Rơ Chăm Chyur: Công nhân cao su ưu tú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Lúc mới vào làm công nhân khai thác mủ cao su, mình chỉ nghĩ phải làm để mưu sinh. Nhưng qua mỗi năm, mình lại thêm yêu nghề, yêu đường cạo. Mình xác định đã gắn bó với cây cao su thì phải thường xuyên rèn luyện để nâng cao tay nghề, khai thác hiệu quả vườn cây”-đó là những chia sẻ hết sức mộc mạc của anh Rơ Chăm Chyur-công nhân Nông trường Hòa Phú (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah).
 Anh Rơ Chăm Chyur. Ảnh: H.Đ.T
Anh Rơ Chăm Chyur. Ảnh: H.Đ.T
Qua sự giới thiệu của chị Nguyễn Thị Thanh Bình-Chủ tịch Công đoàn Nông trường, tôi tìm gặp anh Rơ Chăm Chyur (35 tuổi, công nhân tổ 11), người vừa được Công đoàn Cao su Việt Nam tuyên dương là Công nhân cao su Việt Nam ưu tú vào cuối tháng 4 vừa qua. Vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc tự hào, anh Rơ Chăm Chyur hồ hởi chia sẻ: “Sau gần 16 năm gắn bó với cây cao su, đến nay mình cũng đã được nhận danh hiệu cao quý này. Đây là niềm động viên, khích lệ để mình phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao”.
Anh Rơ Chăm Chyur sinh ra và lớn lên tại xã Ia Khươl, huyện Chư Pah. Năm 2003, khi Công ty Cao su Chư Pah phát triển diện tích cao su trên địa bàn xã Hòa Phú, anh Chyur liền xin vào làm công nhân. Bước đầu vào làm công nhân khai thác, anh rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên với sự chịu khó, anh thường xuyên lắng nghe và học hỏi từ cán bộ kỹ thuật đến các anh chị công nhân đi trước để rèn luyện, nâng cao tay nghề. Ngày nắng cũng như ngày mưa, từ tờ mờ sáng, anh đã ra vườn cây cần mẫn với công việc. Nhờ vậy, sản lượng giao khoán vườn cây khai thác của anh năm nào cũng vượt chỉ tiêu. Nhiều năm liên tục, anh Chyur đạt lao động tiên tiến. Riêng năm 2018 vừa qua, anh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và giành giải nhất hội thi thợ cạo mủ giỏi cấp nông trường.
Anh Chyur còn là một công nhân đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Phát huy tiềm năng của vùng đất bazan, anh đã đầu tư trồng 1.200 cây cà phê, mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh thu về hơn 100 triệu đồng. Từ nguồn thu này, anh tiếp tục tái đầu tư và phát triển thêm diện tích canh tác, lo cho các con ăn học và mua sắm những vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình. Chủ tịch Công đoàn Nông trường Hòa Phú cho biết: “Anh Rơ Chăm Chyur là người rất có ý thức, có trách nhiệm cao với công việc, có tay nghề vững, chăm sóc tốt vườn cây nên năm nào sản lượng cũng vượt cao. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các hoạt động do Công đoàn Nông trường hay Công ty tổ chức”.
Khi được hỏi về động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh Chyur tươi cười nói: “Ở lĩnh vực nào cũng vậy, khi mình đã xác định gắn bó thì phải nỗ lực không ngừng. Tình yêu đối với công việc chính là động lực để mình rèn luyện và nâng cao tay nghề”. Với những thành quả đã đạt được, anh Chyur đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, nhưng cái được lớn nhất là sự tin quý của anh em trong đơn vị.   
 HÀ ĐỨC THÀNH   

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.