Hiệp định Genève 70 năm nhìn lại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cách đây 70 năm, vào ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam.

Hiệp định này mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta.

Ngay từ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương ngăn chặn chiến tranh, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946. Thế nhưng, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã liên tiếp lấn tới, đẩy mạnh chiến tranh, buộc Nhân dân Việt Nam phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được.

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và ý chí quật cường, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, huy động mọi nguồn lực quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Cuối năm 1953, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao.

Ngày 26-4-1954, Hội nghị Genève khai mạc và bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên. Đây cũng là thời điểm quân và dân ta chuẩn bị kết thúc thắng lợi đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ; quân Pháp ở đây lâm vào tình thế nguy khốn. Tuy nhiên, cho đến lúc này, các nước phương Tây vẫn chưa chấp nhận sự tham gia hội nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 1-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Trước thất bại không thể cứu vãn, ngày 2-5-1954, Anh, Pháp, Mỹ thông báo qua Liên Xô chấp nhận sự có mặt chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève.

Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Một ngày sau, Hội nghị Genève bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương. Trải qua nhiều giai đoạn đàm phán, ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Genève (ảnh tư liệu).

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Genève (ảnh tư liệu).

Thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Genève bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cùng trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam.

Hiệp định là kết tinh thành quả đấu tranh gian khổ và hy sinh to lớn của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947 đến Chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950 và tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Và trong đó có sự đóng góp của quân và dân Gia Lai bằng trận “Điện Biên Phủ” ở miền Nam, đánh bại hoàn toàn Binh đoàn Cơ động 100 của Pháp ở Đak Pơ ngày 24-6-1954.

Hiệp định Genève được ký kết, hòa bình lập lại ở Việt Nam là niềm vui mừng khôn tả của quân và dân ta. Tuy nhiên, hiệp định này quy định cần có thời gian để hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Và Hiệp định xác định ranh giới tạm thời giữa 2 miền Nam-Bắc ở sông Bến Hải, cầu Hiền Lương-tương ứng tại vĩ tuyến 17, gọi là khu phi quân sự. Nhưng ranh giới tạm thời ấy đã bị Mỹ-Diệm phá hoại, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Từ chỗ ghi nhận thắng lợi của Nhân dân ta trong suốt chiều dài gần 1 thế kỷ bền bỉ đấu tranh chống thực dân Pháp để giành độc lập, khu phi quân sự-vĩ tuyến 17 đã trở thành điểm khởi đầu của cuộc kháng chiến kéo dài ròng rã 21 năm (1954-1975) chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, từ tháng 6-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam, lập chính quyền bù nhìn phản động. Chính quyền Diệm về sau được bàn tay Mỹ nuôi dưỡng và điều khiển, phá hoại Hiệp định Genève, tiến hành cuộc chiến “một phía”, ra sức đàn áp lực lượng cách mạng miền Nam, xóa bỏ ảnh hưởng của Đảng đối với cách mạng và Nhân dân miền Nam.

Mỹ-Diệm thiết lập chế độ độc tài phát xít, thực hiện tố cộng, diệt cộng, với cái gọi là “chính sách cải cách điền địa”, lập các khu dinh điền, ấp chiến lược... biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự làm bàn đạp tiến công miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, sau khi thực hiện Hiệp định Genève, chuyển giao địa bàn, quân đội và cán bộ của ta tập kết ra Bắc. Sau khi tiếp quản địa bàn, Mỹ-Diệm tiến hành các biện pháp chiến lược về chính trị, quân sự, kinh tế từ tỉnh đến cấp quận, xã và các làng, thôn để nắm dân.

Thời gian đầu, chúng dựa vào lực lượng tay chân thân Pháp, vẫn giữ các chánh tổng và chủ làng. Sau này, thay vào đó là đội ngũ tay sai thân Mỹ-Diệm; lập ra các tổ chức chính trị phản động như: “Đảng Cần lao nhân vị”, “Phong trào cách mạng quốc gia”, “Tập đoàn công dân”, “Thanh niên, thanh nữ cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới”, “Hiệp hội nông dân”... làm hậu thuẫn cho chế độ “quốc gia” giả hiệu. Chúng phát triển mạnh các tổ chức tôn giáo. Dùng các chiêu bài lừa bịp, mị dân để khống chế, kích động, gây nghi ngờ, chia rẽ trong Nhân dân.

Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam, sau Hiệp định Genève, Đảng ta đã kịp thời chuyển hướng về tư tưởng, tổ chức, đề ra nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống Mỹ-Diệm, đòi thi hành Hiệp định để giữ hòa bình, củng cố và xây dựng lực lượng cách mạng.

Ngày 27-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc... Để giành lấy thắng lợi, toàn thể Nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí”.

Từ cuối tháng 8-1954, sau khi bàn giao địa bàn, rút quân về đồng bằng chuẩn bị tập kết, Tỉnh ủy Gia Lai phân công cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, giải thích mọi chủ trương, chính sách của ta giúp cán bộ cơ sở và người dân hiểu rõ ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Genève, giải đáp các thắc mắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Giai đoạn đầu, tuy ta gặp không ít khó khăn, nhưng sau một thời gian củng cố tổ chức cơ sở và được sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu 5, phong trào đấu tranh chính trị đòi chính quyền Diệm thi hành Hiệp định Genève, đòi dân sinh, dân chủ, giải quyết đời sống cho dân diễn ra sôi nổi.

Hiệp định Genève có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là lần đầu tiên Chính phủ Pháp và “mỗi nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ...”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam; quân đội Pháp phải rút về nước, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc cho Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Và cũng từ đây, dân tộc ta đã đi qua nhiều chặng đường lịch sử: 21 năm kháng chiến trường kỳ để đất nước sạch bóng quân xâm lược, giang sơn thu về một mối; 10 năm đấu tranh phá bao vây cấm vận và gần 40 năm đổi mới, đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.