Quà Tết và những kiểu hối lộ trá hình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 23-11 vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.

Nhiều năm nay, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng thường xuyên chỉ đạo nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho cấp trên; địa phương về trung ương tặng quà. Thế nhưng, như một căn bệnh trầm kha, chuyện biếu, tặng quà Tết vẫn cứ diễn ra, thậm chí còn bị lợi dụng như một kiểu hối lộ trá hình cần kiên quyết dẹp bỏ.

Dù là dân tộc nào, đất nước nào và dù là văn hóa, phong tục có khác nhau đến mấy thì biết ơn, cảm ơn người đã giúp mình cũng là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử bình thường của con người xưa nay. Để cảm ơn, con người có nhiều cách thể hiện, mà tặng quà là một trong những cách ấy.

Đó là nói khi những món quà tặng nhau không nặng về giá trị vật chất mà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng về tinh thần, thể hiện tình cảm, sự biết ơn của người tặng với người được tặng.

Còn bây giờ, khi Đảng, Chính phủ năm nào cũng ra chỉ thị nghiêm cấm các địa phương, đơn vị, cá nhân từ địa phương, bộ, ngành rồng rắn đi biếu quà Tết cho lãnh đạo trung ương thì rõ là chuyện biếu, tặng quà không còn đơn thuần để cảm ơn nữa, mà đã biến tướng thành những cuộc hối lộ, bôi trơn quan hệ nhằm đạt mục đích vụ lợi.

Nói điều này là bởi thực tế những gì diễn ra ở một số vụ án đưa, nhận hối lộ gần đây, những thứ mà các quan chức một số bộ, ngành, địa phương nhận của doanh nghiệp đã vượt quá giá trị của một món quà tặng cảm ơn thông thường.

Ở nhiều vụ án, từ lời khai của các bị cáo và kết quả điều tra cho thấy, việc biếu, tặng quà mang động cơ vụ lợi vẫn xảy ra và rất khó phát hiện. Nguy hiểm hơn, nó như luật bất thành văn. Nhiều “món quà” có giá trị hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng đã được một số cán bộ tham nhũng xem là “quà cảm ơn” và “vô tư nhận”.

Đơn cử như trong đại án Công ty Việt Á, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã vô tư nhận túi quà bên trong có 200 ngàn USD (tương đương 4,6 tỷ đồng) từ Phan Quốc Việt. Tương tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhận 50 ngàn USD (tương đương 1,1 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Trịnh-Trợ lý Phó Thủ tướng nhận 200 ngàn USD…

Hay trong vụ án tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, có cán bộ nhận quà cảm ơn là số tiền 6 tỷ đồng từ Lê Thế Sơn-Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa. Riêng Giám đốc Sở Phạm Thị Hằng nhận 3 tỷ đồng.

Rồi vụ án xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Liên Oanh-cựu Giám đốc Sở nhận quà 14 tỷ đồng; ông Ngô Vui-nguyên Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính nhận 14,8 tỷ đồng; ông Hà Huy Long-nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính nhận gần 1,4 tỷ đồng và 20 ngàn USD từ bà Hoàng Thị Thúy Nga-Chủ tịch Tập đoàn NSJ nhân các dịp lễ, Tết từ năm 2016 đến 2019.

Khi những món quà đã được tính bằng nhiều tỷ đồng thì đó không còn là quà nữa, mà là những món tiền hối lộ trá hình để vụ lợi. Những kẻ “nhận quà” đã và đang bị pháp luật truy tố, xét xử tội nhận hối lộ là vì thế.

Những quy định về quà tặng nhân các dịp lễ, Tết, hiếu hỉ đã được cụ thể hóa trong các chỉ thị của Ban Bí thư, nghị định của Chính phủ và Luật Phòng-chống tham nhũng từ nhiều năm nay. Thế nhưng, vì sao những món quà hối lộ trá hình vẫn tồn tại và có đường đi riêng của nó? Đó là vì cán bộ trong bộ máy công quyền thiếu tự giác, tham lam, không vượt qua được sự quyến rũ, tha hóa của đồng tiền.

Những bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh ủy, những tướng lĩnh quân đội, công an vướng vòng lao lý trong các vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu, AIC… thời gian qua không phải vì họ không biết thế nào là “quà tặng” mà vì họ hầu như đã quá quen với việc “nhận quà”, xem đó là chuyện hiển nhiên trong quá trình thực thi công việc của mình.

Chừng nào còn cán bộ “vô tư nhận quà” giá trị lớn thì chừng ấy, những kiểu hối lộ trá hình vẫn còn có nguy cơ làm hư hỏng bộ máy công quyền.

Vì vậy, ngăn chặn những món quà hối lộ trá hình nhân dịp lễ, Tết, cuối năm theo Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư là thiết thực góp phần vào sự thành công của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo, nhằm làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh hơn, bộ máy công quyền hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, được dân tin hơn.

Có thể bạn quan tâm

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.