Nên duyên nhờ Đoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nhiều bạn trẻ, tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh niên là cơ hội giúp họ khẳng định lòng nhiệt huyết, khát khao cống hiến và trưởng thành. Một số người lại mỉm cười thật hạnh phúc khi nhắc đến công tác Đoàn. Là bởi, thật tình cờ, Đoàn đã “se duyên” để họ tìm thấy một nửa của mình.
Trang phục chủ đạo trong bộ ảnh cưới của anh Nguyễn Viết Quyền và  chị Nguyễn Thị Thu Hiền là màu áo xanh của Đoàn Thanh niên. Ảnh: VIẾT QUYỀN
Trang phục chủ đạo trong bộ ảnh cưới của anh Nguyễn Viết Quyền và chị Nguyễn Thị Thu Hiền là màu áo xanh của Đoàn Thanh niên. Ảnh: VIẾT QUYỀN
NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU
Qua lời giới thiệu của anh Nay Winh-Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Sê, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Viết Quyền-Bí thư Đoàn xã Ia Blang và chị Nguyễn Thị Thu Hiền-Bí thư Đoàn xã Ia Glai. Tổ ấm của 2 vợ chồng ở thôn Vinh Hà (xã Ia Blang) treo rất nhiều ảnh cưới. Khác với những bộ ảnh cưới thông thường, anh Quyền và chị Hiền quyết định ghi lại những khoảnh khắc đẹp của lứa đôi trong màu áo Đoàn. “Mình làm Bí thư Đoàn xã Ia Blang từ năm 2016. Còn Hiền đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn xã Ia Glai từ năm 2017. Đều làm công tác Đoàn nên khi chụp bộ ảnh cưới này, bọn mình chọn trang phục của Đoàn để lưu giữ lại những kỷ niệm của tuổi trẻ nhiệt huyết và sôi nổi”-anh Quyền chia sẻ.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Quyền và chị Hiền kể: Mỗi người một địa bàn phụ trách nên họ chỉ tham gia chung những hoạt động, phong trào do Huyện Đoàn tổ chức. Dù vậy, anh Quyền cũng đã kịp để ý và thầm “cảm nắng” cô gái nhỏ nhắn nhưng không nề hà nặng nhọc, xông pha thực hiện nhiều phần việc khó nhằn ngay cả với đàn ông. Còn chị Hiền thì ấn tượng với chàng Bí thư Đoàn gầy gò nhưng kiên định trong thực hiện công việc. “Dù đã lọt vào mắt xanh của nhau, nhưng khi công khai mối tình này cả 2 đều bị gia đình phản đối. Bởi theo lý giải của bố mẹ, một người làm công tác Đoàn đã vất vả, thêm một người nữa lại càng khó khăn. Thế nhưng, nhờ kiên trì thuyết phục, lấy tình cảm chân thành đối xử, chúng tôi đã được cha mẹ 2 bên gia đình đồng ý cho kết hôn. Sau 3 năm, chúng tôi đón trái ngọt là một bé trai kháu khỉnh”-chị Hiền hạnh phúc bày tỏ.
Anh Nguyễn Văn Hòa và chị Phạm Thị Phượng nên duyên chồng vợ nhờ tham gia các hoạt động Đoàn. Ảnh: P.L
Anh Nguyễn Văn Hòa và chị Phạm Thị Phượng nên duyên chồng vợ nhờ tham gia các hoạt động Đoàn. Ảnh: P.L
Cũng từ hoạt động Đoàn, chị Phạm Thị Phượng-Bí thư Đoàn phường Thống Nhất (TP. Pleiku) và anh Nguyễn Văn Hòa-Bí thư chi đoàn tổ dân phố 3 (phường Thống Nhất) có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ rồi nên duyên vợ chồng. Tham gia công tác Đoàn từ năm 2014, đến năm 2016, chị Phượng được bầu giữ chức Bí thư Đoàn phường. Là nữ cán bộ Đoàn, chị Phượng luôn nỗ lực tìm giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn ở địa phương, phát huy tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên thông qua các hoạt động: sơn vẽ làm mới các trụ điện để hạn chế tình trạng “rác quảng cáo”; tổ chức chương trình văn nghệ quyên góp giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ thanh niên yếu thế hòa nhập cộng đồng… Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị Phượng còn là hạt nhân thể thao, thường xuyên tham gia các giải bóng chuyền.
Còn anh Hòa gắn bó với công tác Đoàn từ năm 2016. Nhiều lần, khi có vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ, anh Hòa không ngần ngại tìm đến Đoàn cấp trên để học hỏi kinh nghiệm. Nhiều hoạt động do Đoàn phường hay cấp trên tổ chức, chị Phượng và anh Hòa lại cùng nhau tham gia và chính từ những lần như thế mà họ càng trở nên thân thiết, thấu hiểu nhau hơn. “Mình thì năng động, sôi nổi, còn anh Hòa ít nói nhưng cả 2 đều rất mê phong trào Đoàn. Hễ có hoạt động nào là cả 2 đều tích cực tham gia, không từ chối bất cứ một nhiệm vụ nào. Có lẽ chính niềm đam mê đó đã tạo cơ hội để 2 đứa hiểu nhau và quyết định về chung một nhà”-chị Phượng cho hay.
Trong các cặp đôi nên duyên nhờ Đoàn, tôi khá ấn tượng với chuyện tình của cặp đôi Nay Chương-chuyên viên Ban Đoàn kết-Tập hợp thanh niên Tỉnh Đoàn và Rô H’Nếu-Bí thư Đoàn xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa). Cả 2 quen nhau khi anh là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, chị là sinh viên Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên. Các hoạt động Đoàn đều sôi nổi, hấp dẫn nên mỗi lần Đoàn trường tổ chức, anh chị đều nhiệt tình tham gia. Cùng ở huyện Krông Pa nên cả 2 càng thấu hiểu nhau hơn, chủ động tham gia hoạt động Đoàn ở địa phương sau khi tốt nghiệp. Cứ thế, tình yêu lớn dần và họ kết hôn năm 2014. Cách đây 6 năm, chị H’Nếu đảm nhận vai trò “thủ lĩnh” Đoàn ở xã Chư Rcăm, còn anh Chương tiếp tục học Đại học Tây Nguyên, tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự và về công tác tại Tỉnh Đoàn sau khi xuất ngũ. Hiện tại, do làm việc ở TP. Pleiku nên anh Chương phải sống xa nhà, chỉ tranh thủ về thăm vợ và 2 con vào những ngày cuối tuần.
CẢM THÔNG VÀ SẺ CHIA
Đặc thù công tác Đoàn là thường đi sớm về khuya, nhiều khi chẳng có ngày nghỉ. Dù vậy, nhờ cùng tham gia công tác Đoàn nên các cặp đôi có sự cảm thông và sẻ chia với nhau nhiều hơn.
Có 2 con nhỏ, chồng lại công tác xa nhà nên cùng với nhiệm vụ làm tốt công tác Đoàn ở địa phương, những việc lớn, việc nhỏ trong gia đình đều do chị H’Nếu gánh vác. Thấu hiểu được nỗi vất vả của vợ, anh Chương luôn quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan. Chị H’Nếu tâm sự: “Dù vất vả nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng, tạo điều kiện để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. May mắn là có ông bà nội ngoại ở gần nên lúc bận bịu đều có người giúp đỡ. Chính tình yêu với Đoàn đã cho tôi sự kiên cường này”.
Cùng môi trường nên anh Quyền và chị Hiền cũng có cơ hội chia sẻ, thấu hiểu và hỗ trợ nhau rất lớn trong công việc. Là Bí thư Đoàn xã, mỗi người quản lý hơn 500 đoàn viên, thanh niên nên không tránh khỏi những áp lực trong công việc. Dù vậy, khi gặp khó, họ lại trở thành “cố vấn” cho nhau, chia sẻ cách làm hay để đưa phong trào Đoàn ở địa phương ngày càng phát triển. Khi thấy các mô hình kinh tế hoặc hoạt động tình nguyện hay, cả 2 lại chia sẻ, kết nối, đưa đoàn viên, thanh niên của đơn vị mình tới học tập nhằm nhân rộng, lan tỏa.
và chị Rô H’Nếu vượt qua thử thách về khoảng cách. Ảnh: P.L
và chị Rô H’Nếu vượt qua thử thách về khoảng cách. Ảnh: P.L
Từ nhà đến xã Ia Glai khoảng 20 km, quãng đường chị Hiền đi làm xa hơn nên anh Quyền luôn hỗ trợ vợ trong các công việc nhà. Những lúc Đoàn xã Ia Glai tổ chức hoạt động ở làng vào buổi tối, anh chị lại gửi con cho ông bà nhờ trông giúp rồi đèo nhau đến địa điểm tổ chức hoạt động. Chính sự thấu hiểu, sẻ chia ấy đã giúp anh Quyền và chị Hiền xây dựng và nuôi dưỡng một mái ấm hạnh phúc dù công việc nhiều vất vả. Cũng nhờ chia sẻ, bố trí hợp lý công việc mà họ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm, được tặng nhiều giấy khen và bằng khen của các cấp; Đoàn xã Ia Blang và Đoàn xã Ia Glai cũng là những tập thể tiêu biểu trong phong trào Đoàn ở huyện Chư Sê.
So với những cặp đôi khác, cặp đội Phượng-Hòa có phần thuận lợi hơn do công tác cùng một đơn vị. Là nữ “thủ lĩnh” Đoàn, lại đang mang thai đứa con đầu lòng gần 5 tháng, chị Phượng gặp khá nhiều áp lực trong công việc. Biết vậy nên anh Hòa luôn động viên, san sẻ công việc để giúp vợ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những khi chị Phượng phải tham gia các hoạt động tổ chức vào buổi tối hoặc vào ngày nghỉ, anh Hòa lại tình nguyện làm tài xế đưa đón vợ. “Có nhiều người hỏi làm Đoàn, đi suốt vậy thì vợ chồng có xảy ra cãi vã gì không? Thực tế, tôi cũng làm công tác Đoàn nên càng hiểu và thương vợ, động viên cô ấy cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”-anh Hòa chia sẻ.
Ước tính có trên 30 cặp đôi nên duyên chồng vợ đang công tác tại các tổ chức Đoàn trong tỉnh. Do đặc thù công việc, những người đang làm công tác thanh niên luôn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và có sự động viên từ người bạn đời, tin rằng các cặp đôi nên duyên từ Đoàn sẽ ngày càng bản lĩnh, gắn bó để đưa phong trào Đoàn ngày càng đi lên.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn.