Kbang: Người trẻ “Gắn sao” cho rượu cần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Rượu cần là thức uống của người Bahnar ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) dùng thết đãi khách quý và sử dụng vào dịp lễ hội quan trọng. Hiện, nhiều người trẻ ở Kbang đã đưa rượu cần thành sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập cho gia đình, cộng đồng dân làng.

Khởi nghiệp từ rượu cần

Từ năm 2016 đến nay, chị Đinh Thị Đách-trưởng nhóm rượu cần thuộc tổ hợp tác nông-lâm-thủ công mỹ nghệ Voi Rừng (làng Đăk Giang 2, xã Đông, huyện Kbang) đã đưa rượu cần ra thị trường và xây dựng thương hiệu Rượu cần Đăk Giang. Chị Đinh Thị Đách cho biết: Bao đời nay, rượu cần là thức uống được người Bahnar ở làng Đăk Giang sử dụng trong dịp Tết, lễ hội và đãi khách quý. Vậy nên lúc rảnh rỗi, các bà, các chị cùng nhau ủ những ghè rượu thơm nồng để sẵn trong nhà. Sau khi lập gia đình ra ở riêng, chị áp dụng công thức ủ rượu do mẹ đẻ và mẹ chồng chỉ dạy và rút kinh nghiệm trong quá trình ủ cho ra những ghè rượu thơm ngọt, không bị chua có thể bảo quản 6-12 tháng.

“Tôi sử dụng hạt bo bo, hạt cào và bắp để nấu rượu. Những nguyên liệu này sau khi thu hoạch về đem phơi khô, mang đi xay xát để loại bỏ lớp vỏ trấu rồi đem nấu chín nguyên liệu; để nguội rồi rắc men lên. Tiếp theo trộn đều 2 nguyên liệu này lại với nhau, ủ 2 ngày, 2 đêm rồi bỏ vào từng ghè. Cuối cùng phủ lên miệng ghè miếng lá chuối, thêm miếng giấy màu cho đẹp mắt rồi buộc thật chặt để giữ nhiệt và ngăn không thoát hơi men, sau 1 tháng là có thể uống được”-chị Đinh Thị Đách chia sẻ.

Chị Đinh Thị Đách (làng Đăk Giang 2, xã Đông, huyện Kbang) phơi hạt bo bo sau khi nấu chín để chuẩn bị ủ men rượu. Ảnh: Hà Duyệt

Chị Đinh Thị Đách (làng Đăk Giang 2, xã Đông, huyện Kbang) phơi hạt bo bo sau khi nấu chín để chuẩn bị ủ men rượu. Ảnh: Hà Duyệt

Để rượu cần thơm ngon, chị Đinh Thị Đách dùng vỏ cây hyam, gạo, ớt, gừng, riềng và một số loại lá, rễ cây rừng làm men. Chị đem giã những nguyên liệu này, sau đó trộn lại với nhau rồi nắn thành từng miếng đem treo gác bếp để men không bị hỏng và đảm bảo độ thơm ngon của rượu. "Rượu được làm từ men tự nhiên rất ngon, có mùi thơm dịu nhẹ, uống không bị đau đầu"-chị Đinh Thị Đách cho biết

Chất lượng rượu được bạn bè, người thân đánh giá cao nên chị nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp, giới thiệu Rượu cần Đăk Giang tại các hội chợ, ngày hội du lịch do huyện tổ chức. Nhờ làm ăn uy tín, không ngừng cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng, mỗi năm chị bán 100-200 ghè rượu, thu lời 50-60 triệu đồng. Riêng năm 2022, chị cùng một số chị em trong nhóm sản xuất rượu cần thuộc Tổ hợp tác nông-lâm-thủ công mỹ nghệ Voi Rừng bán hơn 600 ghè rượu.

Chị Đinh Thị Nganh-thành viên Tổ hợp tác nông-lâm-thủ công mỹ nghệ Voi Rừng cho hay: Tổ hợp tác có 3 nhóm: Trà dây rừng túi lọc, mật ong rừng và rượu cần với 16 thành viên; nhóm rượu cần có 5 thành viên. Đầu năm 2022, chị Đinh Thị Đách tham gia và làm nhóm trưởng nhóm rượu cần, công việc sản xuất rượu ngày càng khởi sắc. “Vào dịp lễ, Tết, mỗi thành viên nhóm rượu cần thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Việc bán rượu cần đã giúp chúng tôi có thêm thu nhập và góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình”-chị Nganh nói.

Sử dụng các nguyên liệu, lá cây rừng để làm men tự nhiên, chị Đinh Thị Đách (làng Đăk Giang 2, xã Đông, huyện Kbang) sản xuất ra những ghè rượu truyền thống thơm ngon. Ảnh: Hà Duyệt

Sử dụng các nguyên liệu, lá cây rừng để làm men tự nhiên, chị Đinh Thị Đách (làng Đăk Giang 2, xã Đông, huyện Kbang) sản xuất ra những ghè rượu truyền thống thơm ngon. Ảnh: Hà Duyệt

Bà Siu Nganh-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông nhận xét: Từ khi tham gia tổ hợp tác nông-lâm-thủ công mỹ nghệ Voi Rừng, chị Đinh Thị Đách đã có nhiều đóng góp trong việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống; đăng ký OCOP sản phẩm Rượu cần Đăk Giang và Trà dây rừng túi lọc. 2 sản phẩm này đạt OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023. Tháng 10 vừa qua, chị Đinh Thị Đách và các thành viên nhóm rượu cần tham gia cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA), phối hợp cùng một số công ty tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với dự án “Rượu cần Đăk Giang-đặc sản văn hóa của người Bahnar”. Dự án xuất sắc lọt vào vòng bán kết cuộc thi và được Ban tổ chức trao giấy chứng nhận lâm sản ngoài gỗ (NTFP). “Đây là động lực để chị em tự tin bước tiếp con đường kinh doanh từ tài nguyên bản địa và mang lại giá trị cho cộng đồng; duy trì, nâng cao chất lượng, tăng hạng OCOP cho sản phẩm Rượu cần Đăk Giang trong thời gian tới”-bà Nganh kỳ vọng.

Gắn sao” cho rượu cần

Anh Đinh Yang (làng Groi, xã Kông Pla) tất bật ủ rượu cần cung cấp thị trường Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Ngọc Minh

Anh Đinh Yang (làng Groi, xã Kông Pla) tất bật ủ rượu cần cung cấp thị trường Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Ngọc Minh

Những ngày này, anh Đinh Yang (làng Groi, xã Kông Pla, huyện Kbang) cùng các thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla tất bật thu hoạch bông cào và sản xuất rượu cần cung ứng thị trường Tết Nguyên đán 2024. Anh Yang cho hay: HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla thành lập đầu năm 2018, đến nay có 25 thành viên với các ngành nghề: Thu mua nông sản, vật tư nông nghiệp; cung ứng cây giống và sản xuất rượu ghè truyền thống.

“Nhờ tiếp cận thông tin thị trường và áp dụng đúng công thức truyền thống với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, tôi sản xuất ra những ghè rượu ngon ngọt, uống có cảm giác sảng khoái, được nhiều người tin dùng đặt mua. Trên cơ sở đó, từ năm 2018 đến nay, tôi chú trọng sản xuất rượu cần cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2023, tôi bán được gần 400 ghè rượu, thu nhập hơn 160 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-anh Yang cho biết.

Năm 2023, anh Đinh Yang bán được gần 400 ghè rượu, thu lợi hơn 160 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Năm 2023, anh Đinh Yang bán được gần 400 ghè rượu, thu lợi hơn 160 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Dẫn chúng tôi tham quan kho bảo quản rượu, anh Yang giới thiệu: Ngoài rượu bắp, bo bo, tôi tập trung sản xuất rượu hạt cào với dung tích 2, 4, 6, 8 lít, giá bán từ 165-600 ngàn đồng/ghè. Do ít đất sản xuất nên tôi liên kết với các thành viên HTX trồng cây cào, bo bo đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất rượu. “Rượu cần của gia đình được xã Kông Pla chọn đăng ký sản phẩm OCOP cấp huyện và thật may đã đạt OCOP 3 sao cấp huyện. Hiện tôi đang hoàn thiện khu trưng bày tại nhà và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất rượu. Khi ấy bán được nhiều rượu, thu nhập của gia đình và các hộ cung cấp nguyên liệu sẽ còn cao hơn”-anh Yang chia sẻ.

Các thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla (xã Kông Pla) tất bật thu hoạch bông cào, nguyên liệu chính sản xuất rượu cào truyền thống thơm ngon. Ảnh: Ngọc Minh

Các thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla (xã Kông Pla) tất bật thu hoạch bông cào, nguyên liệu chính sản xuất rượu cào truyền thống thơm ngon. Ảnh: Ngọc Minh

Theo ông Trịnh Xuân Thông-Chủ tịch UBND xã Kông Pla: Việc anh Yang chủ động liên kết với các thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Pla trồng nguyên liệu, sản xuất ra sản phẩm rượu cần có chất lượng đã gia tăng thu nhập và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của người bản địa. Rượu cần của hộ anh Yang đạt sản phẩm OCOP 3 cấp huyện được xem là thông điệp quan trọng để xã cũng như bà con tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế.

“Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với ngành chức năng tạo điều kiện để gia đình anh Yang tiếp tục giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở các hội chợ, ngày hội du lịch; vận động bà con tham gia trồng, sản xuất nguyên liệu chế biến rượu cần; duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người Bahnar trên địa bàn”-ông Thông cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: “Cùng với cồng chiêng, từ lâu, rượu cần đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của người Bahnar ở huyện Kbang. Huyện có nhiều chương trình, hoạt động tạo điều kiện cho người dân, nhất là các bạn trẻ tham gia tổ hợp tác, HTX quảng bá, giới thiệu nét văn hóa, các món ăn, thức uống của người bản địa tới du khách bốn phương. Qua đó phát huy tiềm năng, lợi thế, gìn giữ bản sắc văn hóa của người Bahnar nói riêng, cộng đồng các dân tộc trong huyện nói chung gắn với mục tiêu phát triển du lịch văn hóa của địa phương”.

NGỌC MINH-HÀ DUYỆT

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trần Kim Hoa

Gương mặt thơ: Trần Kim Hoa

(GLO)- Không phải cho tới năm 2020, khi được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Bên trời”, nhiều người mới biết tới Trần Kim Hoa, mà trước đó rất lâu, giọng thơ đầy nội lực của một nữ nhà báo xông xáo đã khiến cán cân thơ nữ trên thi đàn Việt có phần nghiêng lệch.
Ngọt thơm hương bắp

Ngọt thơm hương bắp

(GLO)- Lúc còn nhỏ ở vùng quê nghèo khó, hương vị tôi nhớ nhất là mùi bắp luộc. Mỗi lần đi chợ về, mẹ thường mua mấy trái bắp nếp luộc làm quà cho anh em chúng tôi.
Chập chờn xứ quê

Chập chờn xứ quê

(GLO)- “Trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội/Có một miền quê trong đi đứng nói cười” (thơ Nguyễn Duy). Ai trong đời chẳng có một quê hương, nhưng mất bao lâu ta mới nhận ra xa quê hương không phải là thoát ly “nguồn cội”.

Đôi cánh ước mơ

Đôi cánh ước mơ

(GLO)- Âm thanh reo vui, quen thuộc cất lên ngoài hiên. Tôi khẽ mở ô cửa, ngó lên tán cây xanh um. Những tia nắng đầu tiên loang loáng trên phiến lá như phủ một lớp phản quang khiến chúng sáng rực. Nhìn mãi mới thấy đôi chim sâu bé xíu đang chuyền cành, ríu ran không ngừng.
Thơ Hoàng Đăng Du: Nhớ làng

Thơ Hoàng Đăng Du: Nhớ làng

(GLO)- Làng quê với bao hình ảnh, âm thanh quen thuộc luôn khiến những người con tha hương bồi hồi, nhớ nhung khôn nguôi. Với tác giả Hoàng Đăng Du cũng vậy, bóng tre trưa hè, từng con ngõ, cánh đồng, dáng mẹ liêu xiêu vẫn luôn khiến ông thổn thức, nhớ thương.
Bảo tàng Louvre chuẩn bị di dời Mona Lisa

Bảo tàng Louvre chuẩn bị di dời Mona Lisa

Bức chân dung Mona Lisa có thể sẽ có một phòng riêng tại bảo tàng Louvre. Chủ tịch bảo tàng, bà Laurence des Cars, nói với đài truyền hình France Inter rằng quyết định này sẽ mang lại cho du khách, nhiều người trong số họ đến thăm Louvre chỉ vì Mona Lisa, một trải nghiệm tốt hơn.
Độc giả có quay lưng với sách?

Độc giả có quay lưng với sách?

(GLO)- 21.600 là tổng số lượt bạn đọc đến với sách tại các sự kiện hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Với một tỉnh miền núi, đây là con số đáng khích lệ, cho thấy kết quả của những nỗ lực quảng bá sách và văn hóa đọc của nhiều đơn vị, cấp ngành.

Gương mặt thơ: Nguyễn Bình Phương

Gương mặt thơ: Nguyễn Bình Phương

(GLO)- Anh khởi đầu từ thơ, từ hồi chưa vào quân đội, rồi thành công về đường văn xuôi với những tiểu thuyết và truyện ngắn nổi tiếng, là một cây bút văn xuôi với rất nhiều thành tựu, những là “Một ví dụ xoàng”, “Mình và họ”, “Người đi vắng”, “Vào cõi”, “Ngồi”, “Những đứa trẻ chết già”...