Gương mặt thơ Vũ Toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Lần đầu tiên tôi gặp Vũ Toàn là ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), trong lần Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo thơ mà tôi là thành viên Ban tổ chức. Khi đó, một nhà thơ ở Nghệ An lôi đến một ông... y chang tôi, từ chiều cao, bề ngang tới... mái tóc và bảo, các ông nhận anh em đi.

Vũ Toàn là nhà báo điều tra nổi tiếng và là nhà thơ trữ tình cũng nổi tiếng. Anh có 4 tập thơ đã xuất bản và 6 tập phóng sự ký sự báo chí; từng được trao giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh viết thơ trữ tình, nhưng là kiểu trữ tình thế sự. Nó đau đáu, nó nghiền ngẫm và bi tráng: “Bốn phía trời mây trắng vây quanh/núi tiếp núi trập trùng thế trận/những người lính mang trong đầu mảnh đạn/bao nhiêu năm ở trại tâm thần/Họ khóc/họ cười/tôi đứng lặng câm”. Và người đọc cũng lặng câm. Không chỉ lặng câm, mà rưng rưng trào nước mắt. Còn khi viết về nỗi niềm thương nhớ thì các kiểu nhớ thương của anh nó cứ... nhùng nhằng thế này: “Sông chảy ngày đêm/ngày đêm sông chảy/nhớ mong thức dậy/tìm về nhớ mong”.

Còn nhớ lần tôi ra Vinh và ngồi với anh, anh rủ 2 anh em giống nhau thế thì làm chung với nhau một tập thơ. Ý định ấy chưa thực hiện được, nhưng với chùm thơ này, tôi muốn chứng minh, không phải cái gì chúng tôi cũng giống nhau. Và thơ, luôn là một thế giới bí ẩn.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.






Trăng trên cầu Bến Thủy



Như thể trời trồng em đứng trong mưa

em đứng trong gió, trời vừa hoàng hôn.



Như thể chiếc cầu níu giữ chân em

níu giữ đời em nâu sồng nước mắt.



Như thể... em chắp tay trước ngực

“nhớ nhau thì ngửa mặt lên nhìn trời”.

Minh họa: T.N

Minh họa: T.N

Không phải pa nô

không là tượng đá

em đang đứng trên cầu Bến Thủy

em đang đứng cuối ngày thế kỷ

thả những bông huệ trắng ngần và những nam mô.



...Nhớ rằng người lính năm xưa

vượt phà Bến Thủy nay chưa thấy về

mấy mươi xuân, một lời thề

mỗi năm một bận em về thả hoa

người xa, chùa cũng ở xa

dưới cầu bèo bọt, trên là mây hoang.



Như thể

em vầng trăng trinh nữ

đêm nay dưới cầu Bến Thủy

những bông huệ trắng ngần lấp lánh mãi không trôi.







Thơ viết ở trại tâm thần Tân Kỳ



Họ vẽ máy cày giống chiếc xe tăng

họ viết: Vinh quang thành chữ vinh quoang

“Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”

hàng chữ trên tường họ viết bằng than.



Họ viết bằng cán thìa múc canh

bằng chiếc đũa vô tình giấu được

hàng chữ vạch tường hiện lên nắn nót

Mẹ ơi! Mẹ ơi! Tiến lên! Xung phong!



Họ ngồi chơi sao giống trẻ con

nhưng không giống trẻ con gì cả

họ đang khóc rồi tự dưng múa

tay ngắt lên lá cỏ chẳng vì buồn.



Đàn gà con đến bên họ nhặt cơm

rồi rủ nhau đi về trong khóm nứa

ánh nắng trời hừng lên bên họ

rồi theo mây mất hút phía cánh rừng.



Bốn phía trời mây trắng vây quanh

núi tiếp núi trập trùng thế trận

những người lính mang trong đầu mảnh đạn

bao nhiêu năm ở trại tâm thần.



Họ khóc

họ cười

tôi đứng lặng câm.






Dòng sông tình yêu



Một bờ cách trở

Một bờ cách xa

sông trôi ở giữa

nước dâng đôi bờ.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Sông của chúng mình

sông gì em nhỉ

không cầu bắc ngang

mênh mông trời bể.



Chảy vào mong nhớ

sông dồn sóng lên

chảy vào rạn vỡ

sông trôi như thiền.



Sông chảy ngày đêm

ngày đêm sông chảy

nhớ mong thức dậy

tìm về nhớ mong.



Tìm về bên em

sông hồi hộp thở

tìm về bên anh

sông bâng khuâng nhớ.



Sông trôi như thể

một dòng sông yêu.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.