Chuyện về người lính đi qua ba cuộc chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đã gần bước sang tuổi 90, song mỗi khi nhớ lại một thời cầm súng, người lính từng vào Nam ra Bắc, Thiếu tá Lữ Bá Vương (tổ dân phố 3, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) như sống lại tuổi 20.

Ông Vương sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Tháng 7/1953, khi vừa tròn 20 tuổi, ông nhập ngũ vào C6 (Đại đội Độc lập) thuộc Tỉnh đội Quảng Nam. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tháng 3/1955, ông Vương được kết nạp vào Đảng và chuyển về Tiểu đoàn 70, E210, F305 tập kết ra Bắc. Tháng 10/1965, ông là trợ lý bảo vệ E812, F324 vào Nam, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị; tháng 12/1970 ông chuyển về Đoàn 875 Tổng cục Chính trị; tháng 3/1976 ông về công tác tại Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk cho đến ngày về hưu.

Cả cuộc đời trong quân ngũ xông pha trận mạc, ông Lữ Bá Vương đã có bao nhiêu trận đối đầu với kẻ thù. Trong các trận chiến ấy, ông và các đồng đội của mình đã mưu trí, dũng cảm lập nhiều chiến công lớn. Một trong những chiến công lớn đầu tiên ông cùng đồng đội lập được sau 6 tháng nhập ngũ. Đó là vào đầu năm 1954, nhận được tin báo có khoảng một đại đội quân đội Pháp tổ chức đi càn lên Gò Cà - Túy Loan (nay thuộc huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), đơn vị ông Vương nhận lệnh cấp trên tổ chức mai phục. Sau một buổi giao tranh ác liệt, ta đã tiêu diệt 62 tên.


 

 Thiếu tá Lữ Bá Vương.
Thiếu tá Lữ Bá Vương.


Tháng 10/1965, ông Vương được điều động đi B. Là cán bộ trợ lý Ban Bảo vệ của Trung đoàn 812 (F324), ngoài việc cùng đồng đội tham gia chiến đấu, ông thường xuyên phải về các địa phương để làm công tác tuyển quân. Tuy không phải là lính trinh sát hay đặc công nhưng để giữ yếu tố bí mật, tất cả người lính thuộc các binh chủng ngày ấy đều phải thực hiện nghiêm phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Địa bàn hoạt động khá rộng, những địa danh như: Cùa, đồi 74, Suối Tre cho đến vùng địch kiểm soát Cam Lộ, Gio Linh (Quảng Trị) không nơi nào thiếu dấu chân ông.

Luôn luôn nêu cao phẩm chất của người lính Cụ Hồ “đi dân nhớ, ở dân thương” nên trong 10 năm ở tuyến đầu khói lửa, ông Vương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được phong hàm Thượng úy, chức vụ Trại trưởng kiêm Chính trị viên Trại tù hàng binh Bắc Quảng Trị.

Một kỷ niệm khó quên là vào tháng 12/1974, ông Vương cùng hai đồng đội nhận nhiệm vụ đưa 300 tù hàng binh sau khi được giáo dục có tư tưởng tiến bộ từ Quảng Trị vào Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) để bàn giao cho Trung ương Cục Miền Nam bổ sung vào lực lượng vũ trang. Gần ba tháng vượt đèo, lội suối, băng qua rừng, khi đến địa bàn Buôn Ma Thuột thì khói thuốc súng của trận mở màn chiến dịch Xuân 1975 vẫn còn nghi ngút… Tuy chỉ có 3 người quản lý 300 người nhưng ông và đồng đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ tháng 3/1976 đến tháng 2/1982, ông Lữ Bá Vương giữ các chức vụ Phó Ban Bảo vệ Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rồi Phó Phòng Bảo vệ Đảng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Tháng 2/1982, ông Vương nghỉ hưu về sinh sống tại xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông). Song người lính ấy vẫn chưa ngơi nghỉ,  ông Vương lần lượt được bầu làm Phó Bí thư Đảng bộ xã Khuê Ngọc Điền, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Krông Bông. Dù làm bất cứ việc gì, người lính ấy vẫn luôn phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, trong sáng, vô tư, hòa đồng gần gũi với nhân dân, cần mẫn trong công việc. Ông vinh dự được trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 1, 2, 3…

https://baodaklak.vn/an-ninh-quoc-phong/202112/chuyen-ve-nguoi-linh-di-qua-ba-cuoc-chien-b810d94/

Theo Mai Viết Tăng (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.