Rượu cần nghiêng ngả đêm rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Già làng Krajăn Plin dưới chân núi Langbian (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đọc lời cầu khấn: “Bo krong… Chau go! Cau lec mur… lec mac… hat mong, dhau yo, chau joh…!”- “Hỡi thần linh! Đến uống đi! Đến uống nào…”. Dứt lời khấn của già làng, tiếng chiêng nổi lên. Nào là tiếng chiêng mừng khách quý, tiếng chiêng proh gọi bầy…; nào là tiếng chiêng mừng ngày hội mùa, tiếng chiêng drênh gọi mưa… Đêm càng vào sâu, tiếng chiêng dưới chân núi Langbian càng thổn thức, ngân rung…
Nghe tin chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi là bà con dân tộc thiểu số dưới chân núi Langbian sẽ đón nhận bằng công nhận “Nhãn hiệu tập thể cồng chiêng Langbian” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp, tôi vác xe máy chạy một mạch xuống nhà Krajăn Plin- già làng trẻ nhất trong những già làng Tây Nguyên. Nhà già làng Krajăn Plin ở ngay trung tâm thị trấn Lát, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) là một trong những nơi tôi đến khi muốn “tìm về” với cồng chiêng dưới chân núi Langbian hùng vĩ.
Sinh hoạt văn nghệ dân gian của người Cơ ho Lâm Đồng. Ảnh: K.D
Sinh hoạt văn nghệ dân gian của người Cơ ho Lâm Đồng. Ảnh: K.D
“Những người bạn langbian”
Cũng đã gần 20 năm rồi, ngày ấy, tôi gặp Krajăn Plin rất tình cờ, bởi anh là con rể của một già làng mà tôi quen. Thế rồi, chúng tôi kết thân, rồi sau đó trở thành đồng nghiệp của nhau trong một hội văn nghệ. Dạo ấy, Krajăn Plin bảo: “Mình muốn giữ cho buôn làng mình tiếng chiêng của ông bà để lại bằng cách lập một đội chiêng để “chơi” với nhau. Nhiều tháng rồi, tụi mình đi biểu diễn ở buôn trên làng dưới, bà con thích lắm, nhưng cho tới tận giờ, mình không biết “đặt tên” cho cái kiểu hoạt động này là gì hết!”.
Trong chếnh choáng men rừng, tôi “phán” luôn: “Nhóm của ta có tên là “Những người bạn Langbian”! Bài báo sắp đến của tôi cũng có cái tít này (và đúng là như vậy)!”. Krajăn Plin vít cần rượu sang tôi để tỏ lòng “biết ơn”. Và thế là từ đó, tôi gắn kết với “Những người bạn Langbian”, gắn kết với Krajăn Plin- người đến giờ đã trở thành già làng. Và cũng kể từ dạo ấy, tiếng chiêng của “Những người bạn Langbian” ngân rung không chỉ trong phạm vi buôn làng của người Chil, người Lạch, người Cơho… dưới chân núi Langbian mà còn “âm âm” đến tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… và ra cả quốc tế.
Trong mắt tôi, “Những người bạn Langbian” chẳng có gì là… to tát. Họ chỉ là những người con của núi rừng ngày lên nương lên rẫy, đêm về hóa thân vào lời ca, tiếng hát, điệu múa của núi rừng Langbian. Langbian là ngọn núi có độ cao trên 2 ngàn mét so với mặt biển, cách Đà Lạt chừng hơn 15 cây số, là biểu tượng tự ngàn đời nay của các bộ tộc thiểu số Nam Tây Nguyên. Langbian còn có tên khác là “núi Mẹ”. Quả thực, họ chẳng có gì là to tát, nhưng chẳng hiểu sao, những đứa con trai, con gái của núi Mẹ ở xã Lát (nay là thị trấn) ấy hễ cứ sinh ra là đã yêu thích hát ca, yêu thích tiếng chiêng, tiếng cồng.
“Thủ lĩnh” Krajăn Plin bảo rằng: “Tiếng cồng, tiếng chiêng ấy là của ông bà, bố mẹ mình truyền lại, là di sản không thể để nó bị mai một. Và vì vậy, mình tập hợp mấy chục nam nữ thanh niên lại để họ “làm văn nghệ”. Họ là những bà con thân thuộc của mình”. Quả đúng như vậy: Các thành viên trong nhóm “Những người bạn Langbian” chính là vợ con, là bà con thân tộc và hàng xóm của Krajăn Plin. Họ là những chàng trai, cô gái vai trần chân đất ban ngày lên nương rẫy, tối về nhà làm văn nghệ. Họ là những Cill Sra, Dagout Gli, Cill Dalin, Krajăn Pheny, Krajăn Sick, Păngting Pling, Krajăn Doal… Điều đáng nói nữa là ngay từ khi khởi phát, nhóm nhạc “nhà vườn” này đã ý thức được vấn đề văn hóa dân tộc, nhất là âm nhạc dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đặc biệt là dân tộc Lạch-chủ nhân của biểu tượng Langbian tự ngàn đời nay trên cao nguyên Lâm Viên.
Không biết cái tên sở hữu “Nhãn hiệu tập thể cồng chiêng Langbian” có liên quan nhiều đến “Những người bạn Langbian” hay không, nhưng tôi nghĩ họ- những người bạn Langbian ấy- rất xứng đáng: Sau nhóm “Những người bạn Langbian” chiêng cồng, chỉ ở xã Lát của huyện Lạc Dương thôi mà có đến hơn chục nhóm cồng chiêng khác ra đời với mục đích trước tiên là gìn giữ tiếng chiêng cồng của “ông bà mình để lại”; hơn thế, không ít “giọng ca núi rừng” cũng đã cất cánh bay xa như Cill Trinh, Krajan Út… 
Rượu và lửa. Ảnh: K.D
Rượu và lửa. Ảnh: K.D
“Giữ ấm bếp hồng!”
Tôi không nhớ là mình đã bao nhiêu lần đến với “Những người bạn Langbian” ở dưới chân núi Langbian. Chỉ biết là nhiều lắm, rất nhiều. Nhưng lần nào cũng thế, cách “phát lệnh” để bắt đầu một đêm sinh hoạt cồng chiêng của già làng Krajăn Plin cũng thật ấn tượng: “Hãy nổi lửa lên!”. Lúc già làng Krajăn Plin phát lệnh cũng là lúc đêm vừa buông xuống và đỉnh núi Langbian chìm trong sương, núi rừng tĩnh phắc… Thế là lửa rực hồng. Thế là rượu cần tuôn chảy. Rồi nữa, mùi thịt nướng ngậy chân răng. Và dĩ nhiên là phải có cả cồng chiêng. Tiếng cồng trầm ngân rung dội vào đá núi. Tiếng chiêng vút cao bay lên tận đỉnh Langbian. Rượu cần nghiêng ngả đêm rừng. Rồi, Krajăn Plin cất lên tiếng hát: “Dẫu có bão giông thác lũ thét gào/Ta hãy cùng nhau giữ ấm bếp hồng/Dẫu nắng chói chang đốt cháy đôi vai trần/Ta hãy cùng nhau giữ ấm bếp hồng…”.
Đó là lời của ca khúc “Ban tam cah is” (Giữ ấm bếp hồng) do chính già làng Krajăn Plin sáng tác. Đến giờ, “Ban tam cah is” được viết đã những gần chục năm. Dạo đó, khi vừa viết xong, nhân dịp tôi đến, Krajăn Plin “khoe” ngay: “Dĩ nhiên không nói hết những điều muốn nói, nhưng “Giữ ấm bếp hồng” như là một lời hứa, một lời hứa tự tâm can!”. Tôi gật đầu! Cũng “khoe” thêm chút: Tôi và già làng Krajăn Plin cùng sinh hoạt trong chi hội Âm nhạc của Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng nên thường xuyên trao đổi về “nghề” với nhau.
Trong ánh sáng bập bùng của ngọn lửa ngay giữa sân nhà già làng Krajăn Plin, lời bài hát “Ta hãy cùng nhau giữ ấm bếp hồng” trong ca khúc “Ban tam cah is” như tiếng vọng cội nguồn dội lên từ lòng núi mẹ Langbian ngàn đời nay bằng tiếng ching me, ching rđơm, ching dờn, ching thoòng, ching thơ, ching thi… vậy! Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác thuộc nhóm ngữ hệ Môn Khơ Me (như Mạ, Chil, Cơho…), bộ chiêng của người Lạch ở xã Lát (Lạc Dương) cũng bao gồm 6 chiếc, gọi chung là ching droòng. Bộ ching droòng “biên chế” như một gia đình mẫu hệ: Trước tiên, chiêng lớn nhất, là ching me (còn gọi là “vàng”), có nghĩa là chiêng mẹ; tiếp đến là chiêng bố rđơm; rồi thứ tự tiếp theo là các con từ lớn đến nhỏ: Dờn, thoòng, thơ… và cuối cùng là em út “thi”.
Già làng Krajăn Plin bảo với tôi rằng: “Cái lý của bộ ching droòng chính là ở cái “gia đình” ấy đấy! Người dân tộc thiểu số mình khi nâng cái chiêng lên thì là người trong một nhà. Người trong một nhà ấy có một bếp lửa. Và vì vậy mà phải giữ ấm cái bếp hồng ấy! Cái ý tưởng của “Ban tam cah is” cũng chính từ đây mà ra!”.
Bây giờ, khi nói đến cồng chiêng Tây Nguyên, ai ai cũng đều quý trọng. Cách nay chừng 20 năm, chuyện áo cơm còn nặng lắm nhưng có người của buôn làng trọng việc “giữ ấm bếp hồng” như những Krajăn Plin, Krajăn Dick… Lại là người thân tộc với Krajăn Plin nên khi Plin lập nhóm “Những người bạn Langbian”, nhạc sĩ Krajăn Dick đóng vai trò là một cố vấn chuyên môn.
Có lần, Dick tâm tư với tôi về nhóm của Plin: “Lập ra thì dễ, chuyện chuyên môn cũng không phải là quá khó, nhưng làm sao để nó “sống” một cách thực sự bằng chính cái “lửa” của bà con mới là vấn đề!”. Tôi quay sang Krajăn Plin và cũng là nói với Krajăn Dick: “Trước mắt, mình cứ tập luyện và biểu diễn trong phạm vi buôn làng của mình cái đã. Sau đó… tính tiếp. Quan trọng là phải giữ cái hồn của dân tộc mình trong tiếng chiêng!”. Plin không gật, cũng chẳng lắc, mà chỉ im lặng cầm cần rượu tu một hơi dài như muốn uống vào trong một con suối ngọn nguồn để ghi tạc vào tim một lời hứa. Và Krajăn Plin đã thực hiện đúng lời hứa ấy!
Không thể đếm được tôi có bao nhiêu đêm ngồi với già làng Krajăn Plin, với nhạc sĩ người Lạch Krajăn Dick, với những nghệ nhân Păngting Muôk, Cill Jăck… bên bếp lửa hồng dưới chân ngọn núi Langbian trong nghiêng ngả đêm rừng với rượu cần tuôn chảy như suối nguồn. Nhưng có một thứ vô cùng quý giá mà tôi đã đếm được: Bộ chinh droòng chỉ có 6 chiếc, và luôn luôn là “người một nhà” của nhau! Và, “Nhãn hiệu tập thể cồng chiêng Langbian” trong nay mai ít nhất là một bảo chứng cho bộ chinh droòng dưới chân núi Langbian-biểu tượng tự ngàn đời nay của các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên này.
Khắc Dũng

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.