Một góc đảo Sinh Tồn Đông |
Đúng 7 giờ sáng 15-5, thị trấn Trường Sa và các xã Sinh Tồn, Song Tử Tây thuộc huyện đảo đồng loạt tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Trường Sa Nguyễn Văn Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Trường Sa cho biết.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử ở Đơn vị bầu cử số 14 (huyện Trường Sa) đã hoàn tất. Các xã đảo đã nhận đầy đủ biên bản, phiếu bầu, thẻ cử tri, tiểu sử các ứng cử viên, thùng phiếu và con dấu. Cơ số thẻ cử tri lưu động cũng đã được chuẩn bị sẵn để ngư dân trên các tàu đánh cá ở vùng duyên hải Trung bộ thực hiện quyền công dân của mình tại đảo nếu không về kịp đất liền trong ngày bầu cử.
Qua kiểm tra, giám sát, công tác bầu cử tại các đảo được thực hiện với tinh thần, thái độ, trách nhiệm tốt, quân và dân trên đảo đều nắm chắc luật, đảm bảo 100% cử tri tham gia bỏ phiếu.
Tại các đảo, việc trang hoàng khu vực bỏ phiếu được chú trọng thực hiện không kém gì đất liền. Từ nhiều ngày nay, cán bộ, chiến sỹ trên các điểm đảo thuộc đảo Đá Đông đã kẻ vẽ khẩu hiệu, cắt dán chữ, căng băng-rôn trang trí cho khu vực bỏ phiếu tại điểm đảo A. Còn tại đảo Phan Vinh, dù đang hết sức tất bật trên công trường xây dựng nhưng các cán bộ, chiến sỹ nơi đây vẫn dành thời gian chuẩn bị cho ngày bầu cử.
Vinh dự và hồi hộp, đó là tâm sự của các cán bộ, chiến sỹ mà chúng tôi đã có dịp trao đổi. Ai cũng có chung nguyện vọng những ứng cử viên mà mình sẽ bầu chọn là người có năng lực, có đức, có tài để đại diện cho cử tri, nói lên tiếng nói của cử tri, có những kiến nghị sáng suốt và quan tâm nhiều hơn đến người dân và lính đảo, để anh em thêm yên tâm vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo.
“Cuộc bầu cử này có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng, vừa là quyền lợi của công dân và cũng là nghĩa vụ của mỗi người. Mỗi lá phiếu mình bỏ phải suy nghĩ thật kỹ, thật cặn kẽ để lựa chọn những người thật sự xứng đáng bầu vào đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân", y sĩ Phan Đăng Thanh (đảo Trường Sa Đông) nói.
Dù đã nhiều lần thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, nhưng mỗi lần đi bỏ phiếu, thượng úy Nguyễn Tiến Dũng (đảo Đá Đông) lại có những tâm trạng khác nhau. 40 tuổi với 18 năm trong nghề cơ yếu, thượng úy cho biết đây là lần thứ hai anh xung phong ra đảo.
Trong chuyến xung phong ra đảo lần đầu tiên vào năm 2002, trên hải trình từ bờ đến đảo, đúng vào ngày bầu cử, anh đã được tham gia bỏ phiếu trên tàu. Anh kể công tác bầu cử ở đất liền hay trên tàu, trên đảo đều giống nhau, ở đất liền đông người đi bầu cử hơn, nhộn nhịp, rộn rã hơn, nhưng niềm tin vào mỗi lá phiếu vẫn không hề thay đổi.
Không chỉ các cử tri là quân nhân mới nhận thức rõ ý nghĩa của cuộc bầu cử lần này, những người dân Trường Sa cũng hiểu rõ trách nhiệm công dân trước lá phiếu bầu. Người mẹ của đứa trẻ mới sinh sau ca mổ đẻ thành công của quân y đảo Trường Sa Lớn, Nguyễn Thị Thanh Thủy bày tỏ: “Em sẽ bế cả đứa con vừa chào đời đi bầu cử, vừa là để thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, đồng thời cũng là thể hiện lòng biết ơn của người dân Trường Sa đối với Đảng và Nhà nước".
Cùng chung nguyện vọng, cử tri ở huyện đảo Trường Sa mong lãnh đạo huyện thường xuyên củng cố, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ công chức viên chức, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện đảo nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Các cấp chính quyền quan tâm đầu tư phát triển giáo dục tại hai xã Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa để các cháu học hết phổ thông tại đảo. Ngư dân trên đảo được hỗ trợ mua ngư cụ, tàu thuyền để phát triển nghề đánh bắt hải sản...
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Trường Sa Nguyễn Văn Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Trường Sa cho biết, theo đúng Luật định, cuộc bầu cử tại huyện Trường Sa sẽ kết thúc vào lúc 19 giờ ngày 15-5, kết quả tổng hợp được chuyển vào bờ vào sáng 16-5, qua điện tín.