Đã xác định được các nguyên nhân gây sụt lún đường Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khu vực xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt thuộc Km1900+350 đến Km1900+650 đường Hồ Chí Minh, bắt đầu xuất hiện các vết nứt, lún vào ngày 2/8/2023 và nghiêm trọng hơn trong các ngày sau đó.
Sụt trượt bên mái taluy âm (bên phải tuyến theo hướng lưu thông từ Đắk Nông sang Đắk Lắk) đã kéo theo 2/4 làn đường bị sụt lún, sạt trượt khiến lưu thông bị chia cắt từ tháng 8/2023. (Ảnh: TTXVN phát)

Sụt trượt bên mái taluy âm (bên phải tuyến theo hướng lưu thông từ Đắk Nông sang Đắk Lắk) đã kéo theo 2/4 làn đường bị sụt lún, sạt trượt khiến lưu thông bị chia cắt từ tháng 8/2023. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 26/8, thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông xác nhận tổ giám định sự cố đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông vừa có báo cáo về kết quả thực hiện giám định nguyên nhân sự cố công trình.

Sau 1 năm kể từ thời điểm xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt khiến 2/4 làn đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) phải tạm ngưng lưu thông, tổ giám định liên ngành tỉnh Đắk Nông do Sở Giao thông Vận tải chủ trì đã xác định được các nguyên nhân dẫn tới sự cố.

Báo cáo nêu rõ sự cố sụt lún, sạt trượt tại khu vực này là do lượng mưa tăng đột biến tại khu vực địa hình bát úp, chia cắt mạnh, cộng với lượng nước ngầm tăng nhanh trong khi địa chất vị trí sụt trượt không thuận lợi. Kế đến là do khối đất san nền (thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nằm áp sát mái ta luy âm của đoạn đường) đã bị sụt trượt.

Khu vực xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt thuộc Km1900+350 đến Km1900+650 đường Hồ Chí Minh. Đoạn đường bắt đầu xuất hiện các vết nứt, lún vào ngày 2/8/2023 và diễn ra nghiêm trọng hơn trong các ngày sau đó.

Hiện tại, phần đường chính thuộc bên phải tuyến (theo hướng lưu thông từ Đắk Nông đi Đắk Lắk) có nhiều vết nứt; trong đó, vết nứt dài nhất hơn 40m (với bề rộng từ 10-15cm). Một số đoạn thuộc dải phân cách, phần đường gom bị sụt lún nặng (thấp từ 3,5-5m so với mặt đường hiện trạng).

Tình trạng này khiến việc lưu thông qua 2/4 làn đường bị chia cắt và ngành chức năng đã rào chắn, cắm biển bảng cấm lưu thông từ đầu tháng 8/2023.

Đáng chú ý hơn, cơ quan chức năng cũng xác định, gần 1.500 m2 đất thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại phường Nghĩa Thành của Công ty cổ phần Đường bộ Đắk Lắk (nằm tiếp giáp với đoạn đường bị sụt lún bên mái taluy âm) cũng bị sụt trượt hoàn toàn. Vị trí sâu nhất bị sụt khoảng 5m so với vỉa hè hiện trạng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, đoạn tuyến xảy ra sự cố do Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2013 trước khi được bàn giao cho là Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông quản lý, bảo trì theo quy định.

Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cũng xác định sự cố sụt lún, sạt trượt không liên quan tới quá trình đầu tư, xây dựng cũng như vận hành, bảo trì đoạn đường.

Khu vực đoạn đường sụt lún, sạt trượt đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Khu vực đoạn đường sụt lún, sạt trượt đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Cũng theo báo cáo, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông xác định sự cố công trình có liên quan tới khối đất san nền thuộc phạm vi thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại phường Nghĩa Thành của Công ty cổ phần Đường bộ Đắk Lắk. Đây là nguyên nhân chủ quan duy nhất trong nhóm các nguyên nhân dẫn tới sự cố công trình (các nguyên nhân còn lại đều do thời tiết, lượng mưa, địa hình, địa chất, thủy văn).

Tổ giám định đã yêu cầu các đơn vị, từ chủ đầu tư cho đến chính quyền địa phương cung cấp các tài liệu liên quan. Tuy nhiên, các đơn vị đều chưa cung cấp với lý do là thất lạc hồ sơ trong quá trình lưu trữ.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Gia Nghĩa, việc san lấp tại dự án khu dân cư là tự phát, chưa được cấp phép và ngành chức năng thành phố, chính quyền địa phương phường Nghĩa Thành cũng chưa tìm thấy các hồ sơ liên quan việc kiểm tra, xử lý, xử phạt hành vi này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Gia Nghĩa, xác nhận Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo các Phòng Tài nguyên-Môi trường, Phòng Quản lý đô thị và Ủy ban Nhân dân phường Nghĩa Thành rà soát, kiểm tra các hồ sơ liên quan tới dự án hạ tầng khu dân cư tại phường Nghĩa Thành cũng như việc kiểm tra, xử lý hoạt động san lấp, xây dựng tại đây.

“Các đơn vị đã báo cáo tìm chưa ra nhưng Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo phải kiểm tra, rà soát kỹ. Khi có kết quả chúng tôi sẽ căn cứ để xử lý theo quy định,” ông Thạch Cảnh Tịnh chia sẻ thêm.

Còn theo ông Hà Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, tổ trưởng tổ giám định, ưu tiên của tổ khi thực hiện nhiệm vụ là chỉ rõ các nguyên nhân dẫn tới sự cố đoạn đường và đề xuất các giải pháp để khắc phục sớm, triệt để, đảm bảo việc lưu thông qua khu vực. Do dự án hạ tầng khu dân cư chưa được cấp giấy phép xây dựng nên tổ không đi sâu vào xem xét sự tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện.

Việc xác định bổ sung trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân liên quan việc san lấp mặt bằng trong phạm vi sự cố sẽ do các cơ quan chức năng xem xét, đề xuất, thực hiện trong trường hợp cần thiết và khi có đủ thông tin.

Cũng theo báo cáo giám định, có 2 phương án để khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đường Hồ Chí Minh nói trên.

Phương án thứ nhất là hoàn trả nguyên trạng; phương án thứ 2 là cải tạo vị trí tuyến sang phía bên trái (theo hướng lưu thông từ Đắk Nông sang Đắk Lắk). Kinh phí dự kiến gần 200 tỷ đồng và thời gian thi công từ 9-11 tháng.

Hiện nay, các đơn vị liên quan đang lập báo cáo tiền khả thi và dự kiến cuối năm 2024, đầu năm 2025 sẽ khởi công việc khắc phục đoạn đường này.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.