(GLO)- Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất lớn. Đặc biệt tại tỉnh Kon Tum giáp ranh với tỉnh ta cũng vừa xuất hiện dịch cúm gia cầm (H5N1). Trước những diễn biến mới này, cơ quan chuyên môn của tỉnh đang triển khai các biện pháp quyết liệt, nhằm ngăn chặn không để dịch cúm gia cầm lây lan, xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
Liên tiếp trong những ngày qua, dịch cúm gia cầm A(H5N1) đã bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang… đặc biệt, trong ngày 11-2 khu vực thành phố Kon Tum, nơi giáp ranh với tỉnh ta cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm A(H5N1) trên đàn gà 600 con buộc cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum phải tiêu hủy toàn bộ số gia cầm này để ngăn chặn không cho lây lan trên diện rộng.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Tại tỉnh ta dịch cúm A(H5N1) cũng đã xuất hiện vào tháng 1-2014 tại trại gà Minh Chi-xã Ia Dêr-huyện Ia Grai làm 15.000 con gà bị bệnh cùng 6.600 quả trứng nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Thời điểm trước, trong Tết Nguyên đán đến nay, UBND tỉnh liên tiếp có các Công điện khẩn số 04/ CĐ-UBND chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch cúm A(H5N1), A(H7N9) và A(H10N8) trên đàn gia cầm và trên người. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y đã cấp phát hóa chất tiêu độc khử trùng cho các địa phương khẩn trương phun tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các điểm buôn bán giết mổ gia cầm… Ban Chỉ đạo Phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các địa phương đã tích cực phối hợp triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống. Nhờ đó, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia cầm đã được ngăn chặn, giúp người dân yên tâm phát triển đàn ổn định. Đến nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch cúm A(H5N1) mới nào.
Trước tình hình dịch cúm gia cầm A(H5N1) đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất lớn. Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 80/SNN-NN tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H5N1), A(H7N9) và A(H10N8). Trong đó, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch cúm gia cầm H5N1 như thường xuyên kiểm tra tình hình chăn nuôi, mua bán, giết mổ. Phối hợp với Chi cục Thú y tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các địa điểm buôn bán giết mổ… nhằm ngăn chặn không để dịch xuất hiện, lây lan trên diện rộng…
Đặc biệt, 4 trạm kiểm soát dịch bệnh động vật Song An, Ia Khươl, Chư Ngọc và Ia Le tăng cường tuần tra kiểm soát, ngăn chặn không cho nhập gia cầm và các sản phẩm gia cầm vào tỉnh theo đúng Công điện 04 của UBND tỉnh.
Ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Trước những diễn biến của dịch cúm A(H5N1), Chi cục Thú y cũng đã chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia cầm, nhất là những khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm xử lý kịp thời các ổ dịch. Chuẩn bị lực lượng, vật tư cần thiết để ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra… Bên cạnh đó, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch gia súc gia cầm các địa phương duy trì hoạt động thường xuyên. Thành lập đội giám sát chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán giết mổ gia cầm. Tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về phòng-chống dịch cúm gia cầm. Hạn chế không để dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại nguy cơ dịch cúm gia cầm A(H5N1) lây lan trên diện rộng là rất lớn, việc các cơ quan chuyên môn của tỉnh triển khai các biện pháp quyết liệt, ngăn chặn không để dịch lây lan vào địa bàn tỉnh là việc làm cấp thiết nhất hiện nay.
Nguyễn Diệp