Lộng hành “cát tặc” sông Hồng (Kỳ 1)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những tháng cuối năm 2023, có nguồn tin cho chúng tôi biết: có tình trạng cát tặc diễn ra phức tạp, lộng hành trên sông Hồng.

Quá trình tìm hiểu của nhóm phóng viên báo Thời Nay, thực tế vượt xa những thông tin ban đầu. Suốt dọc chiều dài sông Hồng từ Hà Nội ngược lên Vĩnh Phúc, xuất hiện nhiều điểm nóng hoạt động khai thác cát trái phép.

Các tàu khai thác cát trái phép tại khu vực cầu Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc) lúc 11 giờ 15 phút ngày 24/12/2023.

Các tàu khai thác cát trái phép tại khu vực cầu Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc) lúc 11 giờ 15 phút ngày 24/12/2023.

Kỳ 1: Khi đáy sông nổi sóng

Cát tặc sông Hồng là chuyện không mới. Nhưng chuyện cát tặc chuyển từ lén lút tiến thẳng lên công khai, rầm rộ là chuyện chưa từng có! Sông Hồng như lại nổi sóng vì cát tặc.

Những khúc sông không còn yên ả

Từ tháng 9/2023, báo Thời Nay liên tục nhận được phản ánh của nhân dân về hoạt động khai thác cát trái phép rầm rộ trên sông Hồng khu vực gần cầu Thăng Long, cầu Vĩnh Thịnh và một số địa điểm khác.

Trong đó, chủ một mỏ cát đang tạm dừng khai thác theo yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Doanh nghiệp của tôi trước đây được cấp phép khai thác mỏ cát ở gần cầu Vĩnh Thịnh. Nhưng từ năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho dừng hết việc khai thác cát trên toàn tỉnh. Thời gian gần đây khu vực gần điểm mỏ của tôi đã xuất hiện rất nhiều tàu hút vào buổi đêm. Tôi đã rất nhiều lần gửi các bằng chứng là hình ảnh và video các tàu hút cát ở giữa sông Hồng cho các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc và thị xã Sơn Tây (Hà Nội), vì đây là khu vực giáp ranh. Song, chỉ được vài ngày yên ắng, các tàu nghỉ hút rồi những tiếng “gầm gừ” của tàu hút cát lại nổi lên. Thậm chí có người còn bắn tiếng đến tôi để đề nghị hợp tác… hút cát lậu. Họ đề nghị chỉ cần cho họ đưa tàu hút cát sang điểm mỏ của tôi, còn lại họ sẽ tự “lo liệu”, lợi nhuận chia cho tôi một phần. Tất nhiên tôi đã từ chối”.

Chủ doanh nghiệp này cũng chia sẻ thêm với nhóm phóng viên, “chủ trương cấm khai thác của tỉnh Vĩnh Phúc, tôi tuân theo. Nhưng điểm mỏ trong diện tích giấy phép cấp cho tôi trước đây, tôi vẫn giám sát để không cho “cát tặc” vào khai thác. Bởi tôi nghĩ, rồi sẽ có ngày tỉnh sẽ cho phép khai thác trở lại, lúc ấy doanh nghiệp của tôi sẽ được ưu tiên hoạt động trở lại”.

Từ thông tin ban đầu, nhóm phóng viên mở rộng tìm hiểu hoạt động của cát tặc. Qua ngư dân N.Châu chia sẻ: “Gần hai tháng nay tàu hút cát đêm rất nhiều. Trời chỉ sẩm tối là tiếng máy hút của cát tặc đã râm ran cả một khúc sông…”. Anh P.Tân (Ba Vì, Hà Nội), là một lái tàu chở hàng thường xuyên trên tuyến sông Hồng cũng phản ánh, dọc tuyến sông gần đây có rất nhiều tàu hút cát lậu cả ngày lẫn đêm, các tàu này hoạt động rất ngang nhiên với tần suất liên tục.

Ghi nhận thêm được thông tin, nhóm phóng viên Thời Nay đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát hai bên bờ sông Hồng ở gần các điểm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Thịnh… Các điểm này đều có rất nhiều các tàu hút cát trông có vẻ cũ kỹ đang neo đậu sát bờ. Đơn cử như ở trên sông đoạn chân chùa Bồ Đề có 1-2 tàu hút và 2-3 tàu vận tải chở cát. Hay địa phận xã Hải Bối có đến khoảng 13 tàu hút và chở cát tập kết…

Nằm ngay khu vực trung tâm Hà Nội, ở những địa phận không có giấy phép khai thác mỏ cát, nhưng những tàu hút cát neo đậu tập trung như vậy cho thấy dấu hiệu hoạt động mạnh của cát tặc. Theo kinh nghiệm của dân “làm cát”, tàu hút thường neo đậu cách nơi khai thác chỉ chừng 1-2km. Để tiết kiệm chi phí dầu, chúng sẽ không đậu quá xa vùng hoạt động.

Nhóm phóng viên đã lên kế hoạch để điều tra thực trạng cát tặc lộng hành trên sông Hồng.

Trong quá trình đi khảo sát thực tế, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là trên đoạn đường đê hai bên bờ sông gần chân cầu Vĩnh Thịnh, bất cứ xe “lạ” nào dừng giữa cầu hay chĩa điện thoại xuống sông thì sẽ bị đội cảnh giới bám theo. Hoạt động cảnh giới xuất hiện cả trên bờ và dưới sông. Trên bờ là những chiếc xe ô-tô bán tải lượn đi, lượn lại ở khu vực này cả ngày lẫn đêm. Người lạ dừng xe trên đường lập tức có người tới hỏi thăm, “có cần giúp gì không?”, hoặc bị yêu cầu di chuyển… Tuy vậy, chúng tôi đã cơ bản nắm được hoạt động của các tàu hút thường diễn ra từ 21-23 giờ đêm. Có những hôm chúng hoạt động muộn hơn nhưng chỉ kết thúc vào khoảng 3 - 4 giờ sáng.

Lúc 19 giờ 20 phút ngày 2/1/2024, ba tàu cát tặc hoạt động cách cầu Thanh Trì chừng 500m về phía trung tâm Hà Nội.

Lúc 19 giờ 20 phút ngày 2/1/2024, ba tàu cát tặc hoạt động cách cầu Thanh Trì chừng 500m về phía trung tâm Hà Nội.

Chuẩn bị cho chuyến đi dài

Để ghi nhận được thực trạng hoạt động của cát tặc, nếu chỉ đứng quan sát trên bờ sẽ có rất nhiều điểm “mù”, không thể quan sát hết được toàn tuyến sông Hồng, cũng như rất khó để xác định được quy mô, tính chất lộng hành của chúng. Chúng tôi quyết định sẽ di chuyển bằng thuyền trên sông để thực hiện loạt phóng sự này.

Chọn một con thuyền, đi trên một con sông từ sáng đến tối, chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra lại khá phức tạp. Trong lúc tìm kiếm sự hỗ trợ bằng thuyền để tác nghiệp, anh T.Long, một người đã từng làm “cát tặc” cười lớn khi chúng tôi tham khảo ý kiến về một chuyến đi thuyền để tìm hiểu. “Các cậu đừng nghĩ ở trên sông, tàu thuyền qua lại yên ả mà nghĩ đơn giản... Trên bờ có luật của trên bờ, dưới sông có luật dưới sông. Mọi thuyền qua lại đều có sự “kiểm soát” cẩn thận từ nhiều bên (?!). Bất cứ thuyền lạ, bất thường xuất hiện ở một khúc sông đều sẽ nhận được những sự “chú ý” đấy!”.

Anh Long đưa ra lời khuyên: “Nếu các cậu vẫn quyết đi, thì chỉ có cách này ít gây nghi ngờ nhất. Đó là đi bằng thuyền máy cỡ nhỏ, vừa đủ đi thôi. Nhưng khi đi ra giữa sông thì giả vờ như thuyền chết máy rồi nhờ tàu hàng kéo. May ra mới ít gây sự chú ý”.

“Tôi sẽ giới thiệu cho các cậu để thuê một thuyền máy như vậy, thậm chí cho người đi cùng. Việc đi lại trên sông, kể cả với mục đích bình thường cũng không hề đơn giản đâu. Vẫn cần có người am hiểu sông nước”, anh Long nói.

Nhận được những lời khuyên của anh Long, chúng tôi thêm vững tâm, đi lại trên sông, có ai đó không hài lòng chắc cũng không quá manh động.

Kế hoạch cho chuyến đi dần được hình thành. Chúng tôi sẽ di chuyển bằng thuyền từ Hà Nội, chạy ngược sông Hồng qua Vĩnh Phúc và dừng ở Phú Thọ. Quãng đường sông dài chừng 60 km, nếu đi từ 6 giờ sáng, chúng tôi sẽ đến cầu Việt Trì lúc 2-3 giờ chiều. Đến tối cả nhóm sẽ quay ngược thuyền đi đúng lộ trình cũ về Hà Nội. Trên suốt quãng đường, chúng tôi sẽ cố gắng ghi nhận hoạt động khai thác cát trái phép, các con “tàu ma” không rõ số hiệu.

Trước chuyến đi dài, cả nhóm đã có cuộc khảo sát ngắn trên sông. 21 giờ tối 24/10/2023, chúng tôi xuất phát từ gần cầu Long Biên, xuôi về hướng cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì. Anh T.N, một lái tàu quen thuộc khúc sông này khẳng định: Giờ này đi thuyền khác em đố các anh đi được. Thuyền lạ sẽ gặp khó dễ ngay. Quen như cái thuyền của em tuy không bị “soi”, nhưng nếu đi lệch lộ trình hằng ngày sẽ bị chú ý ngay lập tức…

Biết được mục đích chuyến đi của chúng tôi, khi tàu tiến gần tới cầu Vĩnh Tuy (cách chỉ vài trăm mét), anh T.N đã cố ý lái thuyền sát vào những chiếc tàu hút cát neo gần bờ. Tàu này nhìn từ xa, tuy đậu im lìm, không đèn đóm, nhưng khi tới đủ gần sẽ nghe được tiếng máy đang gầm gừ hút cát. Tiến gần hơn, khi khoảng cách hai tàu chỉ còn vài chục mét, lập tức có ánh đèn pin rọi thẳng vào nhóm phóng viên, khiến tất cả chúng tôi đều lóa mắt và giật mình. Ánh đèn pin siêu sáng, bám theo từng chuyển động của thuyền chúng tôi. Nó như không cho thuyền chúng tôi đến gần hơn nữa. Ánh đèn khiến chúng tôi không thể ghi hình được tốt. Để tránh bị phát hiện, chúng tôi cũng phải cất giấu các thiết bị mang theo. Hai bên cứ vậy, một bên vờ như vô tình đi gần tàu cát, còn bên kia dò xét, chiếu đèn như “cảnh báo” nhất cử nhất động của chiếc thuyền máy.

Chỉ vài chục giây nhưng cũng khiến nhóm phóng viên chúng tôi phải “nín thở”. Ánh đèn pin chỉ dừng lại khi thuyền chúng tôi đi qua hẳn. Anh T cười nhẹ tênh khi nhìn những khuôn mặt thất thần của chúng tôi: Tuy em không làm cát, nhưng hầu như phương thức thủ đoạn của cát tặc khu vực này em đều nắm được. Ngay dưới chân cầu Long Biên có một điểm hút cát ngang nhiên. Tàu hút cát đậu cách bờ phía Gia Lâm khoảng 500 - 700m. Thời gian hoạt động bắt đầu từ 18 giờ (khi trời bắt đầu sẩm tối). Tàu hút cát thường sức chứa từ 500 đến 1.000m3/tàu. Mỗi tối tại điểm này người ta hút ít nhất ba lượt tàu, thường mỗi tàu/một đêm như vậy có thể lãi ròng từ 50-70 triệu đồng. Được biết, mỗi tàu hút cát phải “làm luật” 300 triệu đồng/tháng.

Vậy là nhóm phóng viên lại có thêm được những thông tin tham khảo.

Thuyền tiếp tục di chuyển. Ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy chúng tôi tiếp tục ghi nhận thêm được hình ảnh một tàu hút cát khác đang hoạt động. Chuyến đi ngắn chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, nhưng đã giúp cả nhóm mường tượng được những nguy hiểm trên sông.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.