Ngay trong mục lục đính chính bộ sách giáo khoa, dư luận ngay lập tức đã lại thấy lỗi, thấy sạn. Đến đính chính cũng sai, cũng cần phải đính chính thì đúng là không thể kiên nhẫn được nữa.
Mục lục đính chính SGK sai ngay, với lỗi ngữ nghĩa cơ bản khi không phân biệt số trang và trang số. |
Đã có vô số lỗi, sạn về từ ngữ đã phải thay thế. Đã có vô số những bài đọc chưa phù hợp phải thay thế.
Nhưng đó hoàn toàn không phải là một kỷ lục kiểu “lỗi đánh máy”.
Trên TTO, một cô giáo nhìn nhận lấy ví dụ về cách sửa lỗi kiểu không chịu sửa bằng bài số 25 SGK Tiếng Việt 1 từng gây vô số bức xúc như sau:
Nguyên văn Bài tập đọc: "Nhà sẻ có sẻ bé. Sẻ ca "ri...ri...". Phía xa là nhà quạ. Quạ la "quà...quà...". Sẻ bé sợ quá. Sẻ bố dỗ: Sẻ ca ri ri. Quạ la quà quà. Bé sợ gì!".
Trong tiết dạy bài số 25, cô giáo thậm chí bắt tay lên miệng, giả động tác con chim và kêu “ri ri”, nhưng “cả lớp vẫn ngớ người ra”.
Sự bức xúc trong bài đọc này là những câu chữ trúc trắc, khó hiểu, xa lạ với những đứa trẻ 6 tuổi. Thậm chí, đánh đố cả cha mẹ học sinh nữa.
Nhưng rồi, trong phần chỉnh sửa, nhà xuất bản (NXB) chỉ sửa từ “quà...quà” thành “quạ...quạ”.
Sửa “quà... quà” thành “quạ... quạ”, hai từ khác biệt hoàn toàn về ngữ nghĩa, cho thấy cái lỗi của bộ sách không phải kiểu lỗi đánh máy.
Bởi một bài học đầu đời, cho những đứa trẻ 6 tuổi- không thể thay thế những từ khác hẳn ngữ nghĩa mà vẫn được coi là đúng, là xong được.
Cô giáo đã nói đúng: NXB chỉ làm (sửa) cho có, chỉ để đối phó với dư luận đang vô cùng bức xúc về nội dung cuốn sách mà thôi
Bây giờ, hãy để í hai chữ số trang ở cột 3 và 5 trên mục lục (ảnh bìa). Nếu ở cột 5, nó được hiểu là số (lượng) trang được sửa và cột 3 thể hiện số (thứ tự) trang thì với 1 từ chung “số trang”, NXB đã phạm lỗi ngữ nghĩa cơ bản nhất, phạm ngay trong mục lục đính chính, phạm, đến mức không thể chấp nhận được.
Một nhà văn nhìn nhận: Đến ngay cả “số trang” và “trang số” còn không biết thì đủ hiểu trình độ và ý thức của hội đồng soạn sách kém ở mức khó tin.
Và “Ôi thiu không chỉ ở phần nội dung mà còn ngay ở mục lục”
Một cái đính chính vội vội vàng vàng, ngoan cố, cho có…và sai bét ngay cả lỗi ngữ nghĩa sơ đẳng nhất…cho thấy ngay cả sự cẩn trọng cần thiết trong một bản chỉnh sửa cũng không có.
Ngoan thì có quà. Nhưng sửa sai mà cứ “quạ” như thế thì những người làm sách làm sao có được sự cảm thông và chấp nhận từ dư luận cho được.
Huống chi, dẫu là sửa thì “rác”, thì lỗi, thì sạn vẫn chình ình ra đó, ngay trong sách, ai đảm bảo những đứa bé 6 tuổi sẽ không "lệch chuẩn" sau khi đọc những bài méo mồm này.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/sach-canh-dieu-phai-dinh-chinh-ca-dinh-chinh-855046.ldo
Theo Anh Đào (LĐO)