Xuân yên bình ở làng chài trên núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không khí rộn ràng đón Xuân trên khắp muôn nơi, nhưng với 29 hộ dân sinh sống trên dòng Sê San thì đơn giản hơn song cũng thật ấm cúng...
Làng chài Sê San bắt đầu hình thành từ năm 2009 khi một số hộ dân ở miền sông nước các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Thừa Thiên Huế… di cư lên khu vực lòng hồ thủy điện Sê San để hành nghề đánh bắt cá. Họ chọn cho mình cuộc sống trên những chiếc ghe, chiếc thuyền để thuận tiện đánh bắt cá dọc theo lòng hồ thủy điện. 29 hộ dân với gần 100 nhân khẩu làm thành làng chài cùng sinh sống, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ. Hàng năm, người dân nơi đây đánh bắt và nuôi trồng hàng chục đến hàng trăm tấn cá, nguồn lợi tạo ra thu nhập cho các gia đình.
Những ngôi nhà lênh đênh trên dòng Sê San. Ảnh: Hà Phương
Những ngôi nhà lênh đênh trên dòng Sê San. Ảnh: Hà Phương
Hơn 10 năm trước, khi lòng hồ thủy điện Sê San hình thành thì những người làm nghề chài cá cũng bắt đầu xuất hiện. Ban đầu từ một hoặc hai hộ, lâu dần hình thành nên làng chài đông đúc như hiện nay. 
Nhớ lại những ngày đầu lên vùng đất này mưu sinh, ông Đặng Văn Thân (quê ở An Giang) bộc bạch: “Ngày ấy tôi không biết cá từ đâu ra mà nhiều đến thế, người sở tại không biết làm vó, đặt vó nên tôi mua vó từ dưới quê lên hành nghề, muốn thu cá bao nhiêu thì có bấy nhiêu. Có lúc một mẻ vó cho tới hàng vài chục ký cá cơm là chuyện bình thường. Nhưng ngày đó chẳng biết bán cá cho ai, đánh cá lên cũng chẳng để làm gì. Còn hiện nay cá cơm lòng hồ Sê San được nhiều người ưa thích vì rất sạch và chế biến được nhiều món như: gỏi cá cơm, cá cơm khô rang sả ớt, mắm cá cơm... Ngoài nguồn cá cơm trên dòng sông Sê San, lòng hồ còn có nhiều loài cá như: cá lăng, cá chép, cá chạch, cá bống. Đặc biệt, cá lăng ở đây rất ngon, rất có giá trị, một cân có giá vài trăm ngàn đồng”.
Bà Nguyễn Thị Lan đang phơi cá cơm. Ảnh: Hà Phương
Bà Nguyễn Thị Lan đang phơi cá cơm. Ảnh: Hà Phương
Nhìn Xuân trên lòng hồ yên ả, tôi nghe bà Lâm Thị Mỹ Lệ (quê Thừa Thiên Huế) tâm sự: Hàng ngày, bà cùng chồng làm việc đánh bắt cá. Tết đến thì bà con làng chài ngồi kể cho nhau nghe phong tục Tết quê mình, hiểu và yêu thương nhau hơn. Có người muốn về quê ăn một mùa Tết nhưng không được vì không có ai giữ cá. Mơ ước giản đơn như cái Tết yên bình, giản dị trên lòng sông, chất phát như  người dân làng chài nơi đây.
Còn đối với ông Nguyễn Văn Triều (45 tuổi, thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) thổ lộ: “Tôi làm nghề đánh bắt cá từ năm 2010. Sản vật từ lòng hồ Thủy điện Sê San 4 là nguồn mưu sinh của gia đình ông. Trước đây, cuộc sống ngư dân bấp bênh, không có chỗ ở ổn định nên việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn. Từ khi nhà nước quan tâm giúp chúng tôi an cư lập nghiệp, cuộc sống ổn định hơn. Bà con còn nuôi thêm cá lồng bè để tăng thêm thu nhập. Mỗi ngày đánh bắt cũng cho thu nhập chừng vài trăm ngàn đồng”.
Cá đánh bắt hoặc thu hoạch từ bè nuôi được phơi trên lưới, ướp làm sản phẩm một nắng như cá lóc, cá rô phi... Mùa mưa đến, người dân bắt được nhiều cá to, thu nhập khá hơn. Những hộ dân ở đây vẫn thường được huyện hỗ trợ giống cá chình bông để nuôi, giá trị cao gấp nhiều lần so với các loại cá khác. Bà con mong nhất là được chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng con đường giúp đi lại, hỗ trợ các cháu học tập, khắc phục tình trạng thương lái ép giá tôm cá”-bà Nguyễn Thị Lan (quê Hậu Giang), chia sẻ.
Niềm vui của người dân nơi đây khi Tết đến Xuân về. Ảnh: Hà Phương
Niềm vui của người dân nơi đây khi Tết đến Xuân về. Ảnh: Hà Phương
Ông Chế Hồng Quyền- Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhân dân không những được hỗ trợ xây nhà, vay vốn  chính sách, mà con được đầu tư đường điện vào cuối năm 2019. Được chính quyền hỗ trợ, bà con đã thành lập Hợp tác xã Sê San làm ra đặc sản “cá cơm sông Sê San” giới thiệu rộng rãi đến nhiều nơi, hứa hẹn cho nguồn thu nhập ổn định.
“Trước nguyện vọng của người dân, tới đây con đường bê tông với tổng vốn đầu tư 460 tỷ đồng sẽ được khởi công. Dịp Tết Canh Tý 2020 này, xã hỗ trợ bà con một con heo để ăn Tết và trao những phần quà ý nghĩa giúp bà con có một cái Tết đầm ấm yên vui”- ông Quyền cho biết thêm.
Hà Phương

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn.