Đã là đường dây nóng thì chớ 'nguội'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cách đây đúng 1 năm, dư luận xôn xao khi một số phụ huynh có con học tại quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) phản ánh việc học sinh học lực kém bị ép cam kết không thi vào lớp 10 hoặc phải chuyển trường cho con.

Sự việc gây “nóng” dư luận, và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chỉ đạo xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm. Đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng và email kêu gọi người dân lên tiếng phản ánh nếu có hiện tượng trên.

Một thời gian sau, đại diện Bộ GDĐT dẫn báo cáo của địa phương nói rằng, sự việc trên là… không có; dư luận cũng không biết đường dây nóng và email trên có nhận được cuộc gọi nào không, hay là bao nhiêu cuộc gọi.

Câu chuyện sau đó rơi vào im lặng, cho đến cách đây mấy ngày, câu chuyện tương tự tiếp tục được phản ánh, cũng tại một trường học ở Hà Nội.

Thậm chí, theo phản ánh, giáo viên "ép" không được rồi "đe dọa" là sẽ không "nâng đỡ"; phụ huynh cũng lo lắng rằng, các con bị bạo hành tâm lý, gây áp lực.

Trước tình hình trên, Sở GDĐT Hà Nội có văn bản gửi Trưởng các phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã trên địa bàn về việc rà soát, kiểm tra hiện tượng vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Chỉ nghe qua câu chuyện, hẳn ai cũng biết rằng, bản chất của sự việc chính là bệnh thành tích trong giáo dục. Hay đơn giản là, nguyên nhân việc ép học sinh có học lực trung bình, yếu không thi vào lớp 10 để không ảnh hưởng đến tỷ lệ đỗ vào trường THPT công lập, để con số báo cáo thành tích được… đẹp hơn.

Đây là những hành động phi giáo dục cần phải loại bỏ, nếu có.

Có một thực tế rằng, áp lực rất lớn đối nhà trường và giáo viên là áp lực thi cử; các tiêu chí đánh giá nhà trường phổ thông của ngành giáo dục đều có chỉ tiêu về tỷ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp… Vậy nên, để có thành tích tốt, “con số đẹp” thì nhiều nhà trường, giáo viên không muốn, không dám đánh giá đúng điểm số thực chất, năng lực học tập của học sinh.

Có nhiều lời giải thích cho sự việc trên, nhưng cứ đến mùa tuyển sinh vào lớp 10, vấn đề lại được phản ánh, thì cần phải xem lại một cách thực chất câu chuyện.

Năm ngoái, xung quanh ồn ào về hiện tượng “ép học sinh học yếu không thi vào lớp 10”, Bộ GDĐT khẳng định sẽ triển khai nghiêm túc việc chống bệnh thành tích.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyện cũ đang lặp lại.

Để chấm dứt hiện tượng gây bức xúc dư luận, chúng ta cần sự chỉ đạo, xử lý của Bộ GDĐT không chỉ một vài trường hợp đơn lẻ, mà phải có giải pháp hữu hiệu để hiện tượng can thiệp một cách phi giáo dục, ảnh hưởng đến quyền học tập của học sinh sẽ không tiếp tục tái diễn.

Và để minh bạch hơn, “đường dây nóng” của Bộ GDĐT về vấn đề trên đừng “nóng” một lần như năm ngoái, mà hãy “nóng” liên tục, để người dân phản ánh thực trạng một cách không ngần ngại; để giáo dục được thực chất hơn!

Có thể bạn quan tâm

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Mới đây, một lãnh đạo Bộ KH-CN cho biết định hướng đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong thời gian tới của bộ này sẽ tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc, không ưu tiên đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế.
Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Hãy cho bánh mì một hướng dẫn

Hãy cho bánh mì một hướng dẫn

Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã phát thông cáo báo chí về kết quả xét nghiệm của vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì trên địa bàn TP.Long Khánh, làm khoảng 550 trường hợp phải nhập viện điều trị (tính đến ngày 7.5).