“Cho đi là còn mãi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù bận rộn với công việc kinh doanh song ông Nguyễn Tương Minh-Tổng Giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH một thành viên, Trưởng đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian kết nối những tấm lòng nhân ái để trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai.

Hành trình thiện nguyện ấy được ông Minh duy trì suốt 16 năm qua với tâm niệm “Thiện nguyện từ tâm, cho đi là còn mãi”.

Kết nối, lan tỏa yêu thương

Ông Nguyễn Tương Minh cùng các thành viên đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh vừa có chuyến thiện nguyện 3 ngày (từ ngày 11 đến 13-1) tại nhiều xã vùng khó của Gia Lai. Đi cùng đoàn trong chuyến thiện nguyện này, ai cũng thấy được tình cảm, tâm huyết mà ông Minh dành cho những người kém may mắn.

cho-di-la-con-mai-dd.jpg
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải (thứ 3 từ trái sang) và ông Nguyễn Tương Minh (thứ 5 từ phải sang) trao tiền hỗ trợ xây nhà cho bà Thăng (làng Hlim, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: P.L

Từ sự kết nối của Ban Dân vận Tỉnh ủy, ngày 12-1, đoàn công tác TP. Hồ Chí Minh đã đến trao tiền xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho gia đình bà Thăng (hộ cận nghèo ở làng Hlim, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Gia đình bà Thăng không có đất sản xuất, một mình bà nuôi 2 con nhỏ.

Thấu hiểu gia cảnh của bà Thăng, ông Minh đã quyết định trích 70 triệu đồng từ nguồn quỹ của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH một thành viên để xây dựng căn nhà rộng 42 m2 tặng cho gia đình.

Nhận số tiền hỗ trợ từ tay ông Minh, bà Thăng xúc động bày tỏ: “Ngôi nhà cũ xuống cấp trầm trọng, khi trời mưa phải lấy chậu để hứng nước. Được đoàn công tác hỗ trợ kinh phí, bà con trong làng góp công, căn nhà của gia đình đang dần hoàn thiện. Gia đình cảm ơn sự giúp đỡ quý báu này”.

Rời xã Lơ Pang, ông Minh cùng đoàn công tác di chuyển đến Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa) để tổ chức chương trình trao học bổng “Tiếp bước cho em đến trường”. Tại đây, Ban tổ chức đã trao 100 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các em học sinh của huyện Đak Đoa.

Đón nhận suất học bổng từ chương trình, em Kyal (lớp 6B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trần Kiên, xã Hà Đông) chia sẻ: “Em rất vui khi được nhận suất học bổng này. Em sẽ mua thêm sách vở, đồ dùng học tập”.

Trong chuyến thiện nguyện tại Gia Lai, ông Minh cùng đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh và Hội Nông dân tỉnh trao tặng những công trình, phần quà ý nghĩa gồm: 225 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho học sinh, sinh viên; 560 suất quà (gồm chăn ấm, áo ấm, nhu yếu phẩm) cho người dân; 2 mô hình sinh kế (1 con bò giống) cho 2 hội viên nông dân; hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 nhà “Đại đoàn kết”, “Mái ấm Công đoàn” cho người dân xã Đăk Rong (huyện Kbang), xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) và xã Ia Hla (huyện Chư Pưh).

Là địa phương tiếp nhận nhiều nguồn lực từ đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Ngọc Hải-Chủ tịch UBND xã Lơ Pang-cho hay: “Trước sự giúp đỡ này, bà con và thiếu nhi đều rất phấn khởi. Mỗi phần quà được trao đến tay đều rất đáng quý, góp phần sẻ chia khó khăn, tiếp thêm động lực để người dân vươn lên trong cuộc sống”.

16 năm gắn bó với công tác thiện nguyện

Nói về lý do chọn Gia Lai làm điểm đến của các chương trình thiện nguyện, ông Minh cho biết: “Tôi từng là Phó Bí thư Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, tham gia nhiều chiến dịch Mùa hè xanh ở Gia Lai. Nhận thấy cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, năm 2009, tôi kêu gọi các doanh nghiệp và nhà hảo tâm ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí để tổ chức chương trình “Ấm áp mùa đông”, “Tiếp sức đến trường” tại tỉnh Gia Lai.

Lúc đầu, nguồn lực chưa được nhiều, kinh phí khoảng 40-50 triệu đồng. Dần dần, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thấy được ý nghĩa của việc làm nên đồng hành, nguồn lực trao tặng cho bà con từ 200 triệu đồng trở lên”.

22-2795.jpg
Các thành viên đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tặng bánh kẹo cho thiếu nhi. Ảnh: P.L

Thông qua sự giới thiệu của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, những địa điểm tổ chức chương trình đều ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Quà tặng cho bà con là ngôi nhà nhân ái, mô hình sinh kế, học bổng, nhu yếu phẩm…

Ngoài ra, ông Minh còn kết nối với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt TP. Hồ Chí Minh mời các bác sĩ giỏi đến Gia Lai khám bệnh cho người dân. Trước khi tổ chức chương trình, ông Minh cùng các thành viên đoàn công tác kết nối với các đơn vị để lựa chọn địa bàn, đối tượng thụ hưởng phù hợp và trực tiếp đi khảo sát.

Mỗi lần đến Gia Lai thực hiện chương trình thiện nguyện, đoàn công tác có khoảng 30-50 thành viên. Họ là những cán bộ, công chức mới nghỉ hưu, giám đốc các doanh nghiệp, bác sĩ vừa hoàn thành ca trực... Tranh thủ thời gian cuối tuần, họ di chuyển chặng đường gần 500 km đến trao yêu thương cho bà con vùng khó.

Ông Nguyễn Văn Nhựt-Thành viên đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh-bày tỏ: “Anh Minh là người đứng ra kết nối, khơi dậy sự đoàn kết và tình yêu thương cộng đồng trong mỗi thành viên. Tham gia chương trình thiện nguyện, chúng tôi thấu hiểu được cuộc sống khó khăn, vất vả của bà con vùng dân tộc thiểu số. Một số thành viên còn chủ động kết nối nguồn lực để trao tặng quà cho bà con”.

“Là Tổng Giám đốc Công ty, ông sắp xếp thời gian như thế nào để có thể tham gia hoạt động thiện nguyện”? Trả lời câu hỏi này của P.V, ông Minh cho hay: “Hoạt động thiện nguyện thường được tổ chức vào những ngày cuối tuần để các thành viên đều có thể tham gia. Kế hoạch chương trình được lên chi tiết từ trước nên tôi chủ động phân công công việc cho anh em ở nhà, kết hợp điều hành công việc từ xa”.

Ông Minh cho rằng: “Chương trình được tổ chức thành công trong 16 năm qua là nhờ sự chung sức, đồng lòng của các thành viên. Có đi đến vùng khó khăn mới thấy cuộc sống của mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Món quà dù giá trị vật chất không lớn nhưng bà con đều rất trân trọng. Tình cảm của bà con cho chúng tôi thấy việc làm của mình thêm phần ý nghĩa. Tôi thường xuyên động viên mọi người cố gắng, kết nối để chương trình quy mô hơn, trao những phần quà mà bà con thực sự cần”.

Liên đoàn Lao động tỉnh là cơ quan thường xuyên phối hợp với đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh để trao tặng những phần quà ý nghĩa cho đoàn viên và thiếu nhi. Ông Nguyễn Hoàng Phong-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh-chia sẻ: “Tôi biết anh Minh từ lúc còn công tác tại Tỉnh Đoàn. Anh Minh là người tận tâm với các hoạt động thiện nguyện ở tỉnh Gia Lai.

Tôi rất trân quý và cảm thấy hạnh phúc vì được đồng hành với đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là anh Minh trong các chương trình thiện nguyện. Sự tâm huyết và tình cảm của anh Minh không chỉ góp phần động viên, giúp người dân vượt qua khó khăn mà còn lan tỏa nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng. Mong rằng anh Minh cùng đoàn công tác sẽ có thêm nhiều hoạt động hướng về Gia Lai trong thời gian tới”.

16 năm qua, với sự dẫn dắt của ông Minh, đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh đã thăm hỏi, trao tặng hơn 10.000 suất quà cho thanh thiếu nhi và người dân; khám bệnh, cấp phát thuốc cho gần 10.000 lượt người nghèo; hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng hệ thống nước tự chảy cho bà con làng Kon Jốt (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa); hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng cầu dân sinh cho người dân ở xã Kon Pne (huyện Kbang); trao tặng hàng chục nhà nhân ái, nhà “Đại đoàn kết”, nhà “Khăn quàng đỏ”, “Mái ấm Công đoàn”… cùng hàng ngàn phần quà ý nghĩa khác.

Ông Nguyễn Tương Minh: “Những chuyến thiện nguyện giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống của bà con vùng dân tộc thiểu số và thấy thương những em nhỏ ở vùng khó. Tôi mong mình có sức khỏe, tiếp tục nhận được sự tin tưởng của mọi người để nối dài hành trình thiện nguyện vô cùng ý nghĩa này tại tỉnh Gia Lai”.

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.

Người gieo ánh sáng yêu thương

Người gieo ánh sáng yêu thương

Bị khiếm thị từ nhỏ, song Lã Minh Trường, sinh năm 2001, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật TP Hà Nội, đã vươn lên trong học tập, thi đấu thể thao và tích cực hoạt động công tác xã hội trong 5 năm qua.