Gia Lai: Chủ động phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)-

Thực hiện công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa, các nhà máy thủy điện trên địa bàn đã triển khai rà soát hiện trạng công trình trước, trong và sau từng đợt lũ; đồng thời chủ động phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó thiên tai với hiệu quả cao nhất.

Thực hiện Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ, Thông tư số 09/2019/TT- BCT ngày 8-7-2019 của Bộ Công thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện và Công văn số 963/UBND-NL ngày 17-5-2022 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của tỉnh; Sở Công thương đã thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện tỉnh Gia Lai năm 2024 (viết tắt là Hội đồng tư vấn).

Theo đó, trong tổng số 50 công trình thủy điện đi vào vận hành, Hội đồng tư vấn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của 31/34 công trình thủy điện thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh (tại thời điểm kiểm tra, 3 công trình tạm ngừng phát điện, xin hoãn kiểm tra). Còn lại 8 công trình thủy điện thuộc danh mục đập, hồ chứa thủy điện xây dựng trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương; 4 công trình thủy điện phát điện tự dùng, có quy mô công suất, đập và dung tích hồ chứa rất nhỏ; 3 công trình thủy điện là thủy lợi kết hợp phát điện; 1 công trình thủy điện có chiều cao đập dưới 5 m và hồ chứa nước có dung tích toàn bộ dưới 50.000 m2.

Công trình Nhà máy thủy điện Krông Pa 2 (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: V.T
Công trình Nhà máy thủy điện Krông Pa 2 (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: V.T

Nhà máy thủy điện Krông Pa 2 (xã Đak Rong, huyện Kbang) do Công ty cổ phần Gia Lâm làm chủ đầu tư có công suất 15MW. Nhằm chủ động công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du sau đập, công ty đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định. Ông Đặng Dầu An-Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Tại đập đã lắp đặt thiết bị quan trắc và các giá trị quan trắc đập cơ bản nằm trong giới hạn thiết kế cho phép. Qua công tác kiểm tra nội bộ, hiện trạng của các hạng mục công trình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước, các thiết bị cơ khí và thiết bị điện… đảm bảo an toàn trước, trong và sau từng đợt lũ. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn những nội dung cơ bản khi vận hành xả lũ, phát điện của công trình cho người dân xung quanh khu vực công trình biết, chủ động phòng tránh. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định”.

Còn ông Phùng Văn Việt-phụ trách quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Hà Tây (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) cho hay: Nhà máy đã lắp đặt các hệ thống cảnh báo xả nước điều tiết lũ, phát điện cho vùng hạ du bằng nhiều hình thức như: hệ thống còi cảnh báo với âm lượng lớn được lắp đặt tại đập và nhà máy, hệ thống mốc mực nước hạ lưu và bảng báo chỉ dẫn được lắp đặt tại các vị trí đã thống nhất với chính quyền địa phương. Công ty đã thành lập đội xung kích phòng-chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”(chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ). Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan liên quan để chủ động vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 50 công trình thủy điện đi vào vận hành (gồm 8 thủy điện lớn và 42 thủy điện vừa, nhỏ) với tổng công suất hoạt động hơn 2.250 MW.

Qua kiểm tra bằng trực quan hiện trạng an toàn đập, hồ chứa của Hội đồng tư vấn, hầu hết các đập thủy điện vận hành bình thường, chưa phát hiện các biểu hiện nứt, thấm, sạt trượt mái thượng-hạ lưu và các hiện tượng bất thường khác liên quan đến an toàn của đập. Qua kiểm tra số liệu quan trắc đối với các đập đã lắp đặt thiết bị quan trắc, các giá trị quan trắc đập cơ bản nằm trong giới hạn thiết kế cho phép. Đồng thời, theo báo cáo kết quả kiểm định an toàn đập thủy điện từ các đơn vị chức năng đều đánh giá, kết luận công trình vận hành ổn định, có khả năng chống lũ theo các tần suất thiết kế. Công tác đăng ký an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, quy trình bảo trì đập và các thiết bị vận hành theo quy định, phương án ứng phó với thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp, bảo vệ đập, cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập… được các thủy điện thực hiện đầy đủ.

Các công trình thủy điện vận hành ổn định, có khả năng chống lũ theo các tần suất thiết kế. Ảnh: V.T
Các công trình thủy điện vận hành ổn định, có khả năng chống lũ theo các tần suất thiết kế. Ảnh: V.T

Ông Rcom Jen-Phó Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, cho biết bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện thì một số ít đơn vị quản lý vận hành thủy điện chưa thực hiện công tác rà soát, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai theo định kỳ hàng năm; thực hiện chưa đầy đủ chế độ thông báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng của địa phương trước, trong và sau quá trình xả lũ theo quy định. Còn 3 thủy điện có quy mô công suất nhỏ (gồm thuỷ điện: Thác Ba, Ia Lốp, Bàu Cạn) chưa đánh giá được công tác an toàn đập hồ chứa theo quy định, do thủy điện tạm dừng phát điện, xin hoãn kiểm tra; đồng thời, 3 thủy điện này được đưa vào vận hành từ trước năm 1990 và chuyển giao qua nhiều chủ sở hữu nên hồ sơ thiết kế hiện đã bị thất lạc, chưa được phục hồi lại, do vậy quá trình xây dựng các phương án cũng như thực hiện các quy định khác còn kéo dài.

“Để khắc phục, xử lý một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, Hội đồng tư vấn đã yêu cầu các thủy điện tỉnh tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công trình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước... đối với các thiết bị cơ khí và thiết bị điện; khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết (nếu có) để đảm bảo an toàn trước, trong và sau từng đợt lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, tuân thủ trong vận hành để bảo đảm mực nước khống chế trong quy trình vận hành của hồ chứa; tăng cường cảnh báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ; thực hiện duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định. Hiện nay, phần mềm tính toán các tình huống vỡ đập ứng phó với tình huống lũ thiết kế và lũ kiểm tra vẫn đang được nghiên cứu xây dựng, nên các chủ sở hữu/đơn vị quản lý vận hành chưa tính toán được chính xác các tình huống xảy ra. Việc tính toán tình huống vỡ đập dựa trên việc giả định một tình huống bất thường gây vỡ đập cùng với việc khảo sát thực tế đặc điểm vùng hạ du sau đập và các dấu tích lũ để lại, nên các số liệu có độ chính xác chưa cao. Do vậy, đơn vị tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương ban hành thông tư hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể việc xây dựng các tình huống để địa phương và các chủ sở hữu/đơn vị quản lý vận hành triển khai thực hiện”-ông Jen cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm