(GLO)- Khi Tây Nguyên chớm những cơn mưa đầu mùa, bà con làng Xung (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) lại khoác gùi lên vai, vào rừng hái măng. Những đọt măng tháng 7 xanh mơn mởn, thấm vị ngọt thanh của mưa rừng.
Khoảng 5 giờ sáng, mặc cho cơn mưa cứ rả rích rơi, phụ nữ trong mỗi nếp nhà đã lục đục dậy nhóm lửa thổi cơm, chuẩn bị dao rựa, liềm sẵn sàng cho một ngày đi rừng. Họ ăn thật nhiều vào bữa sáng đảm bảo cho cái bụng no đến tận lúc đi làm về. “Mùa này, trong rừng lúc nào cũng mưa nên không mở cơm ra ăn được vì sẽ bị ướt. Mọi người chỉ đem theo nước uống thôi, ăn buổi sáng rồi nhịn cho đến khi về nhà ăn bữa tối”-chị Rơ Mah Bôi nói.
Măng sau khi bóc vỏ, được luộc sơ rồi đem đi bán. Ảnh: Phương Linh |
Quãng đường từ nhà vào đến rừng dài khoảng hơn 40 km, trong đó có đoạn đường đất lầy lội, khó đi. Nơi hái măng là khu rừng thuộc làng Goòng (xã Ia Púch, huyện Chư Prông). Những người đi hái măng cho biết, khu rừng này rất rộng nên măng rất nhiều, có bẻ bao nhiêu cũng không hết. Chị Bôi chia sẻ: “Trong các loại măng thì măng ô (lấy từ cây tre lồ ô-P.V)) được nhiều người ưa thích hơn bởi nó mềm và ngọt hơn. Còn măng le (lấy từ cây le-P.V) cũng ngọt, đặc ruột nhưng cứng hơn nên nhiều người không thích lắm”. Mặc dù măng nhiều nhưng mỗi người cũng chỉ bẻ được khoảng 2 gùi chưa bóc vỏ vì tương đối khó bẻ, phải dùng dao rựa móc và cứa sâu xuống gốc thì mới lấy được cây măng ngon và đẹp. Trời mưa là điều kiện thuận lợi cho măng phát triển nhưng cũng khiến cho lũ muỗi, vắt nhiều hơn, cùng với rắn, rết, thậm chí là heo rừng trở thành mối nguy hiểm luôn rình rập, có thể tấn công người hái măng bất cứ lúc nào. “Đi hái măng bị muỗi hay vắt cắn là chuyện bình thường. Có khi gặp heo rừng, hai chị em sợ quá bỏ cả dao mà chạy, lúc sau mới dám quay lại”-chị Rơ Lan E tươi cười kể lại, không quên lật ống tay áo, chỉ chỗ bị vắt cắn ban sáng.
Măng sau khi hái về được lột bỏ đi lớp vỏ khô cứng, đầy lông ở bên ngoài, để lộ ra phần trắng nõn bên trong rất đẹp mắt. Trung bình một gùi măng sau khi lột vỏ còn được hơn nửa gùi. Số măng ấy, chị em lại cho vào một chiếc nồi thật to, đổ đầy nước và bắc lên luộc 2-3 giờ cho măng bớt đắng. Chị E bật mí: “Để măng có màu vàng đẹp thì khi luộc nên cho thêm vào ít muối trắng. Sau khi luộc xong thì chắt hết nước nóng, đổ một lớp nước lạnh vào, rồi cứ để như thế thì măng cũng cho màu đẹp. Mình chỉ luộc sơ rồi đem bán, người mua thích ăn thế nào thì chế biến lại thôi”. Cứ vậy, trung bình mỗi lần, chị em chị Bôi luộc khoảng 15 kg măng tươi, đóng được khoảng 20 bịch, để dành đến sáng sớm hôm sau gùi ra chợ bán với giá 10.000 đồng/bịch. Nhưng hầu như chẳng lần nào các chị phải đi xa đến tận chợ, vì chỉ mới đi ra khỏi làng chưa được bao xa, bà con ở hai bên đường đã gọi vào mua hết cả, có người còn mua một lần hết cả gùi măng và còn hỏi mua thêm. Mỗi lần bán như thế cũng thu về khoảng 200.000 đồng. “Tiền kiếm được ấy, mình để khi thì đong gạo, mua mắm, hoặc mua thêm bịch xà bông hay gói bánh cho con”-chị Bôi cười bẽn lẽn cho biết.
Mùa măng rừng thường kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9. Măng đang vào mùa rộ nên bà con trong làng rủ nhau kiếm thêm thu nhập từ món lộc của rừng này. Với loại đặc sản rừng núi đa vị: ngọt, đắng, thơm nồng…, đậm chất tự nhiên này, người ta có thể chế biến ngay với các món luộc, xào, hầm,… hoặc phơi khô hay ngâm chua để dành ăn quanh năm. Nguồn thu nhập từ búp măng rừng mặc dù không lớn, nhưng cũng đủ giúp cho những đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có công việc để làm cũng như thêm nguồn thu nhập trong lúc mùa mưa kéo dài.
Phương Linh