Những người dệt vải ở Glar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến xã Glar (huyện Đak Đoa), ông Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đến làng Dôr 2 vốn nổi tiếng với những phụ nữ dệt giỏi, sống được bằng nghề dệt. Họ là cô giáo dạy nghề cho các chị em trong vùng. Làng Dôr 2 sạch, đẹp, trù phú với đường đi lối lại bằng bê tông, với những sân phơi cà phê quả đã qua vài nắng sẫm nâu lại, mùi hăng hắc nồng nồng nhựa khô, mùi rơm ải trong vườn, mùi đất đọng nước sau cơn mưa từ đêm trước. Chủ tịch UBND xã bảo rằng: “Ở vùng đất này chỉ lười mới đói thôi chứ trồng gì cũng tốt tươi”. Làng Dôr 2 bao năm nay rồi nhà nào cũng no đủ, thế hệ ông bà, cháu con biết giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đánh cồng chiêng, tạc tượng, hát kể sử thi, hát dân ca và nhất là dệt vải.
 

  Phụ nữ Bahnar ở Glar vẫn đang giữ gìn và phát huy nghề dệt.                             Ảnh: Đ.T
Phụ nữ Bahnar ở Glar vẫn đang giữ gìn và phát huy nghề dệt. Ảnh: Đ.T

Cuối cùng thì chị Mlơnh cũng về đến nhà. Chị đang hái cà phê, mẹ chị-bà Mlốp cũng về sau đó 30 phút, quần áo lấm lem bụi đất. Mlơnh sinh năm 1983, khuôn mặt bầu bĩnh, miệng nói tay làm, ríu rít mời chúng tôi vào nhà. Nửa diện tích căn nhà dùng để đặt dụng cụ dệt, chỉ, sợi, các sản phẩm đã dệt xong. Cái “xưởng dệt” nhỏ nhỏ này là nơi sinh hoạt chung của chị em cả làng mỗi khi nông nhàn, là nơi phụ nữ làng giúp nhau không chỉ cơm đầy nồi mà còn làm vơi buồn lòng những khi chị em có chuyện khó chuyện khổ. Tôi để ý bộ dụng cụ dệt gồm cán bật bông, dụng cụ xe sợi, chỉ và những khung cửi lớn/nhỏ, có cả chiếc bàn máy may cũ trong góc nhà. Mlơnh bảo: “Tụi em thường dệt những khi nhàn rỗi và đây là công việc tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian, phải chăm chỉ như con ong mới làm được, rảnh lúc nào là làm, chẳng kể thời gian đâu”. Tôi xem hết một lượt các sản phẩm mà chị em làng Dôr 2 vừa hoàn thành. Quả là những sản phẩm dệt thổ cẩm của người Bahnar ở Đak Đoa rất phong phú và đẹp mắt với những: áo, váy, túi, dây đeo đầu, địu, khố, tấm đắp, mũ, dây đeo tay, ví… Khách du lịch thích những túi, dây đeo tay, tấm choàng, mũ, ví, áo nam. Họ càng thích hơn khi chính các cô gái xinh xắn của làng sẵn sàng nhận dệt tên họ, tên người họ muốn tặng lên sản phẩm với những: “Kỷ niệm Gia Lai”, “Còn chút gì để nhớ”, “Pleiku kỷ niệm”, “Tây Nguyên mùa khô”… Việc thêu, dệt, gắn mấy chữ đó vào sản phẩm khó lắm, mất nhiều công, nhưng làm xong thấy khách thích là vui vui trong bụng. Tôi cũng từng nhờ người đặt hàng ở đây một dịp khi các bạn chuyên gia Nga sang giúp khai quật khảo cổ tại Gia Lai, tên họ các bạn Nga khá dài. Các chị em dệt sai, sửa tới lui mấy lần mới xong. Khi chúng tôi trao tặng món quà độc đáo với hàng chữ thêu tuyệt đẹp tên của các bạn cùng những hoa văn tinh tế, màu sắc rực rỡ trên các sản phẩm, họ đều ngạc nhiên.

Thông thường, dệt một sản phẩm ngắn nhất là 3 ngày, dài nhất phải tốn cả tháng. Ví như cái khăn choàng dài 3 mét, ngang 1,4 mét dệt cho đẹp cũng hết gần tháng nếu 2 người làm, còn 1 người thì 2 tháng là chắc. Vì ban ngày chị em đi làm đồng, chỉ đêm về mới ngồi vào khung cửi. Làng Dôr 2 bây giờ người phụ nữ nào cũng biết dệt, trẻ con 10 tuổi đã dệt giúp chị, giúp mẹ những dải vải nhỏ trang trí. Sản phẩm làm ra bán cho các nhà buôn trên Kon Tum, Đak Lak, Ninh Thuận. Khách du lịch đi theo đoàn ở các tỉnh về cũng đặt qua các công ty lữ hành. Những đơn hàng cứ đầy dần vì chất lượng sản phẩm dệt của chị em làng Dôr 2 làm đẹp, bền, giá cả phù hợp. Những chị em dệt khéo nhất làng đấy là: Ngleo, Nglanh, May, Ayi, Blưk. Bà Mlốp đã dạy từ khi họ là những cô bé. Bây giờ, tay ai cũng khéo, mắt ai cũng tinh. Bà Hlốp già rồi, 66 mùa trăng rồi, mắt không còn tỏ, tay đã mỏi nên chỉ bày cho con cháu bằng miệng thôi. Ngày xưa phải nhuộm sợi bằng rễ, lá cây, than củi, vỏ sò, sợi dệt bằng bông trồng trong vườn. Bây giờ có phẩm màu công nghiệp, có chỉ đỡ nhiều công sức, dệt nhanh hơn. Sản phẩm làm ra càng đẹp, càng bền, vẫn giữ nét truyền thống người Bahnar từ kiểu dáng trang phục đến hoa văn trang trí. Khách mua khắp nơi thích lắm, chị em làm không hết việc. Mấy năm trước, Sở Công thương đứng ra thành lập một hợp tác xã dệt cho bà con các làng của xã Glar, cung cấp vật liệu, dụng cụ đầy đủ, tìm cả đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, chị em không ưng ra đó ngồi dệt, vì không lo được việc nhà và con cái, thế là về nhà tranh thủ dệt khi có thời gian trống. Chị Mlơnh nói có tháng chị thu được 15 triệu đồng tiền hàng, cuộc sống cũng đỡ nhiều từ khoản tiền ấy. Chị em cũng tham gia tích cực các cuộc lễ hội, hội thi văn hóa dân tộc để vừa luyện tay nghề, vừa quảng bá sản phẩm văn hóa và nghề truyền thống của dân tộc mình đến bạn bè khắp nơi. Chị bảo đi những chuyến ấy học hỏi được nhiều điều. Bây giờ, chị không chỉ dệt trang phục với hoa văn trang trí của dân tộc Bahnar mình mà có thể thiết kế, dệt và trang trí các mẫu trang phục và hoa văn của người Jrai, Ê Đê, Xê Đăng.

 

 

Hiện nay, chị em Bahnar ở Glar vẫn đang giữ gìn, phát huy nghề dệt để có trang phục mặc trong các dịp lễ hội cộng đồng, để trao đổi mua bán tăng thu nhập. Với nghề dệt của người Bahnar ở xã Glar nói riêng, Gia Lai nói chung, rất cần được các cấp, các ngành quan tâm, định hướng và tạo môi trường, thị trường phát triển bền vững để những giá trị văn hóa tốt đẹp của nghề dệt truyền thống không mai một trong xã hội hiện đại.

 Hoàng Thanh Hương

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.