Rau xanh Đà Lạt khan hiếm, chỉ đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu, dẫn đến giá rau tăng cao kỷ lục.
|
Rau xanh Đà Lạt khan hiếm Ảnh: LÂM VIÊN |
Ngày 27.6, giá các mặt hàng rau ăn lá tại Đà Lạt (Lâm Đồng) tiếp tục tăng cao. Lần đầu tiên nông dân bán 50.000đồng/ kg xà lách mỹ, cua- rôn ngay tại vườn.
|
Vườn rau xà lách ở huyện Đơn Dương sắp cho thu hoạch, hứa hẹn bội thu Ảnh: LÂM VIÊN |
Mặt hàng xà lách lô lô, cu- rua bán tại vườn giá từ 40.000- 45.000đồng/kg, rau tần ô và pố-xôi có giá từ 25.000- 35.000đồng; cải thảo, bắp sú giá từ 5.500- 7.00đồng/kg tăng gần gấp 3 lần so với 10 ngày trước đây; riêng xà lách Mỹ khan hiếm trầm trọng, giá 50.000đồng/kg.
Bà Lê Thị Lệ Thu, người có hơn 30 năm buôn bán rau cho biết đây là mức giá cao “kỷ lục” từ xưa đến nay. “Tôi cần 100kg xà lách Mỹ, chạy đôn đáo khắp các phường nhưng chỉ mua được 10kg với giá 50.000đồng/kg”- Bà Thu cho biết.
Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thảo Nguyên cho biết công ty có trang trại và liên kết sản xuất với hàng chục hộ, nhưng chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu thị trường. Cũng theo ông Sơn, thời điểm cách ly xã hội do dịch Covid-19, nhà vườn trồng rau không bán được phải nhổ bỏ, cày làm phân. Do không biết khi nào dịch chấm dứt nên nhà vườn ngại xuống giống, để đất trống; nay mọi sinh hoạt trở lại bình thường, nhu cầu rau tăng cao lại không đủ đáp ứng.
|
Rau xà lách lô lô khan hiếm, gia tăng Ảnh: LÂM VIÊN |
Còn ông Nguyễn Quốc Minh Ngữ, Giám đốc Công ty Đồng Xanh (Đà Lạt) cho biết thêm, thời gian gần đây mưa nhiều khiến rau ăn lá cach tác ngoài trời ở TP.Đà Lạt và các huyện lân cận như Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng bi hư hại nhiều, năng suất kém. Chưa kể thời điểm này nhiều diện tích rau xà lách, cua- rôn bị dịch bệnh héo rủ khiến sản lượng giảm sút nghiêm trọng.
|
Nhều diện tích rau Cua- rôn, xà lách Mỹ bị dịch bệnh khiến sản lượng rau giảm sút Ảnh: LÂM VIÊN |
Theo ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế TP.Đà Lạt, sau dịch Covid-19 hệ thống nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại khiến nhu cầu rau xanh tăng cao, nhưng nông dân trồng rau ở Đà Lạt và các vùng phụ cận mới tái cơ cấu lại sản xuất, nên chưa có sản phẩm cung ứng cho thị trường.
Ông Cứ dự báo giá rau Đà Lạt sẽ giữ mức cao cho đến cuối năm 2020, vì nhiều địa phương trong nước đang hạn hán không tự cung ứng được rau, khiến rau Đà Lạt hút hàng. Những tháng cuối năm nhà vườn Đà Lạt và các vùng phụ cận lại dành phần lớn diện tích để canh tác hoa, khiến diện tích trồng rau không tăng, việc khan hiếm rau, củ vẫn có thể xảy ra.
Theo Lâm Viên (Thanh Niên)