(GLO)- Đó là bộc bạch của những học sinh Gia Lai vừa đạt giải tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc 2021. Từ những “đại sứ” này, tình yêu với sách tiếp tục lan tỏa theo nhiều cách khác nhau, truyền cảm hứng đến đông đảo thanh-thiếu niên trong tỉnh.
1. Được tin mình đạt giải khuyến khích cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc, em Bùi Nguyên Hạ-học sinh lớp 6 Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) vô cùng vui mừng. Với cô học trò mê sách, đây là nguồn động viên rất lớn. Thời điểm tham gia cuộc thi, em còn là học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng. Thương quý bạn nhỏ ngày nào cũng cắm cúi đọc sách trong thư viện, các thầy-cô giáo động viên và hỗ trợ nhiệt tình. Ở lứa tuổi của Hạ, thể loại văn tưởng tượng có sức hút rất lớn. Vì vậy, em đã tham gia thi ở nội dung “Câu chuyện viết tiếp hay nhất”. Chọn câu chuyện “Sự tích quả dưa hấu”, Hạ cho biết, thay vì kết truyện lúc Mai An Tiêm được trở về đất liền, em đã viết thêm nhiều chi tiết lý thú. Đó là sau khi trở về làng, Mai An Tiêm và vợ được vua ban thưởng, thết đãi 1 bữa tiệc hoành tráng. Vua còn nhờ Mai An Tiêm giúp người dân làm ăn giàu có. Với kinh nghiệm sẵn có trên đảo, Mai An Tiêm đã phổ biến cho người dân cách trồng dưa hấu, cách để dưa ra nhiều quả, mang lại thu nhập cao hơn. Từ đó, nhiều nơi học hỏi làm theo và cùng phát triển.
Câu chuyện rất hấp dẫn và có hậu ấy của Hạ đã thuyết phục Ban giám khảo bởi trí tưởng tượng phong phú, không giới hạn ở lứa tuổi tiểu học. Cô học trò nhỏ tự tin chia sẻ: “Sách cho em nhiều kiến thức mới, nhiều câu chuyện hay, sâu sắc. Năm tới, em sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi này”.
2. Ngoài Hạ,Gia Lai còn có 2 “đại sứ” khác đều là học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương và cùng đạt giải khuyến khích cấp quốc gia. Đó là em Hà Thúy My-học sinh lớp 11C1 và Hà Thị Hải Yến-lớp 12C1. Cũng với trí tưởng tượng kỳ thú, em Hà Thúy My đã được trao giải ở nội dung “Câu chuyện sáng tác khuyến đọc hay nhất” với tác phẩm “Trốn hay tìm”, có kèm tranh minh họa của chính tác giả. Đây là câu chuyện do My sáng tác, nhân vật chính là một cậu bé nghiện game, lười biếng, không biết cảm thông và chia sẻ. Lần nọ, trở về nhà trong cơn mưa sau những giờ “cày” game, cậu ngất đi. Khi tỉnh lại, cậu thấy mình đang ở một thế giới lạ lẫm, nơi những kẻ vô học bị săn đuổi và giam cầm vĩnh viễn. Trong cuộc trốn chạy nghẹt thở, cậu đã được một ông lão chỉ cho cách thoát thân duy nhất, đó là đồng hành cùng những cuốn sách. “Chúng sẽ là người bạn chân thành nhất của cậu. Chúng sẽ không bán đứng cậu mà giúp cậu nhìn thấy chính bản thân mình và thế giới này”-ông lão cho lời khuyên. Làm theo lời khuyên, cậu bé nhận ra: “Tuy chỉ là những con chữ thẳng đơ nhưng ẩn sâu bên trong là cả một tâm hồn, một trái tim, một người bạn truyền cảm hứng. Đang bị giam trong một căn phòng nhưng sách lại mở ra cho cháu vô vàn căn phòng mới với vô vàn hướng đi. Cháu thật sự thất vọng về bản thân mình, về những gì mình làm trước đây… Bây giờ, cháu đã hiểu, cháu đã hiểu rồi ông ạ. Đúng! Sách có tâm hồn, sách trò chuyện cùng cháu, mang cháu đến những chân trời mới lạ thú vị hơn”.
|
Em Bùi Nguyên Hạ đạt giải khuyến khích cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc 2021. Ảnh: Lam Nguyên |
Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh:“Ngoài 3 cá nhân, Gia Lai còn có 2 tập thể được trao giải tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc 2021. Theo đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch được chứng nhận là đơn vị tổ chức tốt vòng sơ khảo cuộc thi và Trường THPT Pleiku là đơn vị có thí sinh tham gia nhiều nhất. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Thư viện tỉnh không tổ chức trao giải mà gửi bằng chứng nhận và tiền thưởng của Ban tổ chức về cho các đơn vị, cá nhân đạt giải”. |
Cuối câu chuyện, My còn để cho nhân vật nhận ra và gửi gắm những thông điệp hữu ích về sách: “Đọc sách không phải là con đường duy nhất để tiếp cận tri thức, nhưng đó là con đường tốt nhất mà bạn có thể tìm thấy tri thức. Khi ta nhắm mắt lại và nghe được tiếng nói của sách thì đó chính là con đường lưu thông giữa quá khứ-hiện tại-tương lai. Cảm ơn bạn, giờ tôi đã có đủ dũng khí bước ra khỏi cánh cửa này rồi. Đối với tôi mà nói, đây chính là cánh cửa chào đón, một cánh cửa tôi cầm chắc chiếc chìa khóa trong tay và có thể mở ra bất cứ khi nào bản thân sẵn sàng. Tôi nhất định sẽ chọn bạn làm người đồng hành trong suốt cuộc đời tôi… Tôi mong rằng các bạn hãy tìm một cuốn sách khiến tâm hồn mình tĩnh lại sau những ngày học tập hay làm việc vất vả thay cho những thứ xô bồ, hối hả trên mạng xã hội”.
Mê đọc sách từ nhỏ, My nhận thấy sách có tầm ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có thể thay đổi một con người. “Có người bạn kể với em rằng, sau khi đọc xong cuốn sách “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” của tác giả Andrew Matthews, bạn thấy mình cần sống khác đi. Từ chỗ lười biếng, bạn đã có động lực để học tốt hơn”-My trò chuyện. Và đây chính là “nguyên mẫu” trong câu chuyện lý thú vừa đạt giải của em.
3. Trong khi đó, em Hà Thị Hải Yến lại già dặn hơn khi chọn tác phẩm “Rừng Na Uy” của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki để viết cảm nhận. Đây được xem là tác phẩm không hề dễ đọc, dễ cảm với những nhân vật có phần nổi loạn, khác với hình dung êm đềm về văn chương của xứ sở Hoa anh đào.
Nói về lý do chọn tác phẩm này, cô học trò chuyên Văn cho biết: “Ban đầu, chỉ là em thấy minh họa trên bìa khá thú vị nên đọc thử. Càng đọc, em càng bị hấp dẫn bởi cách sử dụng ngôn ngữ trong sách, rồi sau đó bị cuốn vào lúc nào không hay. Cuốn sách lay động trái tim em. Em đọc lại một lần nữa và thấy rất ấn tượng. Mỗi lần đọc thì lại nhận ra cái mới, hiểu thêm về tính cách của nhân vật. Khi nhà trường phát động tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, em nghĩ tác phẩm mình thể hiện cảm nhận không thể là cuốn nào khác ngoài Rừng Na Uy”. Yến chia sẻ thêm: “Em đồng tình với cách xử lý cảm xúc của nhân vật. Khi đối mặt với mất mát, sau tất cả, ta nhận ra những quy luật tất yếu cũng như giá trị thật sự của cuộc sống để từ đó tiếp tục vươn lên”.
Cũng là “mọt sách” từ nhỏ, Yến đúc rút: “Sách là người bạn lớn. Từ xưa đến nay, chưa có phương tiện nào truyền tải kiến thức tốt hơn sách. Nhờ vậy mà con người ngày càng văn minh, phát triển. Em sẽ tiếp tục chọn sách làm bạn đồng hành”.
LAM NGUYÊN