 vừa rồi ông bạn nhà giáo nho nhã Đoàn Lê Giang đánh xe rủ cả đám xuống tuốt quận 12 vùng ven Sài Gòn chơi với nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, ngồi cùng nhau đủ điều xưa nay, cuối cùng lại quay về chuyện ngôn ngữ.
Cao lão (như chúng tôi thường gọi chủ nhà) giở cho coi một xấp văn tự cổ và chắc nịch: Mỗi dân tộc, nhất là nền văn hóa của dân tộc ấy, bền vững nhất vẫn là ngôn ngữ. Có những thời đã qua từ cả ngàn năm trước nhưng ngôn ngữ thời ấy mang bóng dáng lịch sử vẫn còn lưu lại truyền tới bao đời sau. Lịch sử ngôn ngữ chứa đựng cả lịch sử dân tộc.
Tôi sực nhớ chuyện ấy bởi vừa kiếm được cuốn sách nghề nghiệp, bảo rằng sách quý thì chẳng dám, nhưng thật cần thiết cho công việc hằng ngày của người làm báo. Một tài liệu tham khảo rất hữu ích cho những ai quan tâm đến ngôn ngữ, đặc biệt là sinh viên khoa báo chí - những nhà báo tương lai, và các phóng viên, biên tập viên đang hành nghề tại cơ quan báo chí, truyền thông. Ấy là tôi đang nhắc tới cuốn Ngôn ngữ báo chí và biên tập báo của tác giả, tiến sĩ ngôn ngữ Hồ Xuân Mai.
Từ thực tế giảng dạy báo chí và trực tiếp làm báo nhiều năm của mình, TS. Hồ Xuân Mai đã cặm cụi chưng cất kho kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn một cách khá công phu, khoa học và truyền thụ dễ hiểu về nghề. Vẫn biết đụng đến ngôn ngữ là rắc rối, phức tạp nhiêu khê, lắm tranh luận, thậm chí gay gắt “ai thắng ai” nhưng bằng sự bình tĩnh, cẩn trọng, tự tin, tác giả kiến giải, phân tích từng vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực ngôn ngữ báo chí, công việc bếp núc tỉ mỉ của người biên tập báo một cách rất thuyết phục. Ngôn ngữ báo chí có những đặc trưng riêng của nó, người làm nghề bắt buộc phải thông thạo. Chỉ ra những lỗi, những sai lầm của người viết (có khi chỉ bất chợt, có khi mang tính hệ thống), vạch ra nguyên nhân, biện pháp sửa chữa, phòng trừ, giúp các phóng viên, nhất là phóng viên trẻ mới vào nghề, giúp các biên tập viên hành nghề cho chỉn chu, vững vàng, tự tin, đó là mục đích và cũng là thành công của cuốn sách.
Theo Thanhnien