Gương mặt thơ: Nguyễn Phúc Lộc Thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay đã gọi tên tập thơ “Đồng sen tàn” của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành. Ở nước ta, nếu có người viết kỳ lạ nhất thì có lẽ là anh.

Ngay từ khi bắt đầu vào học khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du (1993-1997), anh đã trình làng cuốn tiểu thuyết “Cõi nhân gian” gây xôn xao dư luận. Rồi sau đấy anh... biệt văn chương gần 20 năm, chuyển sang kinh doanh.

Mấy năm gần đây, anh trở lại với văn chương và thường tạo kỷ lục. Tập tiểu thuyết trường thiên “Cõi nhân gian” anh mở rộng từ tiểu thuyết cũ thành... 8 tập.

Nhưng nể nhất là anh làm thơ. Liên tục thơ, liên tục lục bát. Năm 2023, anh ra 2 tập lục bát “Mẹ” và “Đồng sen tàn”; trong đó, “Đồng sen tàn” được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, một giải thưởng quốc gia danh giá. Trước đó là “Giấc mơ sông Thương” cũng với lối lục bát hết sức ma mị.

Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành vô cùng táo bạo và đầy ám ảnh, bởi chữ, bởi thi ảnh, bởi những cảm xúc như bất chợt, như thảng hoặc nhưng lại hết sức tinh luyện đầy chủ đích, công phu. Lục bát của anh tưởng như lan man nhưng lại rất chụm, ấy là khi ta đọc hết bài và ngẩn ra bởi dư ba của nó. Ví như: “Đồng sen cứ úa lặng câm/Ta điên dại lúc người ăm ắp người/hôm nay trời vẫn chẳng nguôi/mắt trời chứa những giọt cười chan chan”. Hoặc như: “một bờ xống áo xênh xang/một giời. một đất. một đàn ngón run/Chân em đã vội rũ bùn”...

Và, anh “bật mí” với tôi, cả tiểu thuyết trường thiên, cả thơ, anh đều viết trên... điện thoại.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.

ĐỒNG SEN TÀN 4



Dấu môi tàn giữa rừng da

hay là chỉ dấu mùa hoa sen tàn?



Chật đồng từng đóa chan chan

Đầy như mâm lệ người toan khóc người

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Chiều nay em bỏ ta rồi

như sen từng cánh đang rời đài sen.



Đêm dài tựa sợi bấc đèn

Đời lom đom lửa. Buồn len lén về.



Chiều nay sen trộn hồn quê

Đòng đòng thì lỡ đang bề bề non



Em đang thì lứa mắt mòn

Tôi đang thờ dấu môi còn trên da



Em ơi thật chẳng phải ngoa

Đồng sen đã ướp hai ta vào trời.



THÁNG SÁU 26



Em đi đêm sánh một màu

Ánh trăng mười sáu theo hầu hạ em.



Cơn buồn vẫn ngấm rất êm

Em mà đi thật là đêm tôi hèn.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Trong tôi dầu cạn khô đèn

Nhấp chưa đủ cút đã nghèn nghẹn say.



Em đi ngân ngấn mi ngày

Lưng giời ai giắt toàn mây gió buồn.



Ai gieo nốt lệ đầy khuông

Ai khua tháng sáu ngập đường me rơi.



Nay đành em đã đi rồi

Đành em một bóng đồi mồi trùng xa.


Thôi đành thương xót ngày qua

Cố tươi mà nở. Ừ, ta dối mình...



MẸ 32



Mẹ già quẩy thúng đầu làng

Chợt nghe tiếng quạ nấc khan cuối đồng.



Bóng con về giữa cơn giông

Một chiều mù mịt, tịnh không thấy giời.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Bóng con-đọi máu trên cơi

Như miếng trầu chết ời ời giêng hai.



Hoa cải rụng trắng đồng dài

Lạng Sơn, xơ xác rừng mài tháng ba.



Mẹ già đào cả mai pha

Đi tìm một dúm thịt da giữa trời.



Tóc mây, mẹ ngả xuống đời

Cho thân con xức trong ngời ngợi hương.



Mẹ tôi-gái phủ lạng thương

Tận đêm. Gối mỏi. Con đường lại xa.



Trăng xuôi-phía ấy là nhà

Mẹ đào trăng núi. Đâu là xác con?



Ngàn năm Bắc thuộc thác mòn

Mẹ ơi, pháo giặc vẫn còn cầm canh.



Mẹ ngồi, xống áo một manh

Nhìn mầm nước mắt lên xanh ngập rừng...

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.