Phạm Đình Quý góp sức xây trường vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mặc dù chưa từng đứng trên bục giảng nhưng anh Phạm Đình Quý-Giám đốc Quỹ Những tấm lòng nhân ái vẫn được các em học sinh gọi là thầy trong niềm yêu thương và kính trọng. Bởi lẽ, suốt 11 năm qua, anh đã vận động các Mạnh Thường Quân quyên góp xây dựng hơn 150 công trình như: phòng học, sân trường, nhà bán trú… cho các trường vùng khó. Trong đó, Gia Lai có 7 trường học được thụ hưởng những công trình hữu ích.

Xây trường-thắp sáng ước mơ

Chúng tôi vừa gặp anh Quý ngày 10-9 vừa qua, ngay sau lễ khánh thành phòng học và sân chơi ở điểm trường H'Lin 1 của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa). Khuôn mặt lấp lánh niềm vui, anh Quý kể cho chúng tôi nghe về hành trình xây dựng những công trình mơ ước cho các trường học vùng khó.

Điểm trường H'Lin 1 có 3 lớp, trong đó có 2 lớp tiểu học (thuộc Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng) và 1 lớp mầm non (Trường Mẫu giáo Sao Mai). Năm học trước, do thiếu phòng học nên 1 lớp tiểu học phải học trong căn phòng tạm bợ rộng khoảng 36 m2. Sân chơi chưa được thảm bê tông nên mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội.

Anh Phạm Đình Quý (thứ 3 từ trái sang) bàn giao công trình cho Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện). Ảnh: Diệu Loan

Anh Phạm Đình Quý (thứ 3 từ trái sang) bàn giao công trình cho Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện). Ảnh: Diệu Loan

Tháng 8-2023, sau khi trực tiếp khảo sát, anh Quý đã đăng lên mạng xã hội Facebook những hình ảnh về điểm trường và nhận được sự quan tâm của các Mạnh Thường Quân. Trong đó, nhà hàng La Rosa Bistro (TP. Hồ Chí Minh) đã tài trợ 250 triệu đồng để xây dựng 1 phòng học mới rộng 50 m2 và sân bê tông rộng 300 m2 cho nhà trường.

Ngày 10-9, công trình lớp học và sân chơi được khánh thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh. Thầy Nguyễn Viết Tú-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng-cho biết: “Cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em. Nhờ sự hỗ trợ của anh Quý và Mạnh Thường Quân nên cơ sở vật chất đã được cải thiện”. Còn ông Rô Kly-Trưởng thôn H'Lin 1 thì bày tỏ: “Bà con trong làng còn khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp xuống cấp. Nhờ các Mạnh Thường Quân hỗ trợ, các cháu có chỗ học, vui chơi rộng rãi, khang trang”.

Năm học 2023-2024, cô và trò điểm trường Tơ Vơn 1 thuộc Trường Tiểu học Ia Khươl (huyện Chư Păh) cũng được dạy và học trong căn phòng khang trang, sạch đẹp. Đầu tháng 9-2023, Quỹ Những tấm lòng nhân ái kết nối với Công ty KFC Việt Nam hỗ trợ kinh phí để sơn 6 phòng học, làm lại cổng trường, lắp đặt máy bơm nước, sơn sửa cửa chính và 15 cửa sổ. Cô Hà Thị Kim Vân-giáo viên điểm trường Tơ Vơn 1-chia sẻ: Điểm trường có 60 học sinh người Jrai đang theo học từ lớp 1 đến lớp 4. Sự quan tâm của các Mạnh Thường Quân là nguồn động viên to lớn để cô trò tiếp tục bám lớp, bám trường, ươm những mầm xanh tương lai.

Ngoài 2 điểm trường này, từ năm 2018 đến nay, Quỹ Những tấm lòng nhân ái đã kết nối hỗ trợ xây dựng được 7 công trình cho một số trường trên địa bàn tỉnh như: 4 phòng học cho Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện); xây dựng sân trường cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der điểm trường Plei Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện)… với tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng.

11 năm góp sức xây trường

Kể về hành trình thiện nguyện của mình, anh Quý tâm sự: “Tôi từng là giám đốc một công ty xây dựng. Xuất phát từ nhiều lý do khiến công ty phá sản. Trong khi đang thất nghiệp, tôi tham gia một số hoạt động thiện nguyện cùng bạn bè. Năm 2012, trong một lần chở đồ từ thiện cho các em học sinh Trường Tiểu học Trung Lý (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), tôi chứng kiến hành trình tìm chữ của các em học sinh người dân tộc thiểu số: Mông, Thái, Mường, Dao… muôn vàn khó khăn. Nhà cách trường hơn 40 km đường núi, bố mẹ phải dựng những túp lều bằng tre nứa để các em ở lại theo học. Cuối tuần, bố mẹ đến đón hoặc các em phải đi bộ về nhà. Thức ăn hàng ngày cũng chỉ có rau và măng rừng. Chính những hình ảnh ấy đã thôi thúc tôi phải làm gì đó cho các em”.

Có sân trường bằng bê tông, các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng điểm trường H'Lin 1 thêm không gian vui chơi rộng rãi. Ảnh: Phan Lài

Có sân trường bằng bê tông, các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng điểm trường H'Lin 1 thêm không gian vui chơi rộng rãi. Ảnh: Phan Lài

Sau khi chia sẻ bài viết và hình ảnh Trường Tiểu học Trung Lý lên Facebook, anh Quý nhận được hơn 670 triệu đồng từ các Mạnh Thường Quân. Điểm trường ở trên núi cao, việc vận chuyển vật liệu gặp khó khăn. Vì vậy, anh Quý trực tiếp giám sát và thi công công trình. Bà con trong xã tự nguyện mang từng viên gạch, bao xi măng để xây trường. Lần lượt phòng bán trú, bếp ăn, sân chơi, nhà vệ sinh hoàn thành trong niềm phấn khởi của học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Theo thời gian, anh Quý rong ruổi khắp vùng Tây Bắc để khảo sát, đo đạc rồi chụp ảnh đăng Facebook kêu gọi sự chung tay của mọi người. Việc thi công cũng do đội thợ xây của Quỹ đảm nhận. Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt trong chặng đường thiện nguyện của anh Quý khi được vinh danh top 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2018 và top 5 Đại sứ truyền cảm hứng 2018. Ngay sau đó, Quỹ Những tấm lòng nhân ái của Tập đoàn Cen Group đã mời anh Quý về đảm nhận chức danh Giám đốc để tiếp tục xây dựng nhiều công trình cho các trường học khó khăn trên cả nước.

Sau 11 năm, anh Quý đã kết nối để xây dựng hơn 150 công trình cho các trường học ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Anh Quý được các Mạnh Thường Quân tin tưởng chính vì tâm huyết, minh bạch, trong sáng trong mỗi việc làm. Trong quá trình xây dựng, việc trao đổi về kinh phí, vật tư xây dựng, hạng mục và tiến độ được cập nhật liên tục trên nhóm Zalo gồm các thành viên: nhà thầu, đại diện nhà trường, nhà tài trợ. Bên cạnh đó, trên trang Facebook của Quỹ đều cập nhật chi tiết về quá trình xây dựng công trình, kê khai chi phí từng hạng mục.

Có người hỏi anh Quý: “Anh đi từ thiện nhiều thế thì lấy tiền đâu để sống”. Anh Quý cười và cho hay: “Khi thực hiện mỗi công trình, tôi tự bỏ tiền túi để đi khảo sát. Tiền thiết kế, giám sát, quản lý… tất cả gộp lại tôi tính công mình bằng công 1 thợ xây. Tôi điều hành một lúc cả chục công trình thì lương tôi bằng 10 người thợ. Việc này được các Mạnh Thường Quân thống nhất trước khi xây dựng công trình. Chính vì sự công khai, minh bạch nên suốt 11 năm qua, nhiều Mạnh Thường Quân luôn ủng hộ, trong đó có người tôi chưa từng gặp mặt”.

Ước mơ xây dựng 1.000 trường học

Với nhiều việc làm ý nghĩa nên anh Quý ngày càng được mọi người biết đến. Anh kể: “Nhiều người biết đến hoạt động xây trường của tôi nên nhắn tin trên Facebook nhờ giúp đỡ. Sau khi nắm thông tin, tôi trực tiếp đến khảo sát và kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Nhiều trường ở vùng sâu, vùng cao, giao thông không thuận lợi nhưng tôi chưa từng từ chối bất cứ đề nghị nào”.

Anh Phạm Đình Quý luôn dành tình yêu thương cho các em học sinh vùng khó. Ảnh: Quang Hải

Anh Phạm Đình Quý luôn dành tình yêu thương cho các em học sinh vùng khó. Ảnh: Quang Hải

Anh Phạm Đình Quý: “Trao cho các em 1 món quà, 1 suất học bổng chỉ là động viên nhất thời. Làm thế nào để các em yên tâm học tập, nâng cao kiến thức giúp thay đổi cuộc sống thì chỉ có đầu tư về cơ sở vật chất. Xây dựng được 1 điểm trường, tạo cơ hội học tập tốt thì có thể thay đổi số phận cho hàng trăm em”.

Khi nói về hành trình thiện nguyện của mình, anh Quý cảm thấy may mắn khi bản thân có sức khỏe và lòng tin. Sức khỏe để tiếp tục rong ruổi giúp đỡ mọi người, lòng tin để có thêm các Mạnh Thường Quân tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kinh phí. Chị Hoàng Thị Diệu Loan-giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện) là người đã kết nối với anh Quý trong việc xây dựng các công trình ở Gia Lai. Chị Loan tâm sự: “Tôi quen biết anh Quý cách đây 5 năm, theo dõi Facebook thấy anh có nhiều hoạt động xây trường. Gia Lai còn nhiều điểm trường thiếu thốn về cơ sở vật chất. Sau khi kết nối, anh Quý đã trực tiếp về khảo sát và kêu gọi kinh phí giúp đỡ. Tôi xem anh Quý là tấm gương để học hỏi và nỗ lực theo đuổi niềm đam mê thiện nguyện của mình”.

Ngoài xây dựng trường học, anh Quý còn kết nối với Mạnh Thường Quân đầu tư y tế, tài trợ chi phí phẫu thuật cho trẻ mắc bệnh tim. Năm 2020, anh Quý đã kết nối với các Mạnh Thường Quân ủng hộ hơn 10 tỷ đồng và hàng trăm chuyến hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ. Năm 2021, anh vận động mọi người ủng hộ 500 tấn rau củ quả cho người dân TP. Hồ Chí Minh trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19.

Trước khi chia tay chúng tôi, anh Quý tâm sự: “Câu chuyện về việc xây trường kể mấy ngày cũng không hết, bởi mỗi nơi lại có một câu chuyện, một hành trình riêng. Mỗi khi có dịp quay lại thăm những công trình mà Quỹ thực hiện, chứng kiến sự thay đổi tích cực, tôi nhận ra sự đầu tư cho tri thức chưa bao giờ là thừa. Tôi mơ ước có thể cùng cộng đồng xây dựng khoảng 1.000 trường học. Hành trình này còn dài và Quỹ rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương và các Mạnh Thường Quân trong cả nước”.

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.