Chị Siu Hồng biến nắp lon bia thành gùi, túi xách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ những phế liệu như nắp lon bia, nắp lon nước ngọt... chị Siu Hồng (làng Châm, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã khéo léo tạo nên những chiếc gùi và túi xách xinh xắn, độc đáo.
Qua đôi bàn tay khéo léo của chị Siu Hồng, những chiếc gùi, túi xách được đan từ cước và nắp lon bia trở thành những sản phẩm tinh xảo, độc đáo. Ảnh: V.T

Qua đôi bàn tay khéo léo của chị Siu Hồng, những chiếc gùi, túi xách được đan từ cước và nắp lon bia trở thành những sản phẩm tinh xảo, độc đáo. Ảnh: V.T

Từ nhỏ, chị Siu Hồng đã được bố mẹ truyền dạy cách đan gùi theo truyền thống của dân tộc Jrai. Cho đến một ngày, tình cờ chị nhìn thấy một số sản phẩm túi xách của người quen được làm từ nắp lon bia và sợi cước. Thấy chiếc túi vừa đẹp vừa độc đáo nên chị mua 1 chiếc. Sau nhiều lần mày mò nghiên cứu sản phẩm, chị quyết tâm làm theo. Dựa trên những đường nét, mối đan truyền thống, chị sáng tạo cách phối hoa văn, phối màu để sản phẩm thêm bắt mắt.

Chị Hồng chia sẻ: “Ban đầu, tôi làm chiếc túi đơn giản hình chữ nhật có dây kéo, sau đó thì đến những sản phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau, phù hợp với từng mục đích sử dụng như: ví cầm tay, túi đeo chéo, túi xách tay, ba lô, hộp bút, gùi để đi rẫy, gùi trang trí… Lúc đó, tôi suy nghĩ chỉ làm để dùng trong gia đình thôi, nhưng mọi người thấy sản phẩm đẹp nên động viên tôi làm để bán ra thị trường. Để có vật liệu, tôi đặt các vựa thu mua phế liệu gom nắp lon bia, nắp lon nước ngọt và mua thêm sợi len, sợi cước về làm”.

Theo chị Hồng, việc làm túi, đan gùi thường diễn ra vào buổi tối hoặc lúc rảnh rỗi. Mới đầu chưa quen tay nên chị mất khá nhiều thời gian. Đây đều là những sản phẩm thủ công nên phải tỉ mỉ, cẩn thận. Tùy theo kích cỡ, hình dáng, mỗi sản phẩm sẽ có thời gian làm khác nhau, thường mất 2-5 ngày mới hoàn chỉnh. Đối với những sản phẩm khách đặt theo yêu cầu về kiểu cách, màu sắc thì thời gian làm lâu hơn. Giá bán dao động trong khoảng 50-350 ngàn đồng/chiếc túi, 400-500 ngàn đồng/chiếc gùi.

“Công phu nhất là dùng cước kết nắp lon bia để đan gùi. Để sản phẩm cách điệu về chất liệu nhưng vẫn có nét đặc trưng hoa văn truyền thống, tôi đính cườm trắng và phối màu họa tiết hình tròn, tam giác, sọc, ô vuông, hoặc điểm xuyết thêm hoa lá… Làm như vậy sản phẩm gùi của mình mới tạo được sức hút đối với khách hàng”-chị Hồng nói.

Sản phẩm làm từ vật tái chế được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá tại các chương trình xúc tiến thương mại ở địa phương. Ảnh: V.T

Sản phẩm làm từ vật tái chế được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá tại các chương trình xúc tiến thương mại ở địa phương. Ảnh: V.T

Sau 3 năm kiên trì làm việc, đến nay, chị Hồng đã tạo hàng trăm sản phẩm khác nhau. Càng về sau, các sản phẩm càng có tính hữu dụng trong sinh hoạt, do đó thu hút được sự quan tâm tìm mua của nhiều người. Chị Hồ Thị Thảo (cùng làng) cho biết: “Tôi thấy chị Hồng đan kết các sản phẩm rất công phu. Sản phẩm được làm từ nắp lon bia nên rất độc đáo. Tôi đã giới thiệu đến bạn bè ở các nơi và họ rất thích nên đã đặt mua”.

Còn chị Phạm Thị Thúy (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) thì cho hay: Trong một lần đến tham quan phiên chợ được tổ chức ở thị trấn, thấy chiếc túi chị Hồng kết từ nắp lon bia và sợi thô lạ mắt nên chị đã mua. Nhiều người thấy sản phẩm cũng không tiếc lời khen ngợi và nhờ chị liên hệ đặt mẫu theo yêu cầu.

Bà Đoàn Thị Vân-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Grăng: Với sự sáng tạo và khéo léo, chị Siu Hồng đã biến phế liệu thành nhiều sản phẩm hữu dụng và đồ trang trí mang nét đặc trưng của đồng bào Jrai. Thông qua việc quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, tôi nhận thấy khách hàng bày tỏ niềm thích thú vì đây là những sản phẩm hữu dụng, rất sáng tạo và vô cùng độc đáo. Hội đã kết nối để đưa sản phẩm đi trưng bày, quảng bá và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách du lịch.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…