Ra khơi cùng "Dương I-nốc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh Dương vừa bước lên phía mũi tàu thì bị sóng lớn hất văng xuống biển. Hai tàu cá ngả nghiêng giữa sóng nước. Vào đến bờ, bạn chài chắp tay vái lạy thủy thần cho anh sống sót sau những cơn sóng gào thét ầm ào, xô vào bờ đá tung bọt nước trắng xóa...
 
Anh Dương điều khiển tàu cá ra khỏi cửa biển Mỹ Á
Vươn khơi cùng “thợ săn”
Gần 8 giờ sáng, nắng trải vàng bến cá Mỹ Á, xã Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Tôi lên tàu cá QNg-48641 TS của ngư dân Nguyễn Dương, cùng anh và bạn chài lướt sóng vươn khơi. Cờ Tổ quốc treo trên cột phía trước mũi và trên mui tàu tung bay trước gió. Anh đánh tay lái khá điệu nghệ điều khiển tàu né tránh những tảng đá án ngữ nơi cửa biển Mỹ Á. Con tàu chồm lên, lướt trên mặt biển xanh, máy nổ át tiếng sóng vỗ vào mạn tàu tung bọt nước trắng xóa. Đàn cá chuồn lấp lánh ánh bạc lướt bay trên mặt nước như đang trình diễn vũ điệu biển khơi. Những cánh chim hải âu chao lượn trong nắng vàng. Tàu cá lướt trên sóng nước tiến về vùng biển phía Nam. Nhiều tàu cá của ngư dân ngược xuôi trên biển dò tìm cá, tôm để buông lưới. Thuyền viên đứng phía trước vẫy tay ra hiệu, anh Dương giảm ga, đánh mũi tàu quẹo sang phải rồi quay về hướng Bắc. Chiếc thúng chai cùng một ngư dân rời tàu, bập bềnh như đang đùa giỡn trên sóng nước. Thúng chai lắc lư trở về tàu, lão ngư Lê Thanh tươi cười: “Nắng quá nên nó hoa mắt, nước xanh mà nhìn ra đàn ruốc màu đỏ gạch nổi trên mặt biển”.
Anh Dương cười hiền: “Biển bữa có, bữa không là chuyện thường. Miễn là anh em đồng lòng, chuyên cần đánh bắt thì biển không phụ công người”. 38 năm gắn bó với biển, anh tích lũy nhiều kinh nghiệm phòng tránh sự cuồng nộ của đại dương. Trời nhuộm đỏ là hôm sau có gió lớn, chớp nháy sát mặt nước gần đảo Lý Sơn là sắp có bão vào vùng biển Quảng Ngãi. Sóng quá lớn, anh cùng thuyền viên ném lưới xuống biển để giảm áp lực đánh vào thân tàu. Vào cửa biển Mỹ Á gặp sóng lớn, anh bảo bạn chài buộc 2 tảng đá cỡ vòng tay người ôm rồi thả xuống nước phía trước và sau thân tàu để giữ thăng bằng…
Nhiều ngư dân gọi anh là “thợ săn cá” sau những mẻ lưới đầy khoang cùng nụ cười trên gương mặt sạm đen vì nắng gió. Anh thuộc lòng hướng dòng hải lưu trên vùng biển Quảng Ngãi. Tháng 2 - 6 âm lịch, dòng hải lưu chảy hướng Nam - Bắc và ngược lại từ tháng 7 đến cận tết. Anh chọn khu vực và bật máy dò tìm rồi buông lưới đón luồng cá di chuyển. “Khi thủy triều lên hoặc xuống là cá chạy nên dễ đánh bắt. Canh chừng con nước áp vào bờ rồi buông lưới sẽ thu được những mẻ cá khẳm thuyền. Nhiều người nhìn trời, ngắm biển rồi cho rằng ít cá nên ở nhà, sợ lỗ phí tổn. Nhưng tôi cùng bạn chài kiên trì bám biển, chỉ cần thay đổi khu vực và canh dòng hải lưu để buông lưới thì sẽ có cá với giá bán cao hơn thường ngày”, anh tâm sự.
Sau nhiều năm lênh đênh trên biển, anh cùng 2 người em trai sở hữu 4 chiếc tàu cá với giá trị hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, có 2 chiếc tổng công suất 1.000CV hành nghề lưới vây rút chốn khơi xa. Biển cả “ban tặng” cho các anh những căn nhà khang trang, các con được cắp sách đến trường. Vợ chồng anh lo cho 4 người con ăn học và có việc làm ổn định. Con trai duy nhất của anh là Nguyễn Thành Đôn, hiện là thuyền trưởng tàu cá QNg-94259 TS với công suất 500CV đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. “Anh em chúng tôi góp tiền mua lưới chung sức làm ăn. Sau khi trừ chi phí rồi đưa cho Dương 30% tiền lãi khấu hao và sửa chữa tàu, phần còn lại chia đều nên mọi người vui vẻ. Anh em đồng lòng ra khơi đánh bắt...”, lão ngư Lê Thanh tâm sự.
Giàu lòng nghĩa hiệp
Thuở thiếu thời, anh theo cha ra biển mưu sinh với bao nỗi nhọc nhằn. Sáng sớm rét buốt, Dương phải ôm phao bơi lặn giữ lưới trong làn nước lạnh tái tê rồi gắng sức kéo lưới giữa trưa nắng như đổ lửa. Qua bao năm tháng, làn da của anh chịu đựng nóng - lạnh trước sự thán phục của nhiều người nên họ gọi anh là “Dương I-nốc”. Hơn 30 năm trước, ngư dân trên tàu đánh rơi dao xuống biển khi cạo vảy cá để chế biến thức ăn. Thuyền viên trên tàu nhìn nhau thở dài trước ánh mắt hối lỗi của bạn chài. Họ e ngại mũi dao cắm vào lòng biển mang đến bất trắc khi lênh đênh trên sóng nước. Thoáng chút do dự, anh Dương ra hiệu neo tàu, đeo kính lặn rồi lao xuống làn nước xanh thẳm. Gương mặt bạn chài lộ vẻ lo lắng khi anh mất dạng giữa biển sâu. Lát sau, mọi người vỡ òa niềm vui khi anh trồi lên mặt nước cùng chiếc dao sáng lấp lánh. “Nhờ đó mà tôi biết mình có khả năng lặn sâu và lâu đến thế...”, anh bộc bạch.
Kỹ năng lặn giúp anh thoát chết khi đưa tàu vào cửa biển Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) tránh bão. Đi cùng anh có tàu cá của ngư dân Huỳnh Sỹ bị sóng lớn đánh bổ nhào, nguy cơ bị nhấn chìm. Anh trao tay lái cho cháu rồi lên phía mũi tàu tìm cách cứu giúp thì bị sóng hất văng xuống biển. Anh lặn sâu xuống đáy tránh sóng dữ. Hai tàu cá vào bờ, bạn chài chắp tay vái lạy thủy thần cho anh sống sót giữa những con sóng đang gào thét ầm ào, xô vào bờ đá tung bọt nước trắng xóa. Anh ráng sức bám chặt vào đá, gắng hít những hơi dài giữa khoảng lặng hai cơn sóng rồi nhích dần lên cao và bất tỉnh dưới làn mưa bão. Tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trong vòng tay vợ với gương mặt đẫm nước mắt. “Nghe tin ảnh bị nạn, tôi thuê xe ôm chở vào đến nơi thì thấy bạn chài sơ cứu. Lúc ấy, tôi rụng rời chân tay. May mà trời còn thương...”, chị Nguyễn Thị Kim Chung nhớ lại.
Bao lần anh bất chấp hiểm nguy vượt qua sóng gió cứu ngư dân bị nạn. Bất kể đêm ngày, nghe tín hiệu cấp cứu là anh vội chạy đến cứu nạn dù bạn chài trên tàu ngăn cản vì ngại lỗ phí tổn. Tàu của anh Nguyễn Ngàn ở thôn Hải Tân bị mắc cạn và sóng lớn sắp nhấn chìm khi vào cửa biển Mỹ Á. Nhận được tín hiệu cấp cứu trong đêm trên biển, anh Dương đánh thức thuyền viên rồi mở ga hết tốc lực lao đến chiếc tàu bị nạn. “Sóng bổ mạnh như muốn nuốt chửng hai con tàu và gần 20 ngư dân giữa đêm đen. Tôi phải vật lộn với sóng dữ điều khiển tàu cá tiến đến gần rồi ra hiệu cho bạn chài ném dây thừng sang lôi tàu bị mắc cạn về bến” - anh nhớ lại. Ngư dân Nguyễn Văn Kiểu, chủ tàu cá QNg-4459 TS, góp chuyện: “Tàu của tôi sửa chữa rồi chạy về Mỹ Á thì mắc cạn khi vào bến. May có ảnh lai dắt kịp thời nên tàu chỉ bị hư hại nhẹ. Không chỉ cứu giúp tàu của ngư dân Phổ Quang, nhiều tàu cá nơi khác bị nạn trên vùng biển Mỹ Á tìm đến nhờ, ảnh đều giúp đỡ”. 
Ngày nọ, anh lai dắt tàu cá của ngư dân bị mắc cạn thì sóng lớn đẩy tàu anh va vào đá ngầm và nhấn chìm. Nhiều giờ liền, anh lặn ngụp dưới làn nước lạnh buốt nối dây cáp giữa tàu chìm và những tàu cứu hộ. Rồi hai tàu cá tả tơi cũng được kéo về bến. Chủ tàu cá bị nạn mang gần 50 triệu đồng đến nhà nhưng anh nhất quyết “giúp nhau gặp xui rủi thì cùng chịu, không đền bù gì cả”. 
Hàng chục lần anh bất chấp hiểm nguy vượt qua sóng gió cứu ngư dân bị nạn. Hành động nghĩa hiệp của anh được các cấp, ngành trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhưng điều anh vui nhất là cứu sống ngư phủ từ tay thủy thần, được thấy họ tiếp tục vươn khơi bám biển. Tôi hỏi: “Anh có sợ bản thân gặp nguy hiểm khi cứu giúp người bị nạn?”. Anh thật thà: “Sợ lắm chứ! Nhưng mình không thể làm ngơ khi anh em gặp nạn”. Lời anh tựa cơn gió lướt nhẹ trên sóng nước miên man.
Nghe ngư dân gặp nạn là nó đến cứu giúp dù phải bỏ chuyến biển. Do ráng sức chịu lạnh bơi lặn cứu giúp ngư dân mà tai trái của nó bị điếc đặc luôn. Thương tính thật thà và hay giúp người nên ngư dân bầu nó làm thành viên Vạn chài Hải Tân và thành viên Ban Chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá...

Ông Võ Xuân Cẩm, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang 

Võ Thanh Kỳ (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.