Chăm đàn gà nhà trước khi đón đại bàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính phủ đang khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết và hấp dẫn để 'lót ổ đón đại bàng'. Nhưng tôi cho rằng trước khi mời đại bàng đến đậu thì hãy chăm lo cho đàn gà ở trong sân nhà.

 

Hãy chăm sóc, nâng niu các doanh nghiệp và dự án đang được triển khai, đang vận hành ở đất nước này, tháo gỡ ngay những trở ngại, khó khăn cho họ chính là cách thức xúc tiến đầu tư thuyết phục và hiệu quả nhất.

Nên nhớ rằng các nhà đầu tư quốc tế bao giờ cũng xuất phát từ thực chứng vận hành của những dự án đang có, để quyết định chọn Việt Nam là điểm đến hay không chứ không dễ dàng chỉ căn cứ vào cam kết của những người làm xúc tiến "bỏ trứng vào trong giỏ".

"Lót ổ" bằng thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, xúc tiến cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là "hữu xạ tự nhiên hương". Tạo được niềm tin và cảm nhận của người dân, doanh nghiệp về những nỗ lực tạo thuận lợi, bảo đảm ổn định và minh bạch của thể chế, tận tâm của chính quyền mới chính là những việc mà chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn.

Kết luận số 77 của Bộ Chính trị về "chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước" đã nhấn mạnh: phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, phát huy vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp lớn và hỗ trợ phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế tham gia vào các chuỗi giá trị thông qua chính sách ưu đãi về tài chính tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác.

Không chỉ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mà doanh nghiệp lớn là nơi sản sinh ra những thương hiệu quốc gia, là những cỗ máy tạo việc làm cho người dân, đóng góp nhiều cho ngân sách, dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế tiềm năng cũng cần sự hỗ trợ.

Đại dịch qua đi, nhưng những tác động của đại dịch với các doanh nghiệp lớn và các lĩnh vực kinh tế có tiềm năng cũng rất nặng nề. Cho nên sự kích hoạt của chính sách để phục hồi thông qua các doanh nghiệp và các lĩnh vực này sẽ có tác động lan tỏa đối với cả nền kinh tế, kéo theo sự phát triển của hàng ngàn nhà, hàng vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp lớn đang nắm giữ những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, cho nên khi bị sụp đổ hay bị thâu tóm chỉ vì những khó khăn tạm thời sẽ không chỉ là thất bại của doanh nghiệp mà còn là thất bại của chính sách.

Tôi nhớ lại câu chuyện về ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ vào những năm 1980 khi thị trường máy tính bị sụt giảm bất ngờ, họ đã không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp Nhật và đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Để cứu vãn tình thế, 14 công ty bán dẫn lớn nhất của Mỹ đã thành lập liên minh SEMATECH và đã được sự chung tay của Bộ Quốc phòng Mỹ thông qua một kế hoạch đối tác công tư. Đòn bẩy này đã giúp ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ hồi sinh và giành lại vị trí tiên phong.

Trong chương trình hành động tái khởi động, phục hồi nền kinh tế hiện nay của chúng ta còn thiếu vắng những chính sách và giải pháp cụ thể như vậy cho những doanh nghiệp lớn và những dự án cốt lõi của nền kinh tế quốc gia.


 

TS VŨ TIẾN LỘC (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam)

(Dẫn nguồn theo TTO)

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.