"Rừng gió": Những tiếng vọng khắc khoải

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tập truyện ngắn “Rừng gió” (Nhà xuất bản Văn học) của tác giả Lê Vi Thủy vừa ra mắt bạn đọc vào ngày 15-9-2021. Tập truyện như món quà nhỏ trong mùa dịch khi mà việc ở nhà trong những ngày giãn cách đã khiến nhiều người khôi phục lại thói quen đọc sách.
Đây là tập truyện ngắn thứ hai của Lê Vi Thủy nhưng lại là tập sách thứ tư của nhà thơ trẻ đa tài của mảnh đất Gia Lai. Năm 2012, Lê Vi Thủy đã giới thiệu đến độc giả tập thơ “Mắt vỡ không bóng” và tập truyện ngắn “Bảng lảng sương đêm”. Đến cuối năm 2020, cô tiếp tục ra mắt tập thơ “Ngày hạt mầm tỏa hương” (Nhà xuất bản Hội nhà văn).
Lê Vi Thủy là nhà thơ trẻ có giọng thơ khác lạ của cao nguyên, với những nhịp điệu và thanh âm rời rạc, quẫn bách nhưng lại đầy ắp tự sự và chất chứa khiến người đọc phải suy ngẫm không ngừng. Chính vì vậy, khi đến với truyện ngắn, những quẫn bách, bức bí ấy được tác giả đưa ra trong lăng kính số phận của từng con người cụ thể lại càng khiến độc giả bị cuốn theo. “Rừng gió” với 11 câu chuyện, 11 cuộc sống và chừng ấy mảnh đời đơn lẻ tách bạch của những người phụ nữ có tên, không tên nhưng lại là một tổng thể đầy đặn và sống động đến không ngờ. Cuộc sống lặp đi lặp lại của những người đàn bà trong “Rừng gió” thường nhật, quanh quẩn đến dường như ai cũng đã từng gặp, từng quen hay từng sống qua một khoảnh khắc nào đó. Những con người đó không xa lạ nhưng Lê Vi Thủy đã khiến trình tự của câu chuyện tiếp cận người đọc với nhiều chiều khác nhau của một lăng kính vạn hoa đầy màu sắc chứ không phải là một tuyến đi đơn thuần đã khiến tập truyện mang một màu sắc và hơi thở mới mẻ.
Xuyên suốt “Rừng gió” là số phận của những người phụ nữ. Đó là một nữ họa sĩ Băng ngang ngạnh trong những mối quan hệ nhập nhằng với 2 người đàn ông tưởng chừng như bất cần, tưởng chừng như thỏa hiệp với cuộc sống để có cả tình yêu hư ảo lẫn danh vọng giàu sang cũng có lúc thức tỉnh khi có một mầm sống nhỏ. Cái kết mở của câu chuyện khiến người đọc mong muốn một kết thúc có hậu cho Băng để có thể có một “Bên kia rực rỡ” đón nhận cô vào ngày mới. Những trang sách cứ tiếp tục rộng mở để cho tôi, bà, Hy, cô, chị, rồi Hiên chậm rãi đưa người đọc qua từng chuyện tình đơn phương, thầm lặng, vị tha, giằng xé, hình thành nên những cung bậc tình yêu trầm bổng. Những đau khổ, oán trách, dằn vặt được đẩy đến cao trào, siết chặt cảm xúc đến nghẹt thở vì những gút mắc trong cuộc sống. Tưởng chừng trải qua bao nhiêu sóng gió như vậy thì tình yêu dẫu có nhiều đến mấy cũng sẽ cạn khô như nước mắt, vậy mà khi kết thúc mỗi câu chuyện, những cái kết mở luôn khiến người đọc thấy được sự hồi sinh lấp lánh của yêu thương.
Tập truyện ngắn “Rừng gió”. Ảnh: Kim Sơn
Tập truyện ngắn “Rừng gió”. Ảnh: Kim Sơn
Ngoài những câu chuyện mang sắc màu cuộc sống đời thường thì “Rừng gió” có thêm làn gió mới với 3 câu chuyện mang sắc thái kỳ ảo và có chút hư cấu là Hoa tiên, Trăng đỏ và Tấm liễm của gia tộc. Dường như đây là một thử nghiệm mới của tác giả, cách sắp xếp xen lẫn 3 câu chuyện này vào những câu chuyện đời thường khiến mạch truyện thêm phần thu hút, những bức màn bí ẩn dần dần được vén lên theo kết cấu trúc trắc để lộ dần ra chân tướng của sự thật khiến độc giả bất ngờ, hứng thú như tìm một lời giải đố nhưng lại gặp một kết thúc mở khiến mọi thứ trở nên mơ hồ như chính bản thân câu chuyện mang lại. Không có một điểm dừng chính thức hay một cái kết khẳng định cho từng câu chuyện, từng nhân vật đã làm cho câu chuyện còn kéo dài mãi, để khi khép sách lại độc giả vẫn còn những băn khoăn, vẫn muốn tự tìm riêng cho mỗi câu chuyện một hồi kết, bởi những số phận con người trong “Biển”, trong “Sau cái nhếch mép”, “Người đàn bà hát” sẽ vẽ nên một ám ảnh không ngừng về tình yêu mà bất kỳ cái kết đóng nào cũng không đủ thỏa mãn cho người đọc.  
Có lẽ nghề “gõ đầu trẻ” cũng một phần ảnh hưởng trong lối sáng tác của Lê Vi Thủy. Cô là một giáo viên dạy họa nên việc sử dụng ngôn từ tự nhiên đã khiến màu sắc, không gian và cả hình khối của những câu chuyện biến thiên đa chiều. Mỗi một nỗi buồn, mỗi một thân phận được tác giả tạo nên đều khắc khoải, cuốn hút độc giả theo tiến trình đặc biệt của câu chuyện. Những tình tiết, sự kiện được sắp xếp đan xen khiến câu chuyện có quá nhiều dữ kiện, để đến khi cảm xúc được đẩy lên cao trào thì những mắt xích tưởng chừng rời rạc đó sẽ kết nối lại thành một nỗi xót xa thấu hiểu. Và điều đặc biệt hơn trong tập truyện này chính là hầu hết những hình vẽ minh họa cho mỗi truyện ngắn lại do chính tay tác giả thể hiện. Những hình minh họa được thể hiện đơn giản nhưng lại đồng điệu với nội dung truyện.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét về tập truyện ngắn “Rừng gió”: “Lê Vi Thủy dựng những câu chuyện như cách vẽ ra những bức họa nhiều tầng ngữ nghĩa. Có gì đó ám ảnh, không phải chỉ là những khắc họa hình thù trên mặt đất này, mà còn là hình bóng của thế gian nhiều chiều, đa sắc, âm vọng, ma mị. Đọc văn Thủy có cảm giác tác giả này từng trải trên từng con chữ, rồi lùi ra xa, mặc kệ độc giả với những hình dung bằng sự trải nghiệm của họ. Hãy đọc Thủy, để có thêm một không gian riêng mình”.
KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.