Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng, Kiểm toán Nhà nước và các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Gia Lai, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Bình Dương… đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt quan điểm, quy trình và tiến hành thăm dò, lấy phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (nhiệm kỳ 2026-2031). Với định hướng trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhiều nhân sự là phó bí thư, các trưởng ban Đảng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cùng thứ trưởng các bộ được xác định đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã được giới thiệu vào quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa tới trên tinh thần nhất trí cao.
Mặc dù mới chỉ là bước quy hoạch nhưng đây là khâu có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, tạo nguồn cán bộ cho Trung ương. Vì thế, dứt khoát không để những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, quan điểm lệch lạc, đặc biệt cơ hội chính trị chen tên vào danh sách.
11 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải xin thôi nhiệm vụ hoặc bị cách chức từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay cho thấy công tác chuẩn bị nhân sự trước Đại hội XIII đã mắc một số hạn chế, khuyết điểm nhất định. Có thể đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, sự biến chất của cá nhân. Nhưng đó cũng có thể là những khuyết điểm từ trước khi họ trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mà tổ chức đã không phát hiện để ngăn chặn khi làm công tác nhân sự.
Dù gì thì đó cũng là bài học cay đắng mà những người làm công tác tổ chức, cán bộ của Đảng cần xem là bài học kinh nghiệm sâu sắc để việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới chặt chẽ và hiệu quả hơn, trên tinh thần chú trọng chất lượng. Những người được giới thiệu quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; có khả năng hoạch định đường lối, chính sách; có năng lực tổ chức thực hiện và dự báo, xử lý tình huống đột xuất; có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Hay nói khác hơn, đó là những cán bộ có tinh thần dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung.
Muốn vậy, điều cần nhất lúc này là các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu phải thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xem xét, giới thiệu nhân sự quy hoạch. Người đứng đầu, chịu trách nhiệm giới thiệu nhân sự quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải có tâm, có tầm để nhìn rõ được những người khi ở vị trí bên dưới dù chưa “phát lộ” hành vi tiêu cực lúc này, nhưng sẽ có nguy cơ lộ rõ suy thoái, biến chất, tham nhũng khi có quyền lực trong tay. Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân nếu giới thiệu được nhân sự có tài năng và đạo đức vào Trung ương. Ngược lại, sẽ bị xử lý kỷ luật nếu vì phe cánh mà giới thiệu vào tổ chức những người có biểu hiện suy thoái, tham nhũng, mất đoàn kết hay cơ hội chính trị.
Lịch sử từng ghi nhận nhiều nhân tài của đất nước được phát hiện, tiến cử và trở thành những bậc lương đống của quốc gia. Họ được tiến cử bởi những người có tâm vì sự nghiệp chung và đã bộc lộ tài năng nổi trội khi có điều kiện thử thách qua thực tế, đóng góp xứng đáng cho dân, cho nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Thực tiễn lãnh đạo của Đảng hơn 9 thập kỷ qua cho thấy, công tác cán bộ là “then chốt” của “then chốt”. Bố trí cán bộ đúng thì công việc “chạy”, còn bố trí cán bộ sai thì bộ máy trì trệ, công việc hỏng. Do đó, quyết định sự thành bại là ở chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp, cán bộ hàng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tổ chức tốt việc giới thiệu, quy hoạch cán bộ vào Trung ương là bước chuẩn bị quan trọng, trách nhiệm để Đại hội Đảng khóa XIV có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo xứng tầm nhiệm vụ mà đất nước và người dân tin tưởng giao phó.