Rcom Tuấn Anh: Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chủ động tìm hiểu thị trường, cần cù, chịu khó, anh Rcom Tuấn Anh-Bí thư chi đoàn thôn Thanh Trang (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) đã vươn lên trở thành điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
25 tuổi, Rcom Tuấn Anh gây ấn tượng với chúng tôi bởi sự nhanh nhẹn và tư duy làm kinh tế bén nhạy. “Làm nghề nào cũng đòi hỏi sự siêng năng, nhất là làm nông nghiệp. Bên cạnh đó, phải biết thị trường thiếu gì, cần gì để chọn phương án kinh doanh cho phù hợp”-Rcom Tuấn Anh tâm sự.
Chính vì suy nghĩ tích cực này nên sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2013, Tuấn Anh đã xin bố mẹ 3 sào đất để lập nghiệp bằng cách trồng hoa huệ. Gia đình anh vốn có kinh nghiệm trồng loại hoa này, nhưng vì nhiều lý do nên bỏ ngang nhiều năm nay. Nhận thấy nhu cầu mua hoa huệ trên địa bàn rất lớn nhưng đều phải nhập ở các địa phương khác nên anh đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. 
 Vườn hoa huệ của anh Rcom Tuấn Anh (bìa trái) được xem là mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả cao. Ảnh: T.B
Vườn hoa huệ của anh Rcom Tuấn Anh (bìa trái) được xem là mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả cao. Ảnh: T.B
Tuấn Anh cho biết, hoa huệ trồng bằng củ nên trước khi trồng phải chọn củ giống tốt, xử lý mầm bệnh để tránh gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây sau này. Đất trồng được trộn phân, vỏ trấu; luống trồng phải đánh liếp cao để tránh ngập úng, có rãnh thoát nước phòng khi mưa to. Mỗi bụi huệ trồng 1-2 củ, cây cách cây 20 cm, hàng cách hàng 40 cm. Hoa huệ thường bị bệnh nhện đỏ ăn lá, rệp sáp ăn củ nên phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý, tránh lây lan ra cả vườn. Ngoài ra, cây phát triển tốt thì phải bón phân đúng thời điểm. “May mắn là tôi được sự hỗ trợ kỹ thuật từ bố mẹ. Bản thân tôi còn tự tìm tòi tra cứu thông tin trên internet. Nhờ đó mà vườn cây luôn tươi tốt và cho năng suất cao”-Tuấn Anh chia sẻ.
Vườn nhà Tuấn Anh có 2 loại huệ: huệ hương và huệ sẻ. Huệ hương cho bông nhiều, cây dài và đẹp, huệ sẻ cho bông mỗi cành ít hơn nhưng thơm hơn huệ hương. Thời gian sinh trưởng của hoa huệ khá ngắn, bắt đầu trồng từ tháng 2 Âm lịch hàng năm, 3 tháng sau cây đã ra hoa và đẻ nhánh. Ưu điểm của huệ là cho hoa quanh năm nhưng hoa nở rộ sau khi xuống giống 10 tháng. Đến kỳ thu hoạch, cứ  4 ngày Tuấn Anh thu hoạch hoa 1 lần. Giá hoa huệ hương ở mức  3.500 đồng/cành, huệ sẻ 2.000-3.000 đồng/cành. Vào những ngày rằm, dịp Tết Nguyên đán, giá tăng lên 4.000-5.000 đồng/cành. Chỉ mới phát triển được 4 sào nên vườn hoa huệ nhà Tuấn Anh chủ yếu bán cho người dân ở huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu về 120 triệu đồng.
Với số tiền thu được hàng năm, Tuấn Anh dành dụm mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất. Hiện vườn nhà anh còn có 3.000 m2 ao cá nuôi các loại cá mè, chép, trắm... cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Tuấn Anh còn trồng thêm các loại cây ăn quả như đu đủ, quýt, chuối... giúp gia đình có thu nhập quanh năm. Anh tâm sự: “Vốn liếng lớn nhất của tôi là sức trẻ, chỉ cần chăm chỉ, cố gắng tìm tòi thì sẽ có kết quả khả quan. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng hoa để cung cấp cho nhiều nơi khác; đồng thời đa dạng cây trồng để tăng thu nhập cho gia đình”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, trên cương vị là Bí thư chi đoàn thôn Thanh Trang, Rcom Tuấn Anh còn thường xuyên động viên, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương. Chị Ksor HDjim-Bí thư Đoàn xã Ia Peng-nhận xét: “Vườn cây của Rcom Tuấn Anh là một mô hình kinh tế tiêu biểu, mang lại hiệu quả cao, đáng để học hỏi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trong xã tham quan, học hỏi mô hình phát triển kinh tế của gia đình Tuấn Anh để tiếp tục nhân rộng”.
Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.