Rộng đường lựa chọn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vay vốn tín dụng của ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác đối với các doanh nghiệp và cá nhân sản xuất - kinh doanh đã được áp dụng từ lâu, song vay để trả nợ trong lĩnh vực phục vụ đời sống (tiêu dùng, mua bất động sản, ô tô…) thì khá mới mẻ.

Đây là một bước đi mới của cơ chế, chính sách, giúp cả ngân hàng thương mại lẫn khách hàng đều rộng đường lựa chọn.

Hơn nửa năm sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN) của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng có hiệu lực, phân khúc cho vay trả nợ ngân hàng khác đang khá nhộn nhịp và cạnh tranh.

Việc mở rộng đối tượng được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác vừa tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm vốn tín dụng vừa giảm phần nào áp lực về khoản vốn đang vay. Thực tế, người dân vay tiền ngân hàng để mua nhà đất, xe cộ… trước đây từ 1-2 năm thường phải chịu lãi suất cao, do độ trễ chính sách và một số yếu tố khác.

Nếu trả trước hạn, người vay sẽ phải đóng phí phạt khá cao. Chưa kể, các ngân hàng khi tung gói ưu đãi lãi suất cũng thường áp dụng với người vay mới, trong khi khách hàng cũ lại chịu thiệt thòi dù đã nhiều năm "gắn bó" với ngân hàng đã vay.

Phải đến khi Thông tư 06/2023 ra đời, quy định mới của Ngân hàng Nhà nước cho phép cá nhân vay mua bất động sản, vay tiêu dùng được vay ngân hàng khác để trả nợ cũ, bức tranh trên thị trường này mới có sự thay đổi. Các ngân hàng bắt đầu cạnh tranh, thu hút khách đang vay của ngân hàng khác.

Đây không hẳn là chuyện tranh giành khách. Việc này trở nên tích cực hơn khi mỗi ngân hàng sẽ phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm lãi suất để giữ chân khách hàng cũ, đồng thời có chính sách cạnh tranh để thu hút người vay mới. Ngân hàng nào yếu thế hơn, khách sẽ chuyển sang ngân hàng khác, hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Các ngân hàng cũng chịu áp lực phải cải thiện dịch vụ, tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay…

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn thấp và thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhu cầu vay tiền mua nhà đất chưa phục hồi mạnh, những chính sách mới như cho vay trả nợ ngân hàng khác được triển khai hiệu quả cũng góp phần kích thích tín dụng, thúc đẩy nhu cầu vay vốn nhiều hơn.

Dù vậy, ở góc độ khác, các ngân hàng và cơ quan quản lý cần theo dõi, kiểm soát việc một số cá nhân đang có khoản vay mua bất động sản, vay tiêu dùng vài chục tỉ hoặc cả trăm tỉ đồng bị nợ quá hạn có thể lợi dụng chính sách mới này để đảo nợ. Khách hàng có khoản vay tại 2-3 ngân hàng cũng có thể lợi dụng chính sách này để tránh bị nợ quá hạn, nợ xấu… Do đó, đòi hỏi sự quản lý, giám sát cần phải thường xuyên, chặt chẽ để tránh làm méo mó hoạt động tín dụng.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.